Nhiều loại tiền tệ được hỗ trợ bởi thâm hụt tài khoản vãng lai lớn hiện nay đang sụt giảm giống như USD.

Theo nhiều cuốn sách về kinh tế, đồng tiền của những nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nên hạ giá tương đối so với đồng tiền của những nước có thặng dư. Điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập khẩu, vì thế cân bằng cán cân thương mại.

Mỹ có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất và USD đã hạ giá liên tục từ năm 2002. Tuy nhiên đồng nội tệ của nhiều nước vẫn tăng giá đều trong khoảng thời gian gần đây.

Anh, Úc và New Zealand và Iceland có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn (họ cũng đang gặp phải khá nhiều vấn đề về thị trường nhà đất và tín dụng như Mỹ). Tuy nhiên, vài năm qua và cho đến giữa năm 2007, đồng nội tệ của họ vẫn liên tục tăng giá tương đối so với đồng tiền của những nước có thặng dư lớn như Nhật Bản và Thụy Điển.

Nhật Bản, tuy có thặng dư tài khoản vãng lai chiếm 4,9% GDP và hiện nước này là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, từ cuối năm 2002 đến giữa năm 2007 tỷ trọng thương mại của Nhật Bản giảm 13%. Tại New Zealand, trong cùng khoảng thời gian trên tuy thâm hụt thương mại chiếm đến 8% GDP, đồng nội tệ nước này tăng giá 28%.

Hiện tượng này là kết quả của việc kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), một chiến lược tiền tệ giải thích cho chúng ta tại sao những dòng chảy thương mại hiện nay bị cản trở bởi dòng vốn xuyên biên giới.

Khi lãi suất thấp, nhà đầu tư quốc tế với khao khát lợi nhuận đã đổ tiền vào những loại tiền tệ có lãi suất cao hơn như tiền của Anh, Úc, New Zealand, Iceland và của nhiều nước đang phát triển.
Nhà đầu tư vay tiền tại nhũng nước có lãi suất thấp như Nhật Bản và sau đó đầu tư vào đồng tiền có lãi suất cao hơn ở một nước khác. Động thái này sẽ giúp đồng tiền của nước thứ hai tăng giá. Điều này vì thế tiếp tục làm tăng thêm mất cân bằng
Tuy nhiên kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào năm ngoái, hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất đã giảm bớt và nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bù đắp thâm hụt tài chính. Hậu quả là mất cân bằng tài khoản vãng lai một lần nữa lại ảnh hưởng lên các loại tiền tệ.
Những nước có thâm hụt nhiều nhất là những nước có đồng nội tệ yếu đi nhiều. Trong khi đó, đồng Yên và đồng franc Thụy Sỹ tăng giá. Một năm trước, điều ngược lại đang diễn ra.
Nhà đầu tư đã có cái nhìn thấu đáo hơn về thị trường các nước đang phát triển. Gần đây, có một luận điểm cho rằng thị trường các nước đang phát triển hiện nay ít rủi ro hơn bởi những thị trường này không còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài như một thập kỷ trước đây.
Trên thực tế nhiều nền kinh tế đang phát triển hiện nay, theo ước tính có tổng thặng dư khoảng hơn 800 tỷ USD. Mức thặng dư tại Trung Quốc, Nga và một số nước xuất khẩu dầu vùng Vịnh rất lớn. Khoảng một nửa trong số 25 nền kinh tế đang phát triển của thế giới có thâm hụt thương mại.
Sau một thập kỷ có thặng dư, Hàn Quốc hiện đang đương đầu với vấn đề thâm hụt thương mại. Thâm hụt thương mại của Brazil cũng tăng cao bất chấp giá dầu tăng cao, giá trị hàng hóa xuất khẩu của nước này cũng tăng theo. Một số nước khác như Ấn Độ, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phải trải qua thâm hụt nhiều năm.
Trong một bài báo gần đây, Economist, một tờ báo kinh tế danh tiếng của thế giới xếp hàng 15 nền kinh tế mới nổi theo tiêu chí rủi ro về kinh tế. Dựa trên thâm hụt thương mại và ngân quỹ, tỷ lệ lãi suất và tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng, kinh tế của Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary dễ bị tổn thương nhất.
Thâm hụt tài khoản vãng lai không phải lúc nào cũng là xấu. Một nước có thể vay tiền nước ngoài để có tiền cho những khoản đầu tư có lợi cho tương lai. Tuy nhiên, thâm hụt lớn cũng có nghĩa là nền kinh tế nước đó và đồng nội tệ của họ sẽ gặp khó nều nguồn vốn nước ngoài đột ngột hạ xuống.
Ngân hàng Trung ương các nước đang phát triển hiện lo ngại rằng đồng nội tệ hạ giá sẽ làm tăng lạm phát. Một năm trước, chính phủ một số nước đang phát triển can thiệp rất mạnh tay để giảm giá đồng nội tệ, tuy nhiên hiện nay tại nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, họ đang phải bán USD ra để tăng tỷ giá hối đoái. Ngoại lệ duy nhất là Trung Quốc, nguồn vốn vào nước này vẫn tăng cao và có thặng dư lớn.
Carry trade là gì ?
Gần đây trên các báo chí nước ngoài, trên mạng internet, trong các bản tin kinh tế tài chính thường xuất hiện thuật ngữ: "Carry trade". Thuật ngữ này chỉ mới xuất hiện trong lĩnh vực tài chính tiền tệ trong 1-2 năm trở lại đây. Nguyên do từ việc chênh lệch lãi suất giữa các đồng tiền quá lớn.
Cụ thể ở đây là lãi suất đồng Yen Nhật và các ngoại tệ khác. Chính phủ Nhật trong vòng 2 năm trở lại đây đã duy trì lãi suất đồng Yen ở mức rất thấp, chỉ dao động trong khoảng 0 - 0.5%/năm. Trong khi đó, lãi suất đồng USD và các ngoại tệ khác luôn duy trì ở mức từ 3 - 6%/năm.
Do có sự chênh lệch lãi suất này, các nhà đầu tư tài chính sẽ vay đồng Yen(lãi suất thấp), sau đó đem đồng Yen vừa vay được đổi sang các ngoại tệ khác để hưởng lãi suất cao hơn.
Như vậy, hành động vay đồng tiền có lãi suất thấp sau đó đổi lấy đồng tiền có lãi suất cao hơn được gọi là "Carry trade", nên có thể giải nghĩa ra tiếng Việt là "Kinh doanh chênh lệch lãi suất".
CafeF

Nguồn: Internet