Ngành thủy sản năm 2014 đã thật sự thắng lợi với sự tăng trưởng trên nhiều phương diện, thể hiện quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng như các hội ngành nghề liên quan; tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Vượt rào cản

Để có được những thành quả về lĩnh vực thủy sản năm 2014 là do các cấp bộ, ngành cùng cơ quan quản lý của địa phương đã gắn công tác tái cơ cấu ngành, tạo bước chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung vào những sản phẩm chính, chủ lực: tôm thẻ chân trắng (TTCT), tôm sú, cá tra. Cùng đó, tranh thủ thị trường tiêu thụ khi nhiều nước (Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…) nghề nuôi tôm đang chưa phục hồi để tăng sản lượng nuôi TTCT, tập trung tháo gỡ thị trường tiêu thụ, kiềm chế dịch bệnh, đàm phán với chính phủ các nước nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Mặc dù, có nhiều tiến bộ nhưng NTTS năm qua còn gặp nhiều khó khăn về thời tiết thất thường; dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp; chúng ta đã khống chế được bệnh tôm chết sớm nhưng năm 2014 bệnh đốm trắng lại bùng phát trở lại chiếm diện tích khá lớn ở một số tỉnh trọng điểm nuôi tôm. Mặt khác, quản lý nhà nước về vật tư, con giống, thiết bị, môi trường nuôi còn nhiều bất cập, nỗi lo kém bền vững trong NTTS vẫn luôn nảy sinh. Người nuôi vẫn tiếp tục khó khăn, thiếu vốn sản xuất, hộ nuôi và doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản bị hạn chế trong tiếp cận nguồn vay; các rào cản thương mại, kỹ thuật của thị trường các nước nhập khẩu vẫn thường xuyên cảnh báo liên quan dư lượng kháng sinh tồn dư trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu,nên nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức...

Hiện đại hóa nâng cao giá trị

Tiếp tục phát huy những thắng lợi năm 2014, đẩy lùi khó khăn, mục tiêu của ngành thủy sản năm 2015 là phải tập trung hiện đại hóa nâng cao hiệu quả NTTS, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh, nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản và xây dựng Nông thôn mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định xã hội.

Theo đó, mục tiêu phải đạt được trong năm 2015: Giữ ổn định 1,3 triệu ha; sản lượng NTTS 3,75 triệu tấn (NTTS nước ngọt 2,4 triệu tấn, nước mặn lợ 1,35 triệu tấn); đối tượng khác 350.000 tấn.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ và kế hoạch năm 2015, lãnh đạo ngành thủy sản đã xác định, tập trung thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp: Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản; chú trọng tổ chức lại sản xuất trong NTTS, chấn chỉnh hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo ra bước chuyển biến cơ bản trong nuôi thủy sản. Điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi, ưu tiên các đối tượng chủ lực (tôm nước lợ, cá tra, rô phi và nhuyễn thể); xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng vùng NTTS tập trung và nuôi thâm canh; hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý từ trung ương tới địa phương trong chỉ đạo phối hợp thực hiện nhiệm vụ.Triển khai sâu rộng hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng trừ dịch bệnh đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt, tại các vùng nuôi trọng điểm trong cả nước, hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, ngao; Tiếp tục bố trí nguồn lực, kinh phí hợp lý phòng chống dịch bệnh. Tập trung chỉ đạo tốt mùa vụ nuôi, nhất là vụ nuôi tôm nước lợ đầu năm. Tăng cường kiểm tra các yếu tố đầu vào, nhất là chất lượng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường NTTS; triển khai kiểm soát cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT; tiếptục triển khai mạnh mẽ VietGAP. Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghệ lai tạo giống, tạo cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia chương trình chọn tạo giống TTCT bố mẹ sạch bệnh và chương trình chọn tạo giống tôm sú, đáp ứng đủ nhu cầu tôm bố mẹ phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm... Tiếp tục triển khai Nghị định 36/2014/NĐ-CP; tháo gỡ khó khăn về vốn vay nuôi cá tra, tôm đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại văn bản 540/QĐ-TTg 16/4/2014; có giải pháp căn bản xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong SXKD cá tra đảm bảo lợi ích các bên. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản trên thị trường, nhằm từng bước ổn định uy thế sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Nguồn: thuysanvietnam.com.vn

Nguồn: Tin tham khảo