Tại một diễn đàn về năng lượng ở thủ đô Washington (Mỹ) trong tuần qua, chuyên gia kinh tế hàng đầu của BP, ông Spencer Dale cho rằng thế giới đang chứng kiến một cuộc đổi ngôi giữa các nước cung cấp năng lượng chính cho nền kinh tế toàn cầu do những tác động mạnh mẽ của cách mạng dầu đá phiến.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến là nguyên nhân chính làm cho sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng đột biến, giúp Mỹ năm 2014 qua mặt Saudi Arabia và Nga, trở thành quốc gia sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Thực tế này giúp Mỹ giờ đây bớt phụ thuộc hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu, một yếu tố từng gây tổn hại đối với sự cân bằng trong cán cân thương mại và nền kinh tế Mỹ.

Chuyên gia Spencer Dale cho biết sản lượng khai thác dầu hàng ngày của Mỹ năm 2014 tăng thêm 1,4 triệu thùng. Đây là mức tăng sản lượng khai thác lớn nhất thế giới trong một năm.

Mỹ cũng là nước lần đầu tiên trong ba năm qua có sản lượng khai thác hàng ngày tăng thêm hơn 1 triệu thùng. Với mức tăng này, năm 2014, sản lượng khai thác dầu của Mỹ vượt mức đỉnh cao năm 1970 và đưa Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 1975 trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Ngoài dầu mỏ, năm 2014 sản lượng khai thác khí đốt của Mỹ cũng tăng đột biến, chiếm gần 80% mức tăng của toàn thế giới trong lĩnh vực này. Với mức tăng này, báo cáo của BP xác định Mỹ cũng đã vượt qua Nga trở thành nước sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, chi nhánh Nhật Bản, nguyên Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Daisuke Kotegava mới đây đã cảnh báo, vỡ "bong bóng dầu đá phiến" sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho Mỹ.

"Triển vọng tốt hay xấu sẽ phụ thuộc vào giá dầu. Nếu giá vẫn thấp như hiện nay, việc khai thác khí ngoài khơi sẽ vô vọng. Khi giá dầu dưới 75 USD/thùng, sản xuất khí đốt ngoài khơi sẽ không có lãi. Tất cả phụ thuộc liệu giá dầu có tăng lên trên mức ngưỡng trên hay không".

Như vậy, ngưỡng giá có lợi nhuận của dầu đá phiến là 75 USD/thùng. Vào tháng 2/2015, phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) tại Saudi Arabia, Chủ tịch Tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga), Viktor Zubkov cũng cho rằng, mức giá 45 USD/thùng, 50 USD/thùng, thậm chí là 60 USD/thùng đều không thể là động lực cho các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến tồn tại.

Trong khi đó, theo các tổ chức nghiên cứu thị trường dầu mỏ, chi phí sản xuất dầu từ đá phiến dầu của Mỹ năm 2014 ở mức 60 USD/thùng. Chưa kể, suốt nhiều tuần qua giá dầu đã lình xình quanh ngưỡng 60 USD/thùng kể từ khi giảm 60% từ tháng 6/2014 do tình trạng nguồn cung dư thừa và nhu cầu thấp.

Trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ đưa ra đầu tháng 6/2015, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng dự báo xu hứng nhu cầu dầu thô tăng mạnh gần đây sắp kết thúc. Cơ quan này cũng điều chỉnh dự báo về tăng trưởng nhu cầu toàn cầu lên 1,7 triệu thùng/ngày trong quý 1. Tuy nhiên, con số này ước sẽ chỉ ở mức 1,4 triệu thùng/ngày cho cả năm 2015.

Tháng 1/2015, công ty WBH Energy chuyên khai thác dầu mỏ đá phiến và khí đốt của Mỹ đã tuyên bố phá sản trong bối cảnh mức giá dầu thế giới lao dốc. WBH Energy trở thành doanh nghiệp khai thác dầu đầu tiên của Mỹ tuyên bố phá sản.

Bởi sản lượng dầu đá phiến tác động đến giá dầu, đồng thời giá dầu cũng ảnh hưởng đến số phận các dự án khai thác dầu đá phiến nên có vẻ như Mỹ đã bị "hớ" trong cuộc chơi này.
Theo Minh Thái
Báo Đất Việt

Nguồn: Báo Đất Việt