Nhiều nhà kinh doanh nông sản Việt Nam đang lo ngại doanh thu xuất khẩu sang Nhật Bản – thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn thứ 3 thế giới – có thể bị giảm sút sau thảm hoạ động đất và sóng thần.

Mục tiêu gia tăng 18% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật trong năm nay có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các mặt hàng nông thuỷ sản.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định các nhà xuất khu thuỷ sản lo ngại nhiều nhất bởi Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Tổng thư ký Vasep, ông Trương Đình Hòe, nhận định thảm hoạ ở Nhật chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, nhất là thuỷ hải sản, bởi hầu hết những sản phẩm này đều được vận chuyển qua một cảng biển gần Tokyo – khu vực bị thiệt hại nặng nề bởi động đất và sóng thần. Ông cho biết thêm rằng: “Hiện chưa thể nói được phía Nhật Bản sẽ điều chỉnh lại bao nhiêu hợp đồng, trong đó có cả những lô hàng có thể bị ngưng tiếp nhận”.

Ông Lâm Ngọc Khuân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phương Nam (Sóc Trăng) cho biết: “Thị trường Nhật chiếm đến 30% thị phần XK tôm của chúng tôi. Thiên tai tại Nhật chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình XK của Việt Nam, song chưa thể biết mức độ cụ thể. Nhưng dự đoán họ sẽ giảm nhập khẩu”.
Sản phẩm dệt may của Việt Nam chiếm thị phần tương đối lớn tại thị trường Nhật Bản.

Dự báo sẽ có những thay đổi về nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc tại Nhật trong thời gian tới, và mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy vào sản phẩm và chủng loại.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn 3 nhận đinh: “Sản phẩm của Sài Gòn 3 xuất sang thị trường Nhật đa số đều là hàng hóa có mức giá trung bình. Do đó các đối tác cho rằng cũng sẽ ít bị ảnh hưởng vì trước mắt, trong hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm giá cao sẽ giảm đi”.

Nhu cầu nhập khẩu cao su của Nhật bản trước mắt sẽ giảm mạnh bởi các hãng sản xuất như Tyota Motor Co. phải tạm dừng sản xuất.

Ông Lê Văn Trí, Phó giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) cho rằng doanh thu xuất khẩu cao su sang Nhật Bản năm nay chưa chắc sẽ tăng mạnh như dự kiến. Ông cho biết mỗi tháng Casumina xuất khẩu trung bình 600.000-700.000 sản phẩm sản Nhật Bản.

(Thu Hải)