Sáng nay (28/11) tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT), Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp (ATE) và Đại sứ quán Israel phối hợp tổ chức.

Hội thảo tập trung vào hai nội dung chính, thứ nhất là xu hướng sản xuất, tiêu dùng sữa, đặc biệt là sữa tươi trên thế giới và thực trạng ở Việt Nam; thứ hai là việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và trong chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam. 

Nhiều tham luận của các chuyên gia quốc tế và trong nước đã được trình bày tại Hội thảo. Các tham luận đã nêu rõ những vấn đề còn tồn tại của ngành sữa Việt Nam so với thế giới, đặc biệt là việc nhập siêu do thiếu nguyên liệu sữa tươi.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò của Việt Nam đạt 166,99 ngàn con, và trên 120 ngàn con đang nuôi chủ yếu tại nông hộ gia đình, với quy mô 5-7 con, năng suất sữa thấp và tận dụng các sản phẩm phụ trong trồng trọt là chính, do đó chất lượng sữa nguyên liệu cũng chưa đảm bảo.

Với nhiều doanh nghiệp thu mua từ hộ nông dân, mặc dù tiêu chuẩn chất lượng sữa mua vào do các nhà máy đưa ra không cao nhưng vẫn có từ 20-50% số sữa không đạt một trong các tiêu chuẩn chất lượng (theo báo cáo của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2012.

Nguồn nguyên liệu đầu vào còn thiếu, nên đa số nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài, ngành sữa là ngành luôn nhập siêu cả về khối lượng lẫn kim ngạch. Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại, chủ yếu là sữa và kem cô đặc, pha chế.

Trong dòng sữa nước, trên 70% sử dụng là sữa hoàn nguyên (hay sữa pha lại) có nguyên liệu từ sữa bột nhập, và chất lượng thì không thể so sánh với sữa tươi sạch, nhưng nghịch lý là sữa hoàn nguyên, sữa pha lại đôi khi còn đắt hơn cả sữa tươi sạch. Thực tế sự phát triển của ngành sữa Việt Nam cũng đang đi ngược xu hướng thế giới, khi mà Việt Nam phát triển ngành sữa trước khi đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu.

Một vấn đề nữa của ngành sữa Việt Nam là chưa xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng cũng như các quy chuẩn phân loại chất lượng sữa tươi.

Thông tin trên sản phẩm sữa còn mập mờ, khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận thông tin về ngành sữa, kiến thức phổ cập về các loại sản phẩm sữa còn hạn chế, không minh bạch, không công khai. Chất lượng sữa chưa đảm bảo cũng dẫn đến việc người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm sữa nội, chuyển sang dùng sữa ngoại, gây tổn thất cho ngành sữa Việt Nam.

Ngoài ra, chưa có quy hoạch đồng bộ và chưa xây dựng được quy chuẩn cho ngành chăn nuôi bò sữa, cụ thể hóa tiêu chuẩn về chăn nuôi bò sữa trên dây chuyền CNC, vẫn còn khoảng cách lớn về trình độ công nghệ. Như vậy câu hỏi đặt ra sữa nguyên liệu, sữa tươi như thế nào là tốt nhất và khi đã có quy định rõ ràng về quy chuẩn sữa tươi rồi thì làm thế nào để phát triển bền vững. 

Các chuyên gia quốc tế cũng như các nhà quản lý trong nước đã nhận định con đường tạo ra sự thúc đẩy nhanh chóng phát triển bền vững ngành sữa và chăn nuôi bò sữa Việt Nam chính là ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và sản xuất sữa tươi chất lượng cao.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã phân tích mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sữa tươi tiêu biểu đầu tiên và đã thành công tại Việt Nam của Tập đoàn TH với thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK.

Trên cơ sở nghiên cứu các công nghệ hiện đại của thế giới, đặc biệt là của Israel, một nước với điều kiện địa lý bán sa mạc, không có nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi nhưng đã vươn lên hàng đầu thế giới về năng suất và chất lượng sữa. Tập đoàn TH đã đưa công nghệ cao của Israel về ứng dụng thành công tại Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp lớn tại Nghệ An. Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn là 14 tháng, mô hình ứng dụng công nghệ cao của TH trong chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa đã thành công, đưa ra thị trường những sản phẩm sữa tươi sạch nguyên chất của Việt Nam có chất lượng cao đồng nhất đạt tiêu chuẩn quốc tế, được người dân ưa chuộng tin dùng.

Dự án với tổng số vốn đầu tư 1,2 tỷ USD Mỹ là dự án có quy mô lớn, quy trình khép kín, được trang bị máy móc và công nghệ hiện đại nhất châu Á. Dự án sản xuất sữa tươi sạch TH true MILK đi vào hoạt động đã góp phần thay đổi cục diện ngành sữa nước Việt Nam giảm lượng sữa hoàn nguyên từ 92% xuống còn khoảng 70%. Với chất lượng sữa tươi sạch đạt chuẩn thế giới được tạo ra theo quy trình khép kín ‘từ đồng cỏ tới bàn ăn’, dự án sữa tươi sạch của Tập đoàn TH đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên tạo nền móng cho ngành công nghiệp sữa tươi sạch tại Việt Nam, tạo ra chuẩn mực mới cho chất lượng sữa tươi Việt Nam.

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Bộ NN & PTNT khẳng định, ứng dụng công nghệ cao chính là một trong những yếu tố tiên quyết cho định hướng phát triển như Nghị Quyết TW7 đã đề ra: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Sau hơn 10 năm thực hiện QĐ 167 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển chăn nuôi bò sữa với những biến chuyển nhất định đã khẳng định đường lối đúng đắn của Việt Nam về thay đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Trong chăn nuôi bò sữa, ứng dụng công nghệ cao chính là một cú huých lớn, là đòn bẩy cho sự phát triển bứt phá của ngành cả về chất lượng và sản lượng, và đó cũng là bài học từ các nước đã phát triển, đi trước chúng ta như Israel...

(Theo Trí Thức Trẻ)