Gạo là lương thực chính của khoảng 3 tỷ người trên thế giới. Theo Robert Ziegle, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế, sức ép về nguồn cung có thể đẩy giá gạo tăng lên.

Năng suất lúa ở Indonexia - nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới – đã giảm sút khi châu Á lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Đó là ví dụ điển hình về tình trạng giảm sản lượng gạo khi kinh tế khủng hoảng.

Giá gạo đã lập kỷ lục cao, 25,07 USD/100 lb taị New York vào tháng 4 năm ngoái, bởi Việt Nam, Ấn Độ và Ai Cập đều hạn chế xuất khẩu gạo để đẩy tăng nguồn cung trong nước, đảm báo an ninh lương thực quốc gia. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính đẩy tăng lạm phát triên toàn cầu, gây bạo loạn tại nhiều quốc gia, từ châu Á tới Caribê. Giá gạo kỳ hạn từ đó tới nay đã giảm hơn một nửa, bởi kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái, làm giảm nhu cầu các loại hàng hoá, trong đó có ngũ cốc.

Bên cạnh đó, nguồn cung đã tăng lên ở nhiều nước sản xuất bởi nông dân tăng cường trồng lúa khi thấy được giá.

Theo Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng thóc thế giới năm 2008 đạt 683,2 triệu tấn, cao hơn 18 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 7, góp phần nâng dự trữ gạo thế giới lên mức cao nhất của 7 năm. Mặc dù vậy, vẫn có 32 nước lâm vào khủng hoảng lương thực.

Nguyên nhân chính là do thiếu cung. Cuộc khủng hoảng kinh tế càng kéo dài, những người nghèo càng thiếu đói. Họ không thể mua những thực phẩm đắt tiền, mà phải tăng cường ăn ngũ cốc.

 

Nguồn: Vinanet