Theo Bộ trưởng Pornthiva, các biện pháp quản lý mới sẽ được hoàn tất vào tháng 2 tới, để nâng cao hiệu quả chỉ đạo và phản ánh sát hơn giá gạo trên thị trường. Thái Lan sẽ xúc tiến kế hoạch hợp tác hơn nữa với các nước sản xuất nhiều thóc gạo như Việt Nam để bình ổn giá và phòng tránh sự cạnh tranh về giá cả.
Bộ trưởng Pornthiva còn cho biết năm nay Chính phủ Thái Lan đang có kế hoạch bán ra nhiều gạo theo hợp đồng ký với chính phủ các nước, đặc biệt hướng tới các thị trường mà các nhà xuất khẩu tư nhân Thái Lan chưa tiếp cận được nhiều. Các phái đoàn thương mại Thái Lan dự kiến sẽ đến các thị trường tiềm năng như Iran, Trung Quốc và Ấn Độ để mở rộng mạng lưới bán hàng.
Theo Tổng giám đốc Vụ Ngoại thương Bộ Thương mại Thái Lan Apriradi Tantraporn, xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2009 ước đạt khoảng 8,5-9,5 triệu tấn, so với con số 10,1 triệu tấn trong năm 2008, khi nhu cầu mua gạo và giá mặt hàng trên thị trường này đều cao.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà xay xát Thái Lan không đồng tình với kế hoạch mở thầu số gạo dự trữ trong kho vào thời điểm hiện nay của Bộ Thương mại, vì động thái này có thể tác động đến giá gạo trên thị trường. Họ cho rằng việc mở thầu bán 1,5 triệu tấn gạo dự trữ sẽ dẫn đến khả năng thừa cung và như vậy sẽ làm cho giá gạo tiếp tục sụt giảm, đồng thời Chính phủ Thái Lan cũng không nên bán ngay số thóc gạo mới thu hoạch mà nên sử dụng sàn giao dịch kỳ hạn nông sản để đưa gạo ra thị trường, bởi đó là cách quản lý hiệu quả lượng gạo dự trữ.

Nguồn: Vinanet