Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Mỹ, El Nino sẽ kéo dài tới tháng 6/2010, gây ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Những loại nông sản chủ lực của khu vực - gạo, đường, cao su… rất có khả năng sẽ tăng giá đột biến trong những tháng tới do thiếu cung.

El Ninogây nóng lên ở vùng Thái Bình Dương, làm tăng mưa ở khu vực Nam Mỹ song lại thiếu mưa, thậm chí hạn hán ở Châu Á, ảnh hưởng nặng nề tới mùa màng.

Sản lượng của khối Mercosur - Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay – sẽ giảm sút. Điều đó xảy ra đúng lúc nhu cầu tăng từ các nước Trung Mỹ sẽ làm cho thị trường gạo trở nên khan hiếm.

Nhiều quốc gia Nam Mỹ và Châu Á sẽ phải tăng cường nhập khẩu gạo trong thời gian tới để giải quyết tình trạng thiếu cung trên thị trường nội địa. Dự báo Brazil - nước sản xuất gạo lớn nhất Nam Mỹ, và Philippine – nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới sẽ phải nhập khẩu gạo bổ xung cho năm 2010.

Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Gạo Mỹ, Dwight Roberts, nhận định Brazil có thể sẽ bắt đầu mua gạo từ tháng 2/2010, và tổng khối lượng nhập khẩu trong năm nay có thể lên tới 1 triệu tấn. Mức này cao hơn 30% so với dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Brazil có thể sẽ nhập khẩu gạo Việt Nam, sau khi Việt Nam thực hiện xong các hợp đồng ký với Philippine. Venezuela cũng sẽ cần nhập khẩu tới 500.000 tấn trong năm nay, còn Colombia cần khoảng 100.000 tấn.

Vừa mới đây, Philippin cũng điều chỉnh tăng gấp đôi mức dự báo về thiệt hại do El Nino đối với vụ mùa lúa tại nước này, lên khoảng 0,8 triệu tấn. Philippine đã nhập khẩu 2,2 triệu tấn gạo cho năm 2010. Để bù lại chỗ thiếu cung do El Nino gây ra, tổng lượng gạo nhập khẩu vào Philippine năm nay sẽ lên tới 3 triệu tấn.

Thị trường đường thế giới cũng bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng từ El Nino, khi giá tăng lên mức cao kỷ lục của 29 năm vào đầu tháng 2/2010, 30,4 US cent/lb tại New York.

Theo F.O Licht, thiếu cung đường trên toàn cầu năm nay có thể lên tới 8 triệu tấn do sản lượng giảm ở Châu Á và Mêhicô. Giá đường thô đã tăng gấp hơn 2 lần trong năm vừa qua, và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm nay.

Thời tiết nóng hơn bình thường sẽ làm giảm năng suất đường mía ở Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới. Rangsit Hiangrat, Cục trưởng Cục Mía – Đường Thái Lan cho biết, sản lượng đường từ niên vụ bắt đầu từ tháng 11/2009 sẽ chỉ đạt 7,2 triệu tấn, từ 69 triệu tấn mía, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7,62 triệu tấn đường, từ 71,4 triệu tấn mía. Như vậy, xuất khẩu đường Thái lan năm nay sẽ khó đạt mục tiêu 5,2 triệu tấn. Thái Lan đóng góp vào khoảng 10% tổng xuất khẩu đường thế giới.

El Nino cũng sẽ làm giảm sản lượng đường ở Philippine, làm giảm cung ở nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 Châu Á này trong vòng ít nhất 5 tháng.

Trầm trọng hơn, Ấn Độ - nước có ảnh hưởng chính tới nhu cầu đường thế giới – có thể sẽ phải nhập khẩu tới 7 triệu tấn đường trong niên vụ này, trong khi Pakistan, nước tiêu thụ đường lớn thứ 3 Châu Á, cũng sẽ phải nhập khẩu thêm 700.000 tấn đường tinh luyện để hạn chế xu hướng tăng giá trên thị trường nội địa và đáp ứng nhu cầu.

Với mặt hàng cao su, một số nước đã mở rộng diện tích trồng cao su sau khi giá tăng mạnh trong năm 2004 với hy vọng sản lượng sẽ tăng trong năm 2010, song sẽ không đạt được mong muốn khi mà El Nino đang diễn ra.

Thái Lan - nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới – trước đây dự kiến sản lượng sẽ đạt trên 3,1 triệu tấn trong năm nay, nhưng thực tế sẽ chỉ bằng mức 2,9 triệu tấn của năm ngoái, do mùa khô kéo dài.

Indonexia - nước sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới – cho biết vẫn còn quá sớm để điều chỉnh con số dự đoán, nhưng theo ông Asril Sutan Amir, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Indonexia, thời tiết ở nước này cũng đang trở nên bất bình thường. Indonexia sản xuất 2,59 triệu tấn cao su trong năm 2009, và đã hy vọng sẽ tăng thêm 5% trong năm 2010.

Ở nước sản xuất lớn thứ 3, Malaysia, thời tiết khác thường khiến mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn trong năm nay sẽ khó đạt được. Theo Bộ trưởng Hàng hoá nước này, mục tiêu sản xuất là 950.000 – 1 triệu tấn, song có thể sẽ chỉ đạt 800.000 – 900.000 tấn.

(Vinanet)

 

Nguồn: Vinanet