Theo ông Van Sou Ieng, chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Quần áo Campuchia (GMAC), ngành này sẽ tiếp tục duy trì các đơn đặt hàng ở mức hiện tại nếu các nhà máy tăng sức cạnh tranh hơn nữa.

Trong tháng 1 và 2 năm nay, số lượng đơn đặt hàng quần áo đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu giảm ở một số khách hàng truyền thống của Campuchia như Mỹ và Chấu Âu.

GMAC đang lên kế hoạch gặp gỡ các nhà nhập khẩu đến từ Hồng Kông vào 26 tháng 3 này nhằm vận động thêm các đơn đặt hàng.

Ông Van Sou Ieng cho biết Hiệp hội khuyến khích khách hàng tăng thêm đơn đặt hàng dệt may từ Campuchia. Hiệp hội hứa sẽ giúp đỡ các nhà máy quần áo nhằm tăng chất lượng để họ có thể cạnh tranh với các nước khác. Điều này đồng nghĩa với việc cải thiện khâu vận chuyển và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.  

Tuần trước bộ trưởng Thương Mại, ông Cham Prasidh đã phát biểu trong một cuộc họp báo rằng thu nhập từ xuất khẩu quần áo trong tháng 1 chỉ đạt 70 triệu USD, thấp  hơn rất nhiều so với 250 triệu USD cùng tháng năm 2008.

Quần áo đã từng chiếm 70% trong kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này và ngành này đã tạo công ăn việc làm cho 300.000 công nhân. Kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính tới nay, đã có gần 70 nhà máy quần áo phải đóng cửa, và đã có hơn 51.000 công nhân bị giảm lương hoặc mất việc.     




 

Nguồn: Vinanet