Nỗi lo ngại về sự an toàn của các sản phẩm bơ sữa Trung Quốc đang lan nhanh trên thế giới, sau khi phát hiện khoảng 53.000 trẻ em ở nước này bị bệnh do uống sữa bị nhiễm hóa chất công nghiệp melamine, trong đó có trên 13.000 em đang phải điều trị trong bệnh viện.
Brunây, Xingapo, Malaixia, Hồng Công, Đài Loan, Nhật Bản, Băngla Đét, Philíppin, Gabông và Burunđi nằm trong số các nước và lãnh thổ đã kiểm tra hoặc rút các sản phẩm sữa của Trung Quốc ra khỏi các cửa hàng.
Chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Công cho hay hai em nhỏ tại đây đã được chẩn đoán mắc bệnh sỏi thận sau khi uống sữa nhiễm độc. Sáng sớm ngày 22/9, nhiều bậc cha mẹ tại Hồng Công đã đưa con đến bệnh viện kiểm tra do lo ngại bị ảnh hưởng bởi sữa nhiễm chất melamine. Các quan chức y tế Hồng Công khuyến nghị các bậc phụ huynh đưa con em đến bệnh viện nếu thấy có máu trong nước tiểu của các bé, hoặc thấy các bé khóc quá nhiều mà không có lý do.
Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đã cấm nhập tất cả các sản phẩm sữa của Trung Quốc. Ngày 22/9, Chính quyền Đài Loan đã thành lập một trạm kiểm tra sữa ở Đài Bắc cho những người tiêu dùng lo ngại sữa nhiễm độc.
Xingapo và Malaixia cũng đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm sữa Trung Quốc, trong khi hai nước nghèo Trung Phi là Gabông và Burundi -các nước mà Trung Quốc cho biết đã xuất khẩu sữa bột nhiễm độc sang- đã hạn chế bán các sản phẩm sữa Trung Quốc. Chính phủ Bờ Biển Ngà ngày 22/9 cũng đã cấm tất cả các sản phẩm sữa nhập từ Trung Quốc và cam kết sẽ phân tích lượng sữa trong kho hiện có.
Tại Nhật Bản, phát ngôn viên chính phủ nước này, Nobutaka Machimura, nói rằng Bộ Y tế đã yêu cầu 90.000 công ty kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu, kể cả các sản phẩm đã chế biến. Công ty Marudai Food Co. Ltd của Nhật Bản đã thu hồi bánh bao được sản xuất từ sữa do công ty sữa Yili của Trung Quốc cung cấp. Cổ phiếu của Marudai ngay lập tức giảm khoảng 14%. Tập đoàn Nissin của Nhật Bản cũng thu hồi các nguyên liệu sữa do Trung Quốc cung cấp, nhưng cũng giống Marudai, tập đoàn này cho biết chưa phát hiện trường hợp bị nhiễm bệnh nào.
Trong khi đó, các hãng sữa Hàn Quốc cho hay lượng tiêu thụ các sản phẩm sữa bột của họ tại Trung Quốc đang tăng mạnh. Hãng sữa Maeil Dairies Co Ltd. của Hàn Quốc cho hay lượng sữa bột xuất sang Trung Quốc của hãng hàng tuần hiện tăng từ 3.000 hộp lên 4.000 hộp.
Tại châu Âu, ngày 22/9 bên lề hội nghị các bộ trưởng nông nghiệp Liên minh châu Âu, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Michel Barnier nói rằng châu Âu phải tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu trong bối cảnh nỗi lo ngại ngày càng tăng về việc sữa nhiễm độc ở Trung Quốc. Pháp -nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU- ước tính khoảng 15-20 thành viên EU ủng hộ đề xuất này. Ủy ban châu Âu cũng đã yêu cầu các cơ quan hải quan châu Âu theo dõi chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cùng ngày, 22/9 tập đoàn thực phẩm Nesle của Thụy Sỹ khẳng định sản phẩm sữa của hãng không chứa chất melamine, sau khi các nhà chức trách Hồng Công yêu cầu thu hồi một trong những sản phẩm sữa UHT của Nestle.
Tuy nhiên, nỗi lo ngại lớn nhất về sữa nhiễm độc cho đến nay vẫn là ở Trung Quốc. Bộ Y tế Trung Quốc cho hay số bệnh nhi phải nhập viện do uống sữa bột nhiễm độc đã tăng gấp hai lần lên 12.892 người, trong đó 104 em trong tình trạng nghiêm trọng. Tính đến ngày 21/9, đã có khoảng 53.000 trẻ em Trung Quốc được chẩn đoán bị ảnh hưởng bởi sữa nhiễm melamine. Cơ quan Quản lý Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc thông báo đã phát hiện chất melamine trong gần 10% mẫu sữa và sữa chua uống của 3 công ty sữa lớn là Mengniu Dairy Co, Inner Mongolia Yili Industrial Group và tập đoàn Bright.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam