(VINANET) – Giá gạo xuất khẩu thế giới tháng 2/2014 biến động trái chiều.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá đã tăng khoảng 0,5% đến 2% trong tháng 2 so với tháng 1 tại Thái Lan và Ấn Độ do nội tệ tăng giá, song tương đối ổn định ở Pakistan và giảm ở Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ số giá gạo của FAO tháng 2 tăng 4,4% lên 237 điểm, so với 227 điểm của tháng 1, nhờ nhu cầu tăng đối với gạo japonica (do giá tăng mạnh ở Mỹ và Australia).

Giá gạo trên thị trường nội địa nhiều nước cũng biến động. Tại châu Á, giá gạo nội địa ổn định mặc dù nguồn cung tăng từ vụ thu hoạch chính niên vụ 2013-14. Giá được hỗ trợ bởi nhu cầu nhập khẩu vững trong khu vực và các chương trình hỗ trợ của chính phủ.

Giá gạo Việt Nam tháng 2 giảm khoảng 1% so với tháng 1, do vào vụ thu hoạch chính Đông Xuân niên vụ 2013-14. Giá gạo Thái lan ổn định trong tháng 2 so với tháng 1 nhưng giảm so với cùng tháng năm ngoái cũng bởi vào vụ t hu hoạch chính.

Tại Myanmar, giá bán buôn gạo tăng khoảng 8% so với tháng 1 vì sản lượng vụ chính năm 2013 thấp hơn mức trung bình, do bị ảnh hưởng bởi hạn hán và sâu bệnh.

Giá gạo ở Campuchia đã tăng khoảng 1%; tại Philippine tăng khoảng 2% do mất mùa sau bão; ở Indonesia tăng khoảng 7% do giá nhiên liệu và năng lượng tăng.

Tại Trung Quốc, giá gạo japonica vững bởi nhu cầu mạnh và giá hỗ trợ tối thiểu liên tục được điều chỉnh tăng, thêm 3,3% lên 3.100 nhân dân tệ (khoảng 506 USD)/tấn (so với năm ngoái).

Giá gạo tại Bangladesh tăng mạnh do chương trình thu mua của chính phủ áp dụng từ ngày 1/12/2013, với mục tiêu mua 400.000 tấn với giá cao  hơn 3,4% so với giá thị trường.

Giá gạo Ấn Độ tăng khoảng 2% do chương trình thu mua của chính phủ.

T.Hải
Nguồn: Vinanet/Oryza