Trong cuộc họp với Ủy ban Gạo Quốc gia, Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej đã chỉ thị cho một tiểu ban đặc biệt soạn thảo kế hoạch kiểm soát giá gạo cơ bản, theo hướng chính phủ sẽ thiết lập mặt bằng giá sàn trung bình nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân và không cho phép thương lái áp đặt giá đối với người nông dân.
Chính phủ cũng sẽ hoãn việc đấu thầu công khai đối với 1,1 triệu tấn gạo trong kho dự trữ cho các nhà máy xay hoặc các nhà xuất khẩu tham gia, mà sẽ xuất khẩu trực tiếp số gạo này theo các hợp đồng giữa chính phủ với chính phủ các nước.
Tuy nhiên, kế hoạch trên ngay lập tức đã bị Hiệp hội Xuất khẩu Gạo phản đối, với lý do rằng về tổng thể kế hoạch này sẽ phá hoại cơ chế thị trường và chính phủ sẽ phải chịu gánh nặng tài chính lớn hơn trong việc đảm bảo giá lúa gạo cho người nông dân.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse cho rằng chính phủ không nên can thiệp vào hệ thống thương mại bằng cách thiết lập giá sàn, vì sẽ rất nguy hiểm cho hệ thống giá cả thương mại của đất nước. Hơn nữa, Thái Lan không phải là nước xuất khẩu gạo duy nhất trên thế giới và việc thiết lập giá sàn không chỉ ảnh hưởng tới các thương gia mà còn làm tăng gánh nặng tài chính của chính phủ do trợ giá cho người nông dân.
Theo ông Ophaswongse,  thay vì can thiệp vào cơ chế thị trường, chính phủ nên thực hiện các biện pháp phát triển bền vững để ổn định giá gạo, cho phép thị trường hoạt động theo quy luật. Ông này cũng đưa ra một số biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất gạo, bình ổn giá như giảm giá phân bón, tăng năng suất lúa và phát triển hệ thống thuỷ lợi.
Trong tuần qua, giá gạo thế giới đã giảm 20-40 USD/tấn do nhu cầu gạo toàn cầu giảm và một số nước như Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đã nối lại hoạt động xuất khẩu. Giá gạo Hương nhài đã giảm từ 1.057 USD/tấn xuống còn 1.013 USD/tấn và giá gạo thường giảm từ 849 USD/tấn xuống còn 824 USD/tấn.
Vietstock
 

Nguồn: Internet