Đồng Đôla Mỹ tăng giá làm cho hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn, ảnh hưởng tới không chỉ gạo mà cả các hàng hoá khác, nhất là ngũ cốc và dầu thô.
Nhu cầu yếu cũng đang tác động tới thị trường. Bán gạo xuất khẩu của Mỹ giảm liên tiếp trong 3 tuần. Dự báo tình hình thị trường gạo tháng 11 sẽ chưa khả quan hơn.
Giá gạo chuẩn của Thái Lan chỉ còn ở mức 580 USD/tấn và đánh dấu lần đầu tiên trong 7 tháng qua giá cả rớt xuống dưới ngưỡng 600 USD/tấn do nhu cầu mua gạo của khách hàng nước ngoài giảm dần. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan chào giá gạo trắng 100% loại B ở mức 580 USD/tấn, giảm 8% so với mức 630 USD/tấn tuần trước. Một nhà xuất khẩu gạo cho biết thị trường giao dịch gạo hết sức trầm lắng do khách hàng chuyển sang mua gạo Việt Nam có giá rẻ hơn.
Khách hàng mua gạo lớn như Philíppin đã có nguồn dự trữ dồi dào và rút khỏi thị trường mua gạo. Thêm vào đó nông dân Thái Lan sắp bắt đầu thu hoạch lúa chính vụ. Do đó giá gạo giảm dần cho dù Chính phủ Thái Lan đã đưa ra giá thu mua cho thóc vụ mới bắt đầu từ đầu tháng tới với giá 12.000 baht/tấn thóc, tương đương với giá xuất khẩu khoảng 630 USD/tấn gạo.
Về những thông tin gạo khác, dự trữ gạo thô ở California tính tới ngày 1/10/2008 đạt 1,84 triệu cwt, giảm 39% so với một năm trước đó. Dự trữ gạo thô ở California tính từ ngày 1/8/2008 đến nay đã giảm 68%.
Khủng hoảng tín dụng hiện nay chắc chắn sẽ làm giảm lượng cung tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp, sẽ ảnh hưởng tới sản lượng gạo năm tới, và sẽ hỗ trợ giá gạo thế giới tăng trở lại.
Theo ông Robert Zeigler, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), khủng hoảng giá gạo có thể sẽ quay trở lai vào năm 2009, bởi kinh tế thế giới suy yếu sẽ làm gia tăng tiêu thụ gạo.
Giá gạo hiện nay vẫn cao gấp đôi so với mức 300 USD/tấn của năm 2007, và ông Zeigler tin rằng giá sẽ không thể giảm xuống dưới mức giá của năm ngoái. Ông nói: “Việc giá gạo giảm xuống 200 USD/tấn là không thể xảy ra”.
Khủng hoảng tín dụng hiện nay sẽ gây khó khăn cho chính phủ các nước sản xuất gạo trong việc đầu tư cho hạ tầng cơ sở nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất dài hạn. Đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp đã bị giảm sút kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, năm 1997.
Tuần trước, các quốc gia Đông Nam Á đã nhất trí ủng hộ kế hoạch hành động của IRRI nhằm đẩy tăng năng suất lúa gạo và khuyến khích nông dân sử dụng công nghệ mới để góp phần tăng sản lượng.

Nguồn: Vinanet