Đối với các nước sử dụng đồng euro (eurozone), đây là mức sụt giảm cao nhất kể từ năm 1992. Theo Eurostat, so với cùng kỳ năm 2007, sản xuất công nghiệp của eurozone giảm 0,6% và EU mở rộng giảm 0,5%.
Nhật báo kinh tế lớn nhất Italia "Mặt trời 24 giờ" trích dẫn nguồn Eurostat cho biết, Hà Lan và Bồ Đào Nha là 2 nước có nền công nghiệp khủng hoảng nặng nề nhất, với mức sụt giảm tương ứng 6% và 5,7%. Pháp, Đức và Tây Ban Nha giảm 2,6% trong khi Italia giảm 1,4%, mức giảm cao nhất kể từ năm 1996. Trong khi đó, chỉ có 3 nước có tỷ lệ tăng về sản xuất công nghiệp là Cộng hòa Ailen tăng 13,3%, Bungari 3,3% và Rumani 0,5%. Về từng ngành công nghiệp cụ thể, năng lượng là ngành bị khủng hoảng nhiều nhất, với sản xuất giảm 2,7% trong eurozone và 1,8% trong EU.
Mặc dù vậy, tại Đức, nước có nền kinh tế lớn nhất châu lục, vẫn có một số dấu hiệu tích cực. Theo ông Volker Treier, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của Hiệp hội các phòng thương mại Đức (DIHK), nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng trở lại sau khi đình đốn một chút trong quý II/08. Trong tháng 5, số người có việc làm ở Đức đã tăng 143.000, so với 5.000 trong tháng trước. Theo DIHK, nền kinh tế Đức có thể tăng trưởng 2,3% trong năm 2008, nhưng sẽ giảm xuống 1% trong năm 2009, chủ yếu là do tình trạng lạm phát gia tăng, giá nhiên liệu và lương thực tăng mạnh.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam