Đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, chính phủ các nước châu Á đang phải "xếp vào ngăn kéo" các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trị giá hàng tỷ USD và chuyển số tiền đầu tư này cho các dự án kinh tế cấp bách hơn.
Nhà kinh tế Edward Teather thuộc công ty UBS tại Xingapo cho biết do mối đe doạ của việc tăng giá lương thực và nhiên liệu, các quốc gia châu Á đang đặt sang một bên các dự án dài hạn để hỗ trợ phần nào cuộc sống hàng ngày của người dân và nhấn mạnh: "Rõ ràng, hiện nay lạm phát đang tác động đến mọi người". Các chính phủ mới lên nắm quyền điều hành đất nước trong năm 2008 ở Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan và Thái Lan đang tái sắp xếp những ưu tiên mà họ hứa hẹn trong các chiến dịch vận động tranh cử là sẽ dành ngân sách lớn hơn vào các dự án hạ tầng cơ sở.
Chính phủ Thái Lan đã cam kết đầu tư 50 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trong 4 năm tới. Chuyên gia kinh tế hàng đầu về châu Á thuộc ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) Michael Buchanan cho rằng các dự án lớn - như dự án đầu tư 9 tỷ USD vào cải thiện hệ thống quá cảnh ở Băng Cốc - đang phải dành ra 1,4 tỷ USD cho kế hoạch khích lệ tài chính cả gói, vừa được công bố trong tháng 7/08, nhằm trợ giá về giao thông công cộng và giá điện của các hộ gia đình.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã thành công trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống với những hứa hẹn thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng lên 7%/năm với những dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn, kể cả 15 tỷ USD xây dựng một con kênh xuyên quốc gia. Tuy nhiên, với tình trạng kinh tế suy giảm hiện nay, Hàn Quốc đã hoãn dự án xây dựng con kênh này để dành 10 tỷ USD cho các khoản trợ giá mới đối với những người thu nhập thấp.
Tại vùng lãnh thổ Đài Loan, trong chiến dịch vận động bầu cử của mình, ông Mã Anh Cửu đã đưa ra 12 dự án lớn với tổng vốn đầu tư 130 tỷ USD, và cam kết sẽ thúc đẩy các dự án này khi trở thành tổng thống. Mặc dù việc khởi công các dự án này có thể không bị trì hoãn vào năm 2009, chính phủ của ông Mã Anh Cửu hiện đang tập trung vào chương trình trợ giúp 37 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và bù đắp cho lạm phát leo thang.
Tháng 4/08, Chính phủ Malaixia đã ngừng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc với vốn đầu tư 2,5 tỷ USD đến Xingapo để dành 1,3 tỷ USD cho dự trữ lương thực và tăng cường sản xuất lúa, và rau quả tươi. Đến tháng 6/08, Malaixia cũng hoãn các dự án xây dựng đập, đường bộ và đường sắt trị giá 1,2 tỷ USD ở bang Penang. Do giá năng lượng và vật liệu xây dựng gia tăng, các quan chức Malaixia cam kết tăng cường đầu tư cho các dự án sản xuất lương thực và các chương trình xoá đói giảm nghèo. Theo ông Chua Hak Bin, nhà chiến lược hàng đầu về châu Á của Ngân hàng Deutsche, các dự án xây dựng rõ ràng đang chịu nhiều sức ép, không chỉ vì chi phí xây dựng tăng cao hơn mà cả tình hình tài chính đang bị thắt chặt.
Tại Xingapo, chính quyền nước này vừa quyết định hoãn kế hoạch xây dựng trị giá 1,2 tỷ USD, kể cả dự án xây dựng một bệnh viện, để kiềm chế tăng giá và giảm bớt tình trạng thiếu lao động và vật liệu xây dựng cấp. Từ tháng 11/07, Xingapo đã hoãn các dự án xây dựng với tổng vốn đầu tư lên tới 4,7 tỷ đôla Xingapo. Số liệu mới nhất cho thấy giá tiêu dùng của Xingapo đã tăng lên 7,5% trong tháng 6/08, mức cao nhất trong 26 năm qua, trong khi ông Chua dự đoán rằng giá xây dựng ở nước này đã tăng 20-30% trong năm 2007. Một dự án đường sắt quốc tế nối Bắc Kinh với Xingapo cũng đang đứng trước nguy cơ trì hoãn.
Tập đoàn TSO (Pháp) đã thắng thầu trong năm 2007 và giành được dự án cải tạo các đoạn đường bị hỏng trên khắp Campuchia với vốn vay hỗ trợ 42 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của tập đoàn tham gia dự án này cho biết giá xây dựng đã tăng 85% kể từ khi cuộc đấu thầu diễn ra và yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu đàm phán lại.
 
 
 

Nguồn: Vinanet