(VINANET) – Giá năng lượng và kim loại thế giới hầu hết giảm mạnh trong tháng 5/2011, ngoại trừ vàng. Nguyên nhân chủ yếu do lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế khi mà Trung Quốc ra hàng loạt biện pháp ngăn chặn lạm phát, và cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu ngày càng trầm trọng.

Tháng 5 vừa qua đánh dấu tháng giảm giá mạnh nhất trong vòng 1 năm nay của thị trường hàng hoá, với chỉ số giá 24 nguyên liệu GSCI của Standard & Poor giảm 6,7%, là tháng đầu tiên giảm kể từ tháng 8 năm ngoái.

Trong số các kim loại và năng lượng, bạc có mức giảm giá mạnh nhất trong tháng qua, giảm 21%, tiếp đến là nickel.

Hàng hoá đã kết thúc 8 tháng liên tiếp tăng giá, bởi các ngân hàng trung ương tăng tỷ lệ lãi suất nhằm làm giảm sức ép lạm phát – đã lên tới kỷ lục cao 32 tháng tại trung Quốc khi vượt mục tiêu 4% mỗi tháng của năm nay.

Các nhà hoạch định chính sách khu vực đồng Euro cũng đang nỗ lực kiểm soát vấn đề khủng hoảng nợ công - điều đã gây áp lực lên đồng Euro khiến đồng tiền này phải trải qua tháng đầu tiên giảm giá trong vòng 6 tháng.

Các vấn đề

Điểm nóng về nợ công lúc này là Hy Lạp - nước đang phải chịu sức ép căng thẳng từ tất cả các bên quan tâm đến vấn đề nợ công của nước này đối với những cải cách nghiêm ngặt mà Athens cần thực hiện để tiếp tục nhận được cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã hạ mức xếp hạng đối với Hy Lạp từ B1 xuống Caa1, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục hạ mức xếp hạng tín dụng của nước này với lý do Athens khó tránh khỏi nguy cơ tái cơ cấu nợ công.

Theo Moody's, quyết định này cho thấy Hy Lạp không thể ổn định được tình hình tài chính nếu không cơ cấu lại nợ công và các chủ nợ thuộc khu vực tư nhân sẽ phải chia sẻ gánh nặng này.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh tăng mức dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng 8 lần kể từ tháng 11 năm ngoái, và tăng tỷ lệ lãi suất 4 lần kể từ tháng 10 năm ngoái. Giá điện dùng trong kinh doanh và sản xuất nông nghiệp ở 15 tỉnh cũng được điều chỉnh tăng kể từ tháng 6, là lần tăng đầu tiên trong vòng hơn 1 năm nay, đe doạ làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát ở nước này.

Chỉ số chứng khoán MSCI của tất cả các quốc gia trên thế giới đã giảm 2,4% trong tháng qua, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8. Trái phiếu kho bạc Mỹ tăng 1,5%, theo báo cáo của ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, điều cho thấy các nhà đầu tư thất vọng về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Sean McGillivray, phó chủ tịch công ty Great Pacific Wealth Management ở Oregon nhận định “Các nhà đầu tư lại đang chuyển hướng đầu tư sau khi nỗi lo lạm phát gia tăng trở lại, và phản ứng của họ đã đẩy USD giảm giá”.

Euro tăng lên mức cao kỷ lục 3 tuần so với USD sau khi người dân tin rằng Hy Lạp có thể tránh được tình trạng tái cơ cấu nợ. Điều này hấp dẫn các nhà đầu tư chuyển sang những đồng tiền khác ngoài USD”.

Kết thúc tháng, giá bạc ở mức 38,53 USD/ounce tại New York, giảm 21% trong vòng 1 tháng, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008, sau một thời gian biến động mạnh. Chỉ mới đây thôi, bạc đã từng ngự ở mức cao kỷ lục 31 năm (hôm 25/4) – tăng gấp đôi trong vòng 12 tháng.

Vàng tiếp tục đà tăng giá. Hôm 2/5 vàng đã đạt kỷ lục cao lịch sử 1.577,57 USD/ounce, do các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn tránh những biến động về kinh tế. Việc các ngân hàng trung ương mua vào cũng đẩy giá vàng tăng.

Nga và Mêhicô đã mua thêm vàng trong tháng 4, với Nga mua 13,72 tấn, nâng tổng dự trữ lên 824,83 tấn.

Dầu thô vừa qua tháng giảm giá mạnh nhất trong vòng 1 năm, giảm 10%, kết thúc tháng ở mức 102,06 USD/thùng tại New York, sau khi một trạm bơm buộc phải tạm dừng hoạt động đường ống dẫn dầu Keystone - chở dầu tới trung tâm lưu trữ lớn nhất nước Mỹ. Nỗi lo về nợ công ở Châu Âu và tăng trưởng chậm lại ở Mỹ đã đè trĩu thị trường dầu mỏ.

Giá niken tại LME giảm 12% trong tháng qua bởi triển vọng cung cầu sẽ cân bằng hơn trong năm nay sau khi thiết hụt trầm trọng trong năm ngoái. Các nhà khai thác đang đẩy mạnh sản xuất niken trong khi nhu cầu từ các ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành thép không gỉ, đều không có dấu hiệu tăng trưởng đột biến.

Giá đồng giảm trong tháng, nhưng triển vọng sẽ sớm hồi phục, bởi nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu mạnh từ Trung Quốc.

Nhu cầu đồng tinh luyện toàn cầu được tổng thư ký của Uỷ ban Đồng Quốc tế, ông Mark Loveitt, dự báo sẽ tăng 8,4% từ 2010 đến 2012, so với mức tăng 16,4% từ 2005 đến 2010. Nhu cầu từ ngành điện ở Trung Quốc có thể tăng 5% trong năm nay, còn ngành xây dựng sẽ tăng 7%, trong khi từ ngành vận tải có thể tăng 8% đến 10%.

Nhôm là kim loại cơ bản có mức tăng giá tốt nhất trong năm nay trên sàn LME, sau khi tăng 8,1% kể từ đầu năm. Kết thúc tháng 5, giá nhôm ở mức 2.670 USD/tấn. Giá nhôm giao sau 3 tháng tại Sở giao dịch Kim loại London (LME) leo lên 2.803 USD/tấn hôm 3/5 – cao nhất kể từ tháng 8/2008 bởi triển vọng giá dầu cao sẽ đẩy tăng chi phí sản xuất.

Sản lượng nhôm bình quân hàng ngày trong tháng 4 của toàn thế giới đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 1999 trong bối cảnh giá đang tăng. Theo số liệu từ Viện Nhôm Quốc tế, sản lượng nhôm toàn cầu đạt bình quân 118.800 tấn/ngày trong tháng 4, so với 115.400 tấn/ngày của tháng 3.

Thị trường than đá qua tháng 5 biến động mạnh, với giá tại vịnh Richards của Nam Phi kết thúc tháng ở mức 118,29 USD/tấn.

Xuất khẩu than đá từ Nhật giảm sút sau động đất, trong khi nhập khẩu vào Trung Quốc gia tăng do thiếu điện.

Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng cộng với việc tăng giá điện kể từ 1/6 ở Trung Quốc sẽkhiến nguồn cung kim loại và than đá trở nên thắt chặt hơn, hỗ trợ giá tăng trong dài hạn.

Nỗ lực chống lại tình trạng thiếu điện kỷ lục ở Trung Quốc trong mùa hè năm nay có thể đẩy tăng giá kim loại cơ bản vì Bắc Kinh sẽ buộc các nhà máy luyện kim tiêu tốn năng lượng phải hạn chế sản xuất, dẫn đến khả năng nhập khẩu nhiều hơn.

Theo giới phân tích, hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp Trung Quốc đã bị ảnh hưởng kể từ đầu năm bởi chính sách thắt chặt tín dụng. Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng cộng với việc tăng giá điện kể từ hôm nay 1/6 đối với 15 tỉnh sản xuất công nghiệp nặng chủ chốt của đất nước sẽ càng khiến nguồn cung kim loại trở nên thắt chặt hơn, hỗ trợ giá tăng trong dài hạn.

Li Lijuan, nhà phân tích của COFCO Futures ở Bắc Kinh cho rằng, toàn bộ lĩnh vực kim loại cơ bản sẽ bị tác động, trong đó nặng nhất là nhôm vì kim loại này dùng nhiều điện hơn cả.

Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc hiện đã lan sang 26 tỉnh và có thể thiếu hụt tới 40 GW trong mùa hè này do dự trữ than thấp kết hợp với hạn hán nghiêm trọng nhất 50 năm làm giảm lượng nước ở các đập.

Barclays Capital cũng nhận định, thiếu điện tại Trung Quốc có thể tích cực cho giá kim loại bởi việc cắt điện ảnh hưởng tới sản xuất lớn hơn so với nhu cầu tiêu dùng và như vậy lần tăng giá tiếp theo sẽ làm căng thẳng cán cân thị trường.

Giao dịch trên 4 sàn giao dịch hàng hóa và chứng khoán kỳ hạn ở Trung Quốc đã tăng 22,58% trong 5 tháng đầu năm, lên 55,7 nghìn tỷ NDT, tương đương 8,71 nghìn tỷ USD.

Theo Hiệp hội Kỳ hạn Trung Quốc, tính riêng tháng 5, khối lượng hàng hóa và chứng khoán giao dịch trên các sàn đạt 93,81 triệu lot, với giá trị 12,03 nghìn tỷ NDT, tăng 12,39% so với tháng 5 năm ngoái.

Trung Quốc hiện có 4 sàn giao dịch hàng hóa, trong đó nông sản chủ yếu giao dịch trên Sở giao dịch Đại Liên và Sở giao dịch Trịnh Châu, trong khi các kim loại chủ yếu giao dịch trên Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải và giao dịch hợp đồng tương lai về tài chính được thực hiện trên Sở giao dịch Tài chính Kỳ hạn Trung Quốc.

Khối lượng giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa Trịnh Châu tháng 5 tăng 11,12% lên 43,66 triệu lot, giá trị tăng 110,98% lên 4,14 nghìn tỷ NDT.

Sở giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải chứng kiến lượng giao dịch giảm 61,58% về khối lượng xuống 24,45 triệu lot và giảm 43,27% về giá trị còn 3,37 nghìn tỷ NDT.

Khối lượng giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa Đại Liên tháng 5 tăng 15,82% lên 21,29 triệu lot, tăng 20,63% về giá trị lên 1,35 nghìn tỷ NDT.

Sở giao dịch Tài chính Kỳ hạn Trung Quốc giao dịch 3,41 triệu lot trong tháng trước, trị giá 3,17 nghìn tỷ NDT, giảm 37,81% về lượng và 32,72% về giá trị so với cách đây 1 năm.

Giá hàng hoá thế giới tháng 5

Hàng hóa

ĐVT

Giá 1/6

Giá 1/5

CRB

 

350,060

365,820

Dollar

 

 74,606

 73,324

Dầu thô WTI

USD/thùng

 102,62

 113,22

Dầu thô Brent

 USD/thùng

116,55

125,53

Khí thiên nhiên

 USD/gallon

4,666

4,377

Vàng giao ngay

 USD/ounce

1535,90

1.530,80

Vàng kỳ hạn

USD/ounce

1534,29

1526,66

Bạc Mỹ

 USD/ounce

 38,305

0,908

Bạch kim Mỹ

USD/ounce

1834,00

13,80

Palladium Mỹ

USD/ounce

 778,95

 2,40

Đồng Mỹ

US cent/lb

 417,75

 422,80

Đồng LME

USD/tấn

 9215,00

 9320,85

(T.H - Tổng hợp)