Các tổ chức, cá nhân nếu không thực hiện việc đăng ký giá và đăng ký lại giá sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký giá.

Từ 1-10, các mặt hàng than, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, sách giáo khoa và các loại giấy (giấy in, giấy in báo, giấy viết) phải đăng ký giá khi bán sản phẩm lần đầu, hoặc trước khi điều chỉnh giá, hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu, giống như xăng dầu, xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón... đang thực hiện lâu nay.

Đây là quy định của thông tư 122/2010/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành trên cơ sở bổ sung, sửa đổi Thông tư 104 năm 2008 và Nghị định 75/2008/NĐ-CP quy định một số điều của Pháp lệnh giá sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-10 tới.

Theo thông tư này, việc kinh doanh các mặt hàng trên phải đăng ký giá nhập khẩu, giá bán buôn, giá bán lẻ, giá bán lẻ khuyến nghị áp dụng thống nhất trong cả nước hoặc theo từng thị trường khu vực chính với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hoặc các sở tài chính tại địa phương, tùy theo loại hình của doanh nghiệp.

Việc thực hiện đăng ký giá của các mặt hàng này bao gồm đăng ký giá lần đầu (nếu lần đầu tiên bán hàng hoá, dịch vụ ra thị trường hoặc lần đầu thực hiện đăng ký giá theo quy định của pháp luật) và đăng ký lại giá (trong trường hợp điều chỉnh tăng hoặc giảm giá so với mức giá của lần đăng ký trước đó hoặc khi có yêu cầu đăng ký lại giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu các lần đăng ký trước không đúng quy định). Các nội dung phải đăng ký rõ ràng, cụ thể là thời gian dự kiến áp dụng, chất lượng hàng, địa điểm bán, các yếu tố hình thành giá.

Các tổ chức, cá nhân nếu không thực hiện việc đăng ký giá và đăng ký lại giá sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký giá. Riêng các mặt hàng không thuộc danh mục phải đăng ký giá thì niêm yết giá và công khai thông tin về giá như quy định lâu nay.

Thông tư mới cũng quy định, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá khi giá các mặt hàng thực hiện bình ổn có biến động bất thường. Ví dụ như giá bán tăng cao hơn so mức tăng của các yếu tố “đầu vào”, cao hơn giá vốn hàng nhập khẩu vì người sản xuất, kinh doanh tính toán các yếu tố hình thành giá (chi phí sản xuất, giá thành, chi phí lưu thông, lợi nhuận...) không đúng; giá giảm thấp hơn một cách không hợp lý so với chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm...

Nguồn: TBKTSG

Nguồn: Vinanet