Hồng ngọc và ngọc bích Myanmar nổi tiếng vì chất lượng cao và được tiêu thụ khắp thế giới. Nhưng ngành khai thác các loại đá quý này ở Myanmar hiện đang mấp mé bờ vực, do những tác động từ suy thoái toàn cầu.
 
Giá cả giảm mạnh
Đơn hàng cho các loại đá quý Myanmar hầu như đã ngừng lại, còn giá thì giảm mạnh. Đá quý là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ ba ở nước này. Việc sụt giảm nhu cầu tiêu thụ đá quý đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Myanmar.
Các loại đá quý Myanmar thường được đưa tới Trung Quốc và Thái Lan, sau đó được mài giũa và bán lại. "Thông thường, khoảng 1,63kg ngọc bích dù tốt hay xấu có giá chừng 144USD. Bây giờ, chúng tôi không thể bán nổi 1/10 mức giá như thế", một nhà giao dịch đá quý Myanmar cho biết.
Hồng ngọc và ngọc bích Myanmar được khai thác chủ yếu ở phía bắc nước này, nổi tiếng là thung lũng Ruby hay khu vực Mogok, cách Rangoon 800km.
 
Tới gần đường cùng
Theo ước tính, khu vực Mogok chiếm khoảng 90% sản lượng ruby của thế giới. Nhưng đối mặt với sự sụt giảm, hầu hết các mỏ khai thác tại đây chuẩn bị phải đóng cửa.
Một số mỏ đã ngừng sản xuất hoàn toàn, số khác thì có đến 90% công nhân thất nghiệp. Khai thác đá quý tại Myanmar chủ yếu do hãng Myanmar Economic Holdings và Myanmar Economic Corporation (MEC) đảm nhận.
Do lượng đơn hàng giảm mạnh từ Thái Lan, MEC đã ngừng mọi hoạt động. Trước khi xảy ra suy thoái, có khoảng 500.000 người làm việc trong các mỏ khai thác đá quý do nhà nước hay tư nhân sở hữu. Con số này chiếm khoảng 10% lực lượng lao động Myanmar.
Tại Mineshu, khu vực có các mỏ đá quý lớn nhất, nơi từng có 100.000 người làm việc, nay 3/4 trong số này đã mất việc và rời đi nơi khác.
Một chủ mỏ đã mô tả tình trạng hiện nay củag ngành công nghiệp khai thác đá quý tại Myanmar là "gần như tan vỡ". Ông nói, nếu nhu cầu tiếp tục giảm trong năm tới, có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho toàn bộ ngành công nghiệp khai thác đá quý ở nước này.
 

Nguồn: Internet