Trong 3 tháng đầu năm - thời gian mà các giao dịch chưa thực sự sôi động, con số này đã đạt mức tăng trưởng trên 35% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng giá trị gần 200 triệu USD, trong đó sản phẩm nhựa bao bì tiếp tục chiếm ưu thế với tỷ lệ 80%.
Thời gian gần đây, nhựa được đánh giá là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng XK nhanh nhất cả nước (chỉ đứng thứ 4 sau cơ khí, hạt tiêu và cà phê) với những thị trường XK còn hết sức rộng lớn và không quá khó để thâm nhập. Theo Cơ quan thống kê Liên hiệp quốc, đối với mặt hàng nhựa, VN là nước có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt, được hưởng mức thuế thấp hoặc đối xử ngang bằng các nước XK khác ở hầu hết các thị trường. Bên cạnh đó, sản phẩm nhựa nước ta đang được đánh giá có sức cạnh tranh cao, tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại của thế giới và được thị trường chấp nhận. Ngoài Nhật Bản đã vững thế cạnh tranh, các DN VN đang ngày càng thể hiện quyết tâm năng động hội nhập trong việc vươn tới những thị trường mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và các nước thành viên mới của EU - vốn là những khu vực có nhu cầu cao không chỉ về sản phẩm bao bì mà còn về các sản phẩm nhựa tiêu dùng và xây dựng.
Bên cạnh đó, ngay trên “sân nhà”, sản phẩm nhựa cũng đã có mặt trong hầu hết các ngành, từ công nghiệp, nông nghiệp đến giao thông vận tải, xây dựng... Những sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao như ống dẫn dầu, đồ nhựa cho ôtô hay máy vi tính cũng đã được các DN sản xuất thành công thay thế nhập khẩu (NK) mà điển hình là những tên tuổi như Tiền Phong, Phương Đông, Tân Tiến, Bình Minh...
Tuy nhiên, trong điều kiện phần lớn nguyên liệu nhựa phải NK từ nước ngoài, việc giá nguyên liệu nhựa tăng liên tục theo giá dầu thế giới, cộng với sự bấp bênh của một số nguồn hàng, đã tạo sức ép không nhỏ trong quá trình sản xuất kinh doanh nhựa. Sự lệ thuộc nguyên liệu đầu vào NK luôn là thách thức lớn đối với các DN trong ngành. Hiện mỗi năm ngành nhựa cần 1,5 triệu tấn nguyên phụ liệu, trong khi sản xuất nội địa mới đáp ứng khoảng 300.000 tấn. Đồng thời, các DN chưa có chiến lược lâu dài về xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và chưa thâm nhập trực tiếp vào hệ thống phân phối hay mở hệ thống bán hàng tại các thị trường XK. Chính điều này hạn chế giá trị gia tăng của sản phẩm XK.
Hiện thị trường thế giới có 3 khu vực trọng yếu của mặt hàng này là Mỹ, EU và Nhật. Chỉ riêng lĩnh vực bao bì nhựa, mỗi năm EU đã nhập hơn 500.000 tấn và Nhật là 480.000 tấn, trong khi ngành nhựa VN tại cả 3 thị trường lớn này chỉ có một thị phần khiêm tốn (chưa đến 1% ở Mỹ, gần 3% ở Nhật và khoảng 5% ở EU). Ngành nhựa nước ta vẫn chưa thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, bởi giá sản phẩm nhựa trong nước cao hơn giá XK. Ngoài ra, việc huy động vốn lẫn mặt bằng để mở rộng sản xuất không đơn giản, bởi hầu hết DN trong ngành là vừa và nhỏ. Bên cạnh việc ngành nhựa thiếu nguồn nguyên liệu tái sinh sạch để có thể hạ giá thành, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang là bài toán khó với các DN, cản trở nỗ lực mở rộng thị phần ra nước ngoài.
Theo Bộ Công thương, các DN trong ngành cần liên kết hợp tác để thực hiện các hợp đồng lớn và lâu dài, thay vì tồn tại tới 1.400 DN song chủ yếu vẫn là quy mô vừa, thậm chí nhỏ lẻ như hiện nay. Về sản phẩm, Bộ khuyến cáo DN tăng đầu tư và áp dụng công nghệ mới cho các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, đặc biệt là các loại bao bì có thể tự hủy để bảo vệ môi trường, các sản phẩm phục vụ nội địa hóa ngành ôtô, xe máy, điện tử, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng cấp thoát nước, các sản phẩm nhựa tiêu dùng, đò chơi trẻ em... Một vấn đề lớn nhất đặt ra là khả năng đáp ứng yêu cầu từ phía nhà NK (chủ yếu về mặt số lượng và chủng loại sản phẩm) còn khá hạn chế. Do vậy, nếu có thể giải được bài toán nguyên liệu đầu vào, mẫu mã sản phẩm cũng như đáp ứng những đơn hàng lớn, mặt hàng nhựa VN hoàn toàn có khả năng XK với quy mô lớn do nhu cầu của thế giới về mặt hàng này rất cao, với mức tăng trưởng bình quân NK trên 7%/năm.

Nguồn: Vinanet