Suốt một tuần nay, hàng trăm xe tải với hàng chục nghìn tấn dưa hấu ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), mỗi xe phải nằm chờ 4-5 ngày mới được thông quan. Hàng trăm tấn dưa hấu sau khi đưa sang Trung Quốc, bị trả về.

Do tiêu thụ không kịp, nên giá dưa hấu trên thị trường nội địa rớt rất nhanh, nông dân trồng dưa bán sản phẩm cho thương lái tại ruộng với giá chỉ 1,5-3 nghìn đồng/kg.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, hiện mỗi ngày có hơn 800 xe đổ về cửa khẩu nhưng hải quan chỉ tiếp nhận gần 400 xe.

Dù thủ tục hải quan chỉ mất khoảng 1 phút/xe, nhưng do năng lực kho bãi của phía Trung Quốc chỉ tiếp nhận tối đa 300-380 xe/ngày. Vì vậy, mỗi ngày có 400-500 xe (tương đương 8.000 – 10.000 tấn hàng) không xuất hàng qua cửa khẩu được và bị ùn ứ. Theo Hải quan Lạng Sơn, hiện mặt hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh chiếm 95% là trái cây tươi, nông sản, tình trạng ùn tắc hàng dài tại cửa khẩu Tân thanh năm nào cũng xảy ra.

Giải thích về việc hàng chục container chở dưa đang ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cảnh báo: Có thể tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu sẽ còn tiếp diễn trong các năm tới. Đứng ở góc độ cơ quan nhà nước quản lý xuất - nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng các doanh nghiệp (DN) cần thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển từ buôn bán tiểu ngạch sang chính ngạch, có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế, như vậy mới có thể giảm thiểu được rủi ro khi xuất khẩu hoa quả sang thị trường Trung Quốc.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng cho biết thêm, phần lớn các chủ hàng Việt Nam đều xuất dưa theo hình thức tự phát, không có hợp đồng ràng buộc với phía bạn, không có cam kết về thanh toán biên mậu. Điều đáng nói là năm nay, lượng thanh long, dưa hấu được các chủ hàng xuất sang nhiều hơn 10 - 15% so với năm ngoái. Mỗi ngày, cửa khẩu Tân Thanh chỉ có thể làm thủ tục tối đa cho từ 300 - 350 xe, thời gian xử lý mỗi xe lên tới 2 - 3 giờ/xe. Tuy nhiên, số lượng xe lên cửa khẩu lại lên tới khoảng 800 xe/ngày, phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập nông sản qua cửa khẩu Pò Chài cũng dẫn tới ứ đọng.

Tình trạng dưa hấu rớt giá không chỉ đang xảy ra ở hiện tại, mà suốt từ trước Tết đến nay. Nguyên nhân, do diện tích trồng dưa hấu quá nhiều, cung vượt cầu. Hiện trung bình mỗi công (1 công 1.000 m2) trồng dưa hấu tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ, nông dân thu hoạch sản phẩm bán cho thương lái chỉ thu được tổng số tiền khoảng 20 triệu đồng, không đủ bù chi phí phân bón, giống, tưới nước…

Theo nguồn tin từ laodong.com.vn, dẫn lời từ Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền,  nông sản bị rớt giá, nguyên nhân chính là do người nông dân chưa sản xuất theo tín hiệu thị trương. Nếu không loại bỏ được tư duy tự phát, manh mún và sản xuất không có kế hoạch, không chỉ vụ này mà nhiều vụ nữa, dưa hấu vẫn rớt giá.

Để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cần có quy hoạch sản xuất dài hạn, đồng thời hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhà nước hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách như cho vay ưu đãi đối với các DN tự nguyện tham gia chuỗi liên kết, từ đó, hình thành chuỗi cung ứng hàng hoá từ người sản xuất, các DN phân phối lớn và bán đến tay người tiêu dùng, giảm qua các khâu trung gian. Theo quan điểm của Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, để hình thành được chuỗi liên kết thì không thể làm được trong ngày một, ngày hai mà phải có quá trình, khi cả doanh nghiệp và người nông dân nhận ra lợi ích từ liên kết chuỗi.

Được biết, ngày 9-4 vừa qua, tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu đã tổ chức chương trình thiện nguyện mua dưa hấu hỗ trợ cho nông dân miền Trung. Đây là chương trình nhằm chung tay góp sức giúp người dân miền Trung vượt qua những khó khăn trước mắt bằng việc mua dưa hấu ủng hộ.

Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoa,  cho rằng, qua hoạt động này Bộ Công Thương mong muốn tạo ra sức mạnh tập thể thông qua mỗi hành động thiết thực của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Bộ. Đây cũng là một hành động nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong đó mỗi trái dưa là một tấm lòng, cùng chung tay vì một cuộc sống giàu ý nghĩa.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, những ngày qua, Cục đã liên hệ với Sở Công Thương một số tỉnh nhằm giải tỏa ùn tắc ở cửa khẩu thông qua việc tìm đầu mối tiêu thụ dưa ở thị trường Hà Nội. Do vậy, trước mắt đơn vị đã tổ chức phát động cán bộ công chức khối cơ quan Bộ mua ủng hộ 14 tấn dưa hấu. Thông qua chương trình này, Bộ Công Thương thể hiện quyết tâm hỗ trợ đồng bào vùng trồng dưa miền Trung cũng như giúp doanh nghiệp vận tải, xuất khẩu đang gặp vấn đề ách tắc dưa tại cửa khẩu.

Nguồn: Vinanet/Thời báo Kinh tế Việt Nam, laodong.com.vn


Nguồn: Vinanet