- Ngành Dệt may:

 Trong những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới nên thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhất là các thị trường chủ lực như Mỹ, EU. Sang tháng 5 và 6 năm 2009, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành dệt may đã có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt trong tháng 6, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết năm 2009 và đầu năm 2010, đây là tín hiệu tốt đối với ngành dệt may. Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 4 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 55% tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, sau đó là các thị trường EU với 700 triệu USD, chiếm gần 12%. Sau khi Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản có hiệu lực từ 1/2009, kim ngạch sang thị trường Nhật Bản tiếp tục tăng và 6 tháng đầu năm đạt 430 triệu USD, tăng  17,8%.

Để ngành dệt may vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì thị trường truyền thống, chú trọng khai thác thị trường nội địa, chủ động tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, phát triển nguồn nguyên phụ liệu, giải quyết vấn đề mẫu mã, giá thành để chủ động đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước cũng như xuất khẩu.

Đối với thị trường trong nước, ngành dệt may đang triển khai "Chương trình xúc tiến thị trường thương mại nội địa" với nhiều hệ thống siêu thị bán hàng trực tiếp, đồng thời là kênh phân phối cho các hộ bán lẻ, bán sỉ để đưa hàng về các vùng nông thôn, khai thác tối đa thị trường trong nước, nhất là khu vực tiêu dùng có thu nhập thấp; chú trọng hơn nữa các hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm là hướng đi đúng đắn để ngành dệt may có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và tăng trưởng bền vững.

- Ngành Da giầy:

Cũng như ngành dệt may, sang quý II, sản xuất của ngành da giày đã có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên việc bị động đối với nguồn nguyên liệu để sản xuất đang là rào cản đối với quá trình chuyển đổi sang sản xuất toàn diện của ngành da giày. Hiện nay, ngành vẫn đang phải nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu.

Suy giảm kinh tế ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành da giầy như Hoa Kỳ, EU... chưa có dấu hiệu phục hồi nên nhu cầu tiêu dùng ở những thị trường này tiếp tục giảm sút. Do thiếu đơn hàng xuất khẩu từ Hoa Kỳ, EU nên nhiều doanh nghiệp ngành da giầy chỉ sản xuất cầm chừng. Nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất của ngành (dệt may và da giầy) 6 tháng đầu năm giảm 24% so với cùng kỳ cũng phản ánh mức độ sản xuất của ngành giảm sút. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 6 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ.

- Ngành Giấy:

 Trong những tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu và sản phẩm giấy thế giới liên tục giảm so với năm 2008. Các nhà máy có quy mô lớn phải giảm sản lượng sản xuất để tập trung tiêu thụ nhằm giảm bớt lượng hàng tồn kho còn khá lớn từ cuối năm 2008 (khoảng 140.000 tấn). Hầu hết các nhà máy nhỏ, công suất dưới 10.000 tấn/năm phải đóng cửa, các nhà máy còn lại chỉ huy động được 50-60% công suất.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành giấy, Bộ Tài chính đã có điều chỉnh thuế suất mới 29% so với mức 20-25% hiện hành đối với tất cả các loại giấy nhập khẩu. Đây được coi là biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh khó khăn, sức mua giảm và lượng hàng tồn trong kho còn nhiều. Sang tháng 5 và 6 tình hình sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên công suất mới đạt trên 80% so với cùng kỳ năm 2008. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ để tăng sản lượng sản xuất nhằm chuẩn bị tốt cho năm học 2009-2010.

- Ngành Nhựa:

 Mặc dù giá nguyên liệu bình quân 6 tháng đầu năm vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 2008 khoảng 30-40%, nhưng do nhu cầu nhập khẩu ở nhiều thị trường trọng điểm giảm nên kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa 6 tháng chỉ đạt 362 triệu USD, giảm 16,1%. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất túi PE xuất khẩu sang Mỹ đang phải đối mặt với vụ kiện chống trợ cấp, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu cả năm 2009 của ngành. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí, khai thác tối đa thị trường trong nước, sản xuất nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Ngành Bia - Rượu - Nước giải khát:

Hiện nay đang là thời điểm tiêu thụ thuận lợi các sản phẩm của ngành bia, rượu, nước giải khát, tuy nhiên, sản lượng bia sản xuất 6 tháng ước đạt 909,1 triệu lít, tăng thấp 6,6% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội và Sài Gòn đều đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, khuyếch trương thương hiệu để nâng cao sản lượng tiêu thụ, tăng cường công tác đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án (như dự án nhà máy bia Mê Linh, dự án nhà máy bia Hà Nội tại Hưng Yên, các dự án bảo vệ môi trường, các dự án xây dựng hệ thống kho...). Nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoach, các doanh nghiệp trong ngành cần tích cực triển khai các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt công tác tiết kiệm, chống lãng phí tại tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, lưu thông nhằm giảm tối đa chi phí, giữ ổn định giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

- Ngành Thuốc lá:

 Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản vẫn ổn định và tiếp tục tăng trưởng nhờ tiếp tục đổi mới cơ câu sản phảm và tăng cường tiêu thụ. Sản lượng thuốc lá bao các loại 6 tháng ước đạt 2.403,6 triệu bao, tăng 14,6%. Tuy nhiên, tình hình nhập lậu thuốc lá nhãn quốc tế theo đường tiểu ngạch vẫn diễn biến phức tạp. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh ban hành theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/06/2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Theo đó, bổ sung thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, đây sẽ là khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho sản xuất trong nước những tháng cuối năm 2009.

- Ngành Sữa:

Tuy giá nguyên liệu  nhập khẩu đã giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng giá bán sản phẩm vẫn đứng ở mức cao và có xu hướng tăng, đặc biệt là loại sữa bột nhập khẩu (chiếm khoảng 80% thị phần) . Đây là điều không bình thường nổi lên trong 6 tháng đầu năm trên thị trường sữa Việt Nam. Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có kiến nghị đưa sản phẩm sữa vào danh mục các mặt hàng Nhà nước bình ổn giá và kiểm soát giá; tiến hành thanh tra tài chính về giá tại các cơ sở sản xuất và nhập khẩu sữa, đồng thời, để quản lý chất lượng mặt hàng này, cần phải ban hành một bộ quy chuẩn quốc gia về chất lượng.

- Các ngành khác tình hình sản xuất trong tháng 6  tuy có chuyển biến tích cực hơn so với những tháng đầu năm 2009, nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

(Vietrade)

Nguồn: Vinanet