Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng sữa của Trung Quốc có thể làm thất thu hàng tỷ USD, làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người và có lẽ phải mất một năm mới có thể lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng vào các công ty sữa.
Các quan chức Trung Quốc đã nóng lòng xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng sau khi xảy ra vụ bê bối sữa gây tử vong cho 4 trẻ nhỏ và hơn 53.000 trẻ khác bị bệnh do uống sữa có chứa melamine- một loại hoá chất được dùng để sản xuất nhựa.
Các phương tiện truyền thông đã nêu ra 35 nhãn sữa dành cho trẻ em không có melamine. Tương tự, hàng trăm nhãn sữa tươi và sữa bột cũng được thông báo là không có chứa melamine.
Mặc dù vậy, người tiêu dùng có thể vẫn tỏ ra thận trọng và một số nước vẫn tiếp tục cấm hoặc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm sữa của Trung Quốc.
Ông Bram Wouters, người đứng đầu dự án tại Trường Wageningen University của Hà Lan để giúp Trung Quốc kiểm tra chất lượng sữa, cho rằng có lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm. Chắc chắn là điều đó sẽ được khắc phục, nhưng chưa có gì đảm bảo là sẽ nhanh chóng lấy lại được lòng tin của người tieu dùng. Có lẽ phải mất một năm mới có thể khôi phục lại lòng tin đã bị huỷ hoại của công chúng.
Cho tới nay chưa có số liệu chính thức về thiệt hại mà cuộc khủng hoảng gây ra cho ngành sữa Trung Quốc được công bố. Nhưng theo nhà phân tích Lao Bing thuộc công ty tư vấn Mental Marketing Dairy Consulting có trụ sở tại Thượng Hải, trong tháng 9/08 doanh số bán ra của các công ty có sản phẩm có chứa melamine đã giảm 60-70% so với cùng năm 2007. Doanh thu cả năm có thể sẽ thấp hơn 20% so với 160 tỷ NDT (23,5 tỷ USD) của năm ngoái..
Ngành này đã có nhịp độ tăng trưởng hơn 20%/năm trong vài năm qua, nhưng năm nay tình hình hết sức tồi tệ. Khoảng 3 triệu nhân công, chủ yếu là những nhà sản xuất nhỏ, và là những người làm ra 80% sản lượng sữa của Trung Quốc, bị ảnh hưởng.
Tại nhiều nơi ở miền bắc Trung Quốc nông dân đã phải đổ sữa tươi đi vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng vì chẳng có ai mua sữa. Có tin là nông dân đã cho melamine vào sữa tươi để làm tăng hàm lượng protein trong sữa, nhưng cho tới nay vẫn chưa có sự xác nhận chính thức. Ở tỉnh Hồ Bắc, một trong những trung tâm của cuộc khủng hoảng, chính quyền đã phải hỗ trợ nông dân 200 NDT cho mỗi 1 con bò như là khoản tiền trợ cấp để họ tiếp tục duy trì sản xuất. Nhưng để lấy lại lòng tin chính quyền sẽ phải làm việc với các nhà sản xuất nhỏ để tiếp tục cải thiện điều kiện vệ sinh, hướng dẫn họ tôn trọng chất lượng hơn số lượng.

Nguồn: Vinanet