Nhãn Xanh Việt nam là loại nhãn mác chỉ các sản phẩm tốt về chất lượng và thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng dụng và tái chế. Khi tham gia chương trình Nhãn Xanh, doanh nghiệp được miễn phí toàn bộ kinh phí đăng ký.

Như vậy, Nhãn Xanh là cơ hội để nhà sản xuất, người tiêu dùng đồng hành cùng Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam

Tìm hiểu về Nhãn Xanh

Chương trình nhãn sinh thái tại Việt Nam – Nhãn Xanh - được triển khai thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống.

Chương trình Nhãn Xanh Việt Nam được xây dựng nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thiết kế sản phẩm và tiến hành hoạt động theo hướng giảm các tác động có hại tới tài nguyên và môi trường trong suốt quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, bao gói, vận chuyển, tiêu thụ và thải bỏ sản phẩm; Tạo lập thị trường bền vững cho sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua các cơ chế ưu đãi cho tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu dùng; Khuyến khích ngành công nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường thế giới với cam kết thực hiện các quy định về môi trường đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm theo ISO 14024;Tăng cường hợp tác với mạng lưới nhãn sinh thái trong khu vực và trên thế giới, thoả thuận công nhận/thừa nhận lẫn nhau với các hệ thống cấp nhãn sinh thái của các nước và các tổ chức.v.v..

Giống như nhãn sinh thái của các nước, Nhãn Xanh Việt Nam là loại nhãn được dùng để chỉ ra những sản phẩm có mức độ ưu tiên chung về môi trường cao hơn so với những loại sản phẩm khác trong cùng một nhóm sản phẩm trên cơ sở đánh giá những tác động và ảnh hưởng lên môi trường của toàn bộ chu trình luân chuyển (vòng đời) của sản phẩm. Nhãn xanh Việt Nam được gắn trên những sản phẩm không chỉ tốt về chất lượng mà còn tốt trong tuân thủ các yêu cầu môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng và tái chế, là sản phẩm tốt hơn sản phẩm cùng loại về tiết kiệm năng lượng, và ít làm hại cho môi trường hơn. Việc xác nhận sản phẩm đủ điều kiện được gắn Nhãn xanh Việt Nam là hoạt động chứng nhận sự phù hợp của loại sản phẩm với các yêu cầu của Tiêu chí Nhãn xanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sản phẩm được cấp nhãn sinh thái của tổ chức được Nhà nước công nhận là sản phẩm thân thiện với môi trường. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi sản phẩm của cơ sở được gắn Nhãn Xanh Việt Nam cũng có nghĩa là cơ sở sẽ được hưởng những ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Các ưu đãi kèm theo chứng chỉ về nhãn sinh thái/Nhãn Xanh Việt Nam sẽ khuyến khích doanh nghiệp tích cực trong việc hướng tới thực hiện việc gắn nhãn sinh thái trên các sản phẩm của mình tạo ra một lợi ích kép của doanh nghiệp. Một mặt, doanh nghiệp sẽ được hưởng các ưu đãi từ phía nhà nước sản phẩm của mình được gắn nhãn sinh thái, mặt khác quan trọng hơn là thị phần sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được mở rộng với các sản phẩm được gắn nhãn sinh thái. Sở dĩ như vậy là do đang có một xu thế của người tiêu dùng khi mua sản phẩm hàng hóa không chỉ quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, giá cả mà còn xem xét đến các yếu tố sức khỏe, môi trường của sản phẩm- mà những yếu tố này được hội tụ đủ trong các sản phẩm được gắn nhãn sinh thái. Các sản phẩm thân thiện với môi trường là một chứng chỉ xanh để sản phẩm của các doanh nghiệp có thể đứng vững ở thị trường trong nước và thực hiện mục tiêu vươn tầm ra các thị trường khác, đặc biệt là những thị trường có đòi hỏi khắt khe về môi trường như thị trường EU, Mỹ...

Nhãn sinh thái không chỉ đem lại lợi ích cho nhà sản xuất mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi đối với việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cái lợi lớn nhất của người tiêu dùng là sức khoẻ được bảo đảm, nguy cơ mắc những bệnh liên quan đến các sản phẩm mà họ tiêu dùng được loại bỏ do những sản phẩm thân thiện với môi trường có tiêu chí khắt khe để loại trừ tối đa những tác động có hại đến sức khỏe con người và môi trường. Đồng thời, khi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường người tiêu dùng đã gián tiếp thực hiện được hành vi bảo vệ môi trường. Bởi thông qua thói quen tiêu dùng tốt này, người tiêu dùng đưa ra định hướng về kế hoạch sản xuất và chất lượng sản phẩm, các yếu tố về môi trường cho nhà sản xuất, góp phần tác động đến ý thức của nhà sản xuất trong công tác bảo vệ môi trường.

Nhãn sinh thái- Nhãn Xanh Việt Nam sẽ là mục tiêu hướng tới của doanh nghiệp và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng. Doanh nghiệp hướng tới nhãn sinh thái để bảo đảm về thị phần kèm theo đó là lợi nhuận, người tiêu dùng hướng tới nhãn sinh thái để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng. Hai lợi ích, hai chủ thể nhưng hướng tới một mục tiêu chung là bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống.

Với doanh nghiệp, khi thực hiện chương trình Nhãn Xanh Việt Nam tạo dựng một hình ảnh doanh nghiệp đã tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật về môi trường và lao động; tạo được lợi thế cạnh tranh nhất là trong các thị trường khó tính, có yêu cầu cao về môi trường và xã hội; có trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng; có uy tín trên thị trường và lợi thế trong các quyết định mua sắm của chính phủ, qua đó, nâng cao lợi nhuận và tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Với người tiêu dùng, khi sử dụng các sản phẩm được gắn nhãn sinh thái sẽ yên tâm về chất lượng và độ an toàn đối với sức khỏe của chính mình, giảm các nguy cơ mắc bệnh do sử dụng những sản phẩm có chứa chất gây hại đối với sức khỏe con người do vậy sẽ giảm các chi phí cho việc chữa bệnh, ngoài ra, người tiêu dùng còn thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội thông qua hành vi tiêu dùng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, khi người tiêu dùng có các yêu cầu cao về chất lượng, mức độ an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường sẽ có tác động thúc đẩy nhà sản xuất, kinh doanh cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhu cầu của người tiêu dùng sẽ là động lực cho doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm được gắn nhãn sinh thái- các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhãn Xanh sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp tăng khả năng thâm nhập ra thị trườn thế giới. Một sản phẩm có “dán nhãn xanh” sẽ được người tiêu thụ ở các nước phát triển rất ưa chuộng, dẫu giá có cao hơn hàng không nhãn một chút. Và một khi sản phẩm đã vào được thị trường ấy sẽ bán được giá. Các nước phát triển thường sử dụng những tiêu chuẩn môi trường như rào cản thương mại đối với các nước đang phát triển. 
Thực tế triển khai Nhãn Xanh ở Việt Nam

Sau 6 năm triển khai, các sản phẩm Nhãn Xanh mới có mặt rất ít trên thị trường, và được ít người tiêu dùng biết tới, bởi những lý do sau:

1. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04 năm 2009 về ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp có sản phẩm đủ điều kiện để dán Nhãn Xanh được hưởng những ưu đãi sau: Ưu tiên phục vụ mua sắm công, miễn thuế xuất khẩu, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ giá, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, Cho đến nay chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được sự hỗ trợ này. Các tiêu chí để đăng ký Nhãn Xanh còn rất hạn chế, mới chỉ loanh quanh ở 1 số dòng: bột giặt, máy in, sơn tường và giấy văn phòng . Cần có quy định cụ thể hơn về việc hỗ trợ những sản phẩm này.

2. Khó tiêu thụ do nhận thức của người tiêu dùng: Sau 6 năm triển khai chỉ có 4 công ty đăng ký loại nhãn này cho 53 loại sản phẩm nên rất khó tìm thấy sản phẩm Nhãn Xanh trên thị trường, nên được ít người biết đến.

Ví dụ trong trường hợp giấy dán Nhãn Xanh, loại giấy này có độ trắng thấp vì dùng ít chất thẩy. Sử dụng giấy này chống lóa mắt, và nhà sản xuất sẽ giảm được giá thành khi sản xuất loại giấy này, nhưng sản phẩm làm ra khó tiêu thụ bởi người tiêu dùng vẫn chuộng loại giấy có độ trắng cao nên sản phẩm làm ra bị tồn nhiều trong kho chứa.

Nhiều doanh nghiệp nản chí, có doanh nghiệp hết thời gian dán nhãn nhưng không đăng ký trở lại.

Kết luận

Để phát huy được hiểu quả của chương trình Nhãn Xanh Việt Nam, cần có hướng dẫn quy định cụ thể về hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình Nhãn Xanh Việt Nam, xây dựng thêm tiêu chí đăng ký sản phẩm xanh, và đồng thời phải quảng bá thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng đối với sản phẩm này.

T.Hải

Nguồn: Vinanet tổng hợp từ các nguồn VTV, Tổng cục Môi trường, website Người Lao động