Trên khắp các công trường thực hiện 12 chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh như: đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn, dự án tuyến nối các huyện tây Thanh Hóa, Chương trình 135, 134, các công trình thủy lợi miền núi vốn Trái phiếu Chính phủ, Khu Di tích Lam Kinh, Khu neo đậu tránh, trú bão cho  tàu, thuyền nghề cá tại Cảng Lạch Hới,vv... khí thế lao động khá khẩn trương. Tuy nhiên, nhiều chương trình, dự án trọng điểm tiến độ thi công vẫn chậm.
 Nhìn chung đối với dự án có tuyến chạy dài như công trình đường giao thông hay các công trình có diện tích mặt bằng lớn như: Quảng trường Lam Sơn, hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu tái định cư,v.v... công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn nhiều  khó khăn, vướng mắc và kéo dài. Nhiều nhà thầu, cho biết: từ đầu năm đến nay, giá vật tư sắt thép, xi-măng, gạch, đá, nhân công... tăng đột biến, các đơn giá, định mức thay đổi liên tục, các ngân hàng siết chặt hơn về điều kiện thanh toán đã  ảnh hưởng tới việc mua sắm vật tư, máy móc thi công; trong khi đó hầu hết các nhà thầu phải vay tiền ngân hàng. Trong lúc nhà thầu phải “chạy theo” lãi  suất cho vay do các ngân hàng điều chỉnh liên tục thì lại quá chậm được hưởng điều chỉnh giá. Tuy nhiên, ở  mỗi chương trình, dự án chậm tiến độ đều có các nguyên nhân cả khách quan, chủ quan.
    Điển hình như dự án tuyến nối các huyện tây Thanh Hóa (Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư), bao gồm 33 gói thầu, tổng mức đầu tư 1 ngàn 562 tỷ đồng, thời gian khởi công và hoàn thành từ 2006-2010. Ước giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến 30-6-2008 khoảng 189 tỷ đồng. Trong đó, tiến độ thực hiện nhiều gói thầu rất chậm, thậm chí có các gói thầu  như  R1, R2 còn chưa khởi công được do phải chờ số liệu thay đổi cao trình thủy điện bản Uôn. Gói thầu R3-1, khởi công từ tháng 1-2008, đến thời điểm này mới hoàn thành số liệu khảo sát thiết kế bản vẽ thi công, đang lập thiết kế bản vẽ thi công. Nhà thầu mới mở xong đường công vụ thông tuyến và thi công nền, giá trị khối lượng xây lắp chưa đáng kể. Gói thầu số 3-2, khởi công tháng 1-2008, hoàn thành vào tháng 1-2010, đến nay mới đang lập thiết kế bản vẽ thi công, tiến hành lập lán trại, đưa lực lượng, phương tiện lên công trường để triển khai thi công xây lắp. Gói thầu R4, khởi công tháng 10-2007, phấn đấu đến tháng 10-2009 hoàn thành, đến nay giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành ước tính 7,5 tỷ đồng (chủ yếu là khối lượng đào)/gần 103 tỷ đồng tổng dự toán,v.v... Ngoài những nguyên nhân chung nêu trên, do địa hình miền núi phức tạp nên việc khảo sát thiết kế, thiết kế bản vẽ thi công các gói thầu khó khăn. Số liệu thiết kế so với thực địa  có sai lệch lớn đã làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
 Trên công trường xây dựng Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Hới do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư (vốn xây lắp hơn 51 tỷ đồng), đến thời điểm đầu tháng 6-2008 (sau hơn 9 tháng triển khai thi công), các đơn vị thi công đã hoàn thành gói thầu số 1, với các phần việc như: đắp đê hữu sông Mã, nhà trạm quản lý, đắp đất đá thảm đường công vụ. Riêng gói thầu 2: nạo vét tôn tạo, bảo vệ mái bờ, hệ thống neo đậu báo hiệu, trong đó nạo vét mới đạt 66%  đắp bờ bao 85%, đóng cọc tre xếp chân khay rọ đá đạt 85%, đúc cấu kiện bê tông lát mái bờ 66% so với khối lượng hợp đồng. Do một số nguyên nhân như: thời gian đầu triển khai thi công dự án bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi, lụt bão; tình trạng lạm phát, giá nhiên, vật liệu xây dựng,... tăng đột biến; một số nhà thầu bố trí bộ máy điều hành công trường, thiết bị thi công còn thiếu so với hồ sơ mời thầu.
 Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Sở NN & PTNT là tập trung tháo gỡ khó khăn để thực hiện mục tiêu đến tháng 8-2008 hoàn thành xây dựng gói thầu số 2 của dự án để tàu thuyền nghề cá Lạch Hới có công suất đến 600 CV vào neo đậu tránh, trú bão an toàn. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Cảng cá Lạch Hới đã và đang thực hiện một số biện pháp đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình như: tăng cường lực lượng thường xuyên bám công trường đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tăng cường thiết bị nạo vét, đến 30-7-2008 hoàn thành nạo vét lòng âu đúng cao trình thiết kế; hoàn thành đúc cấu kiện bê tông rùa neo, gia công chế tạo xích và phao, lắp đặt xong toàn bộ 117 cụm rùa, phao neo vào đầu tháng 8-2008.
 Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Thanh Hóa bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2010 có 18 công trình đang được đồng loạt thi công, giá trị thực hiện đến thời điểm giữa tháng 5-2008 hơn 110 tỷ đồng/tổng mức đầu tư  201 tỷ 302 triệu đồng. Ngoài GPMB kéo dài, cũng có những công trình khi thi công phát sinh một số tồn tại cần xử lý kỹ thuật, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp thực tế, nên một số công trình như: hồ Phượng Xuân, Khe Dài  (Như Thanh), hồ Trung Tọa (Ngọc Lặc),vv... còn rất chậm so với yêu cầu tiến độ. Sở NN& PTNT (chủ đầu tư) đã tập trung phối hợp với các địa phương thực hiện GPMB; chỉ đạo các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát các dự án khắc phục kịp thời hạn chế, tồn tại. Nhờ đó, đến thời điểm này, nhiều công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ đã hoàn thành, sớm đưa vào phục vụ nước tưới cho sản xuất chiêm-xuân 2008 như: hồ Thắng Long (Yên Định), Vụng Vả (Cẩm Thủy), Vũng Lùng (Như Thanh), Vinh Quang (Quan Hóa), đập Hang Cá (Bá Thước),v.v...
 Qua tìm hiểu thực tế một số dự án thường chậm tiến độ ở phần xây dựng. Có tình trạng, do không huy động đủ phương tiện và nhân lực trong một thời điểm nhất định, nên nhà thầu thường thuê cả lao động bên ngoài, vừa không bảo đảm chất lượng, tiến độ, vừa có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn lao động. Vì vậy, đối với các chương trình, dự án trọng điểm, điều quan trọng nhất là các cơ quan quản  lý chức năng cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ để các bên liên quan tuân thủ đúng trình tự xây dựng cơ bản, kỹ thuật, hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực... GPMB đang là vấn đề nan giải, là một trong những nguyên nhân chủ yếu kéo dài tiến độ thi công nhiều công trình. Các cấp, các ngành liên quan, chủ đầu tư, nhà thầu cần phối hợp tốt nhanh chóng hoàn tất các thủ tục, kiểm kê, áp giá, đền bù GPMB. Làm tốt công tác di dời dân kết hợp định canh, định cư, xây dựng kịp thời các khu tái định cư, bảo đảm cho người bị ảnh hưởng đến nơi ở mới có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn nơi ở cũ. Sớm điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng theo Thông tư 09/2008/TT-BXD đối với các công trình. Các Sở Xây dựng, Tài chính thông báo giá phải kịp thời và sát với thị trường hơn... để tạo điều kiện cho các nhà thầu tập trung các nguồn lực lên công trường đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các chương trình, dự án trọng điểm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
(TTXTTM Thanh Hoá)

Nguồn: Vinanet