Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết giá lương thực toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 12 do giá đường, ngũ cốc và hạt có dầu tăng.

Chỉ số giá lương thực trong tháng 12 đã tăng vượt mức đỉnh cao của năm 2008 – khi bạo loạn nổ ra ở nhiều nơi do nguyên nhân này.

Chỉ số giá 55 loại thực phẩm trong danh mục của FAO đã tăng 6 tháng liên tiếp, lên 214,7 điểm trong tháng 12/2010, cao hơn mức kỷ lục trước đây là 213,5 đạt được vào tháng 6/2008. Nguyên nhân chủ yếu do giá đường và thịt tăng lên mức cao kỷ lục. Chỉ số giá thực phẩm tháng 11/2010 là 206 điểm.

Giá đường năm 2010 đã xác lập năm thứ 3 liên tiếp tăng, còn giá ngô tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm tại Chicago. Giá lương thực có thể tăng hơn nữa nếu sản lượng ngũ cốc thế giới không tăng mạnh trong năm 2011.

Giá đường trắng tại London kết thúc năm 2010 ở mức 752,70 USD/tấn, so với 383,70 USD/tấn tháng 6/2008. Giá ngô đã tăng 52% trong năm vừa qua tại Chicago, kết thúc ở mức 6,01 USD/busshel, giảm so với 7,57 USD hồi tháng 6/2008. Giá đậu tương ở mức 13,6325 USD/bushel, so với 15,74 USD hồi tháng 6/2008.

Theo FAO, chi phí thực phẩm đã tăng 25% trong tháng 12 vừa qua so với một năm trước đó, sau khi nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh và Nga bị hạn hán trầm trọng nhất kể từ nửa thế kỷ nay tàn phá mùa màng của nước này.

Còn nhớ, vào tháng 6/2008, chi phí thực phẩm trên toàn cầu đã tăng 43% so theo năm. Giá nhiên liệu tăng kỷ lục, những vấn đề về mùa màng do thời tiết, nhu cầu tăng từ tầng lớp trung lưu Ấn Độ và Trung Quốc, và nhu cầu ngô sản xuất ethanol tăng lên… tất cả đã góp phần gây ra khủng hoảng lương thực vào năm 2008. Giá dầu mỏ tăng khiến cho chi phí đầu vào, nhất là phân bón, tăng mạnh. Cuối tháng 6/2008, giá dầu thô đã tăng lên 140 USD/thùng (Cuối năm 2010 giá dầu ở mức 88,44 USD/thùng). Giá phân urea vào tháng 6/2008 là 460 USD/tấn (cuối tháng 12/2010 là 320 USD/tấn). Giá gạo thô tại Chicago tháng 6/2008 là 20,21 USD/cwt (cuối năm 2010 là 13,90 USD/cwt).

Sản lượng lương thực toàn cầu được FAO dự báo sẽ tăng 70% vào năm 2050, nhưng khi đó dân số cũng sẽ tăng lên 9,1 tỷ người so với 6,8 tỷ năm 2010.

Năm 2008, khủng hoảng lương thực xảy ra một phần do những quốc gia từ Ấn Độ tới Ai Cập, Việt nam, Indonexia… đã cấm xuất khẩu gạo - loại lương thực chính của một nửa dân số thế giới. Giá thực phẩm leo thang đã gây ra bạo loạn ở mấy chục quốc gia nghèo, như Haiti, Somalia, Burkina Faso và Cameroon.

So với những năm 2007 – 2008, nhiều nước nghèo đã có sản lượng ngũ cốc “cao hoặc trên mức trung bình”. Vấn đề sản lượng đã được các nước xuất khẩu chú trọng hơn, và “cung hiện khá dồi dào”.

Chỉ số giá đường của FAO tháng 12/2010 đạt 398,4 điểm, tăng so với 373,4 của tháng 11/2010. Chỉ số giá thịt tăng lên 142,2 điểm, so với 141,5 điểm.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đã tăng lên 237,6 điểm trong tháng 12, mức cao nhất kể từ tháng 8/2008, so với 223,3 tháng trước đó. Chỉ số giá dầu nấu tăng lên 263 điểm, mức cao nhất kể từ tháng  7/2008, so với mức 243,3 của tháng 11. Chỉ số giá sữa đã tăng từ 207,7 điểm lên 208,4 điểm.

(Vinanet)