Nhằm cứu vòng đàm phán thương mại toàn cầu Đôha, các Bộ trưởng của 36 nước lớn thuộc Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) đang tiến hành thảo luận về các chi tiết của vòng đàm phán này, trong đó đề cập đến việc tiếp cận thị trường nông nghiệp và phi nông nghiệp, cũng như đưa ra giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại.
Vòng đàm phán về tự do hoá thương mại toàn cầu được WTO chính thức phát động năm 2001 tại Đôha (Cata), và trong 7 năm qua đã nhiều lần "lỗi hẹn", chủ yếu do bất đồng quan điểm về việc tiếp cận thị trường nông nghiệp và phi nông nghiệp giữa các nhóm thành viên đang phát triển và phát triển. Các nước giàu muốn các nước đang phát triển mở cửa thị trường hơn đối với các sản phẩm công nghiệp của mình, trong khi các nước đang phát triển đề nghị phía bên kia phải "mạnh tay" cắt giảm trợ cấp nông sản cũng như thuế quan đánh vào nông phẩm.
Người phát ngôn WTO, Keith Rockwell cho biết, các bên sẽ thảo luận về trợ cấp nông nghiệp, thuế quan đánh vào nông sản và các sản phẩm công nghiệp. Mặc dù hy vọng vòng đàm phán Đôha sẽ có bước đột phá lần này, nhưng ông Rockwell cũng thừa nhận rằng, cho đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy sự thay đổi lớn trong quan điểm của các bên tham gia đàm phán.
Kết thúc cuộc thảo luận ngày 22/7 (ngày đàm phán thứ hai), Bộ trưởng Ngoại giao Braxin Celso Amorim đánh giá ngày thảo luận đầu tiên là "hoàn toàn vô ích", ý muốn ám chỉ việc không có các ý tưởng mới.
Trong một động thái mang tính chiến lược, Liên minh châu Âu (EU) đã làm dịu tình hình khi đề xuất khối này sẽ giảm 60% thuế quan đánh vào nông phẩm nhập khẩu, thay vì mức giảm 54% tuyên bố trước đây. Tuy nhiên, đề xuất này được đưa ra với điều kiện là các nền kinh tế mới nổi cũng phải có bước nhượng bộ về việc mở cửa thị trường đối với các sản phẩm công nghiệp -một đề nghị đã bị Braxin bác bỏ.
Trước sức ép của các nước khác, Mỹ đã đề xuất giảm mức trần trợ cấp nông nghiệp xuống còn 15 tỷ USD (giảm 2 tỷ USD), đồng thời lên tiếng kêu gọi các bên tham gia đàm phán cũng phải hành động để vòng đàm phán Đôha thành công. Như vậy, mức trần này của Mỹ đã phù hợp với đề nghị của WTO - yêu cầu Mỹ phải giảm trợ cấp nông nghiệp từ mức trần 48,2 tỷ USD hiện nay, xuống còn 13-16,4 tỷ USD. Thế nhưng, "bước nhượng bộ" này của Mỹ đã không nhận được nhiều hưởng ứng từ phía đối tác đàm phán, đặc biệt là Ấn Độ và Braxin. Phái đoàn Braxin cho rằng mức trần này vẫn còn "quá cao". Trong khi đó, trên thực tế, trợ cấp nông nghiệp hiện nay của Mỹ chỉ khoảng 7 tỷ USD, chưa đạt một nửa mức trần mới.
Còn EU lại "về phe" với Mỹ khi đánh giá đề xuất trên của Mỹ là hợp lý trong giai đoạn này. EU cũng đang bị sức ép phải cắt giảm thuế nông nghiệp và hạn chế số sản phẩm "nhạy cảm" được bảo vệ không bị giảm thuế mạnh. Mặc dù Ủy viên thương mại EU Peter Mandelon nói rằng việc EU đề xuất giảm trung bình 60% thuế đánh vào hàng nông sản nhập khẩu vào châu Âu thay vì 54% như đề xuất trước đây và giảm 100 tỷ euro cho trợ cấp nông nghiệp, nhưng các nước đang phát triển cho rằng sự nhượng bộ này chưa đủ. Mỹ và EU cũng đang kêu gọi các nền kinh tế mới nổi lên như Braxin và Trung Quốc cần có những nhượng bộ hơn nữa.
Các cuộc thương thuyết, vận động ngoài hành lang vẫn đang được ráo riết tiến hành ở Giơnevơ nhằm cứu vòng đàm phán Đôha đã kéo dài 7 năm nay. Nhiều chuyên gia nhận định rằng đây là cơ hội cuối cùng, và nếu hội nghị tại Giơnevơ tuần này bị thất bại, thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào tự do hóa buôn bán.
Trong một diễn biến có liên quan, trong ngày thứ hai của Hội nghị này, đại diện của Hội Nông dân thuộc 40 quốc gia trên thế giới đã lên tiếng phản đối hội nghị, chỉ trích những đề nghị WTO chỉ phục vụ lợi ích của một số nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới như Mỹ, Braxin và Ôxtrâylia và gây thiệt hại tới lợi ích của những nước nhỏ.
 
 

Nguồn: Vinanet