Từ nay tới cuối năm, chứng khoán và trái phiếu sẽ tiếp tục tăng giá. Với hàng hóa, ngũ cốc và kim loại công nghiệp sẽ đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư, trong khi triển vọng giá vàng sẽ sụt giảm.

Chứng khoán

Các chiến lược gia phố Wall – hồi đầu năm 2013 đã từng dự báo S&P 500 sẽ tăng 7,6% trong năm 2013 lên 1.534 điểm vào cuối năm – mới đây đã điều chỉnh tăng con số này sau khi thị trường bật lên mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Kết quả điều tra của hãng Bloomberg cho thấy nhiều chiến lược gia dự báo S&P 500 sẽ tăng 2% trong vòng 3 tháng tới và kết thúc năm ở mức 1.715 điểm. Chỉ số tham chiếu này cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 1.844 điểm vào cuối 2014.

Quý III, chứng khoán toàn cầu đã tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố duy trì chương trình kích thích kinh tế và tăng trưởng ở Trung Quốc và châu Âu mạnh lên.

Trị giá cổ phiếu toàn cầu đã tăng 4,9 nghìn tỷ USD trong quý III nhờ Fed bất ngờ tạm hoãn kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu chính phủ, và niềm tin vào khu vực đồng euro tăng tháng thứ 5 liên tiếp. Sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc cũng tăng vượt dự báo, thúc đẩy giá kim loại công nghiệp tăng quý đầu tiên trong vòng một năm.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống 7,3% trong tháng 8, mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm.
Cổ phiếu châu Âu tăng giá mạnh  nhất kể từ 2009. Chỉ số tham chiếu ở Tây Ban Nha, Italia và Pháp tăng trên 10% trong quý vừa qua, trong khi chỉ số Hang Seng của Trung Quốc cũng bước vào chu kỳ tăng giá. Chỉ số Standard & Poor’s 500 vượt mốc 1.700 trong tháng 9, trước khi kết thúc quý ở mức 1.681,55 điểm.

Các nhà đầu tư đã rót 25 tỷ USD vào các quỹ chứng khoán trong tháng 7 và 8, trong khi rót 46,3 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu.

“Châu Âu đang thoát khỏi suy thoái và kinh tế thế giới có thêm xung lực tích cực, có lợi cho các tài sản rủi ro trên toàn cầu”, Jim Russell, nhà chiến lược cổ phiếu cao cấp của U.S. Bank Wealth Management cho biết.

S&P 500 tăng 3,1% trong tháng 9 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố sẽ tiếp tục chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng cho đến khi có những bằng chứng rõ ràng về sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế.

Chỉ số chứng khoán MSCI của các thị trường  mới nổi tăng được 5,9% trong quý III, mức tăng mạnh nhất trong vòng một năm. Chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ tăng 12% trong tháng 9, dẫn đầu trong số 21 thị trường mới nổi, bởi lạc quan rằng việc Fed duy trì kích thích sẽ khiến luồng vốn tiếp tục chảy vào quốc gia này, tạo điều kiện để họ giải quyết vấn đề thâm hụt tài khoản vãn lai trước mắt.

Hàng hóa nguyên liệu

Các chuyên gia dự báo giá dầu và kim loại cơ bản sẽ có xu hướng tăng từ nay tới cuối  năm nhờ kinh tế Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc đều khả quan hơn. Tuy nhiên, cũng chính nguyên nhân này sẽ làm giảm nhu cầu mua vàng của các nhà đầu tư. Trên thị trường nông sản, ngô được dự báo sẽ đảo chiều tăng giá trong quý này.

Chỉ số 24 nguyên liệu tổng hợp GSCI của Standard & Poor tăng 4,8% trong vòng 3 tháng tính tới 30/9/2013, là quý tăng giá mạnh nhất trong năm, do dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng và kim loại tăng. Giá cacao, bạc và gia súc đều tăng.

“Chúng tôi bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu không chỉ cho thấy châu Âu thoát đáy khủng hoảng, mà quan trọng hơn là kinh tế Trung Quốc lấy lại được đà tăng trưởng”, Walter “Bucky” Hellwig, người quản lý khối tài sản trị giá 17 tỷ USD của BB&T Wealth Management ở Birmingham, Alabama, cho biết.

Giá dầu thô Brent tăng 6,1% trong quý III/2013, sau khi đạt mức cao kỷ lục 6 tháng là 117,34 USD/thùng hôm 28/8, trong  bối cảnh lo ngại phương Tây tấn công Syria có thể làm gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông. Từ ngày 14/9 giá dầu Brent đã giảm 3,9% sau khi Mỹ và Nga đạt được thỏa thuận khung về việc Syria giao nộp vũ khí hóa học. Kết quả điều tra của Bloomberg cho thấy các chuyên gia dự báo giá Brent sẽ ở mức trung bình 107 USD/thùng trong quý này, còn dầu thô Mỹ sẽ trung bình 103 USD/thùng.

Với kim loại công nghiệp, Deutsche Bank AG nhận định nhu cầu của Trung Quốc sẽ hậu thuẫn giá từ nay đến cuối năm.

Chỉ số giá nông sản toàn cầu S&P GSCI giảm 3,4% kể từ cuối tháng 6, là quý thứ 4 liên tiếp giảm. Giá ngô giảm 8,4% trong tháng 9, là tháng thứ 7 giảm trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng giá ngô có thể hồi phục trở lại và tăng 13% lên 5 USD/bushel vào quý IV.

Riêng với vàng, giá có thể giảm 2,4% xuống 1.295 USD/ounce trong quý IV. Vàng giảm 4,9% trong tháng 9, đưa mức giảm từ đầu năm lên 21%. Goldman Sachs Group Inc. dự báo giá vàng sẽ giảm vào năm 2014 do tăng trưởng kinh tế Mỹ tốt lên và Fed sẽ cắt giảm chương trình nới lỏng tiền tệ..

Đồng USD

Chỉ số đồng đôla (Dollar Index) - so sánh tỷ giá USD với 10 đồng tiền đối tác chủ chốt, giảm 2,8% trong quý III, mức giảm mạnh nhất kể từ 2010 và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2 vừa qua sau khi Fed công bố tạm dừng kế hoạch giảm mua trái phiếu.

Đôla Niu Dilân tăng 7,3% so với đồng bạc xanh, tăng nhiều nhất trong số 31 đồng tiền đối tác chiến lược. Yen Nhật đã giảm 0,9% trong quý III xuống 98,27 JPY/USD

Euro tăng 0,5% trong quý III so với 9 đồng tiền đối tác chủ chốt. So với USD, euro tăng giá 4% lên 1,3527 USD trong quý III, mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2011. Nền kinh tế khu vực này bắt đầu từ quý 2 đã hồi phục sau kỳ suy thoái dài kỷ lục. Chỉ số xu hướng tiêu dùng châu Âu tháng 9 đã tăng mạnh hơn dự báo.

Ngân hàng Scotiabank dự báo đồng USD sẽ đảo chiều tăng giá vào quý IV, khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách kích thích kinh tế, rút dần chương trình mua trái phiếu, trong khi nhiều nền kinh tế khác ngăn chặn nội tệ tăng giá.

Kết quả điều tra của Bloomberg cho thấy các chuyên gia dự báo đồng euro sẽ giảm xuống 1,3 USD vào cuối năm 2013, và yen Nhật sẽ giảm xuống 102 JPY/USD.

Trái phiếu

Trái phiếu các loại đã tăng 0,8% giá trị trong quý III, mức tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2012, theo Chỉ số Global Broad Market của ngân hàng Merrill Lynch. Tuy nhiên so với đầu năm, trái phiếu vẫn giảm 0,5%.

Trong tháng 9/2013, lợi suất trái phiếu trung bình giảm 11 điểm hay 0,11 điểm phần trăm, xuống 2,01%. Trái phiếu lợi suất cao mang lại lợi nhuận 3,6% cho nhà đầu tư trong quý vừa qua, theo chỉ số Bloomberg Global High Yield Corporate Bond Index.

Trái phiếu kho bạc đã tăng 0,01% trong quý III, sau khi giảm trong suốt 4 quý trước đó. Trái phiếu Hy Lạp tăng giá mạnh nhất trong số 26 thị trường nặng nợ công, tăng 13% trong quý III. Trái phiếu của New Zealand giảm mạnh nhất, giảm 1,3%.

Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng trong 3 tuần cuối tháng 9, kỳ tăng giá dài nhất kể từ tháng 4. Lợi suất nợ kỳ hạn 10 năm của chính phủ Mỹ có thể tăng lên 2,9% vào cuối năm 2013, so với mức 2,6% hiện tại, theo dự báo trung bình của 74 nhà kinh tế được Bloomberg phỏng vấn.

Theo Trí Thức Trẻ/Vân Chi