(VINANET) - Hàng hoá thế giới đã có quý thứ 3 tăng giá liên tiếp do kinh tế toàn cầu hồi phục, và giá dầu thô tăng do lo ngại về cuộc xung đột ở Libya và bạo loạn ở Trung Đông có thể làm hạn chế nguồn cung.

Chỉ số giá 24 loại nguyên liệu trên thị trường kỳ hạn, Standard & Poor’s GSCI Spot Index, đã tăng 13% trong quý I năm nay, kết thúc quý ở mức 712.61.

Dầu mỏ tăng giá 13%, bông tăng giá 35%, bạc tăng giá 22% và thịt lợn tăng giá 28%.

Xung đột ở Libya đã đẩy giá dầu thô tăng vượt 100 USD/tấn trong năm nay. Lũ lụt ở Australia và khô hạn ở Trung Quốc đã đe doạ tới mùa màng, trong khi động đất ở Nhật Bản thúc đẩy hoạt động mua đầu cơ, và đẩy nhu cầu tăng mạnh đối với thực phẩm và những nguyên liệu sẽ phục vụ hoạt động tái thiết ở Nhật.

Những điều đó đã lấn át nỗi lo về việc nhu cầu hàng hoá ở Trung Quốc - nước tiêu thụ hàng hoá lớn nhất thế giới - sẽ tăng chậm lại do các chính sách kiềm chế lạm phát sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Dầu mỏ đã tăng giá quý thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung sẽ sụt giảm do cuộc xung đột ở Libya kéo dài.

Hàng hoá đang rất thu hút các nhà đầu tư cũng do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở những thị trường đang nổi và nguy cơ lạm phát gia tăng.

Gí vàng giao ngay đã tăng lên mức kỷ lục 1.447,82 USD/ounce vào ngày 24/3 và bạc tăng lên mức cao kỷ lục 31 năm là 38,165 USD/ounce bởi các nhà đầu tư đổ xô đến thị trường kim loại quý khi thấy bất an bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng và chi phí năng lượng tăng. Vàng kết thúc quý ở mức giá 1.427,65 USD/ounce, còn bạc ở mức 37,6850 USD/ounce.

Chỉ số 6 kim loại công nghiệp tại London (LME( đã tăng 0,9% từ đầu năm tới nay, dẫn đầu là thiếc. Giá thiếc đã tăng lên mức kỷ lục 32.799 USD/tấn vào ngày 15/2/2011, còn đồng đạt mức cao kỷ lục của mọi thời đại là 10.190 USD/tấn do dự báo nguồn cung sẽ không bắt kịp nhu cầu.

Nguy cơ giảm

Giá dầu thô hiện ở mức trên 100 USD/thùng. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, và cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu trở nên trầm trọng hơn có thể ngăn cản đà hồi phục kinh tế toàn cầu.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng 8 lần trong năm nay, và tăng tỷ lệ lãi suất 3 lần kể từ đầu năm 2010 để làm nguội lại nền kinh tế và ngăn chặn lạm phát. Họ đã ra tín hiệu có thể tiếp tục tăng lãi suất vào đầu tháng 4/2011.

Nếu lãi suất ở Trung Quốc tiếp tục tăng, thị trường hàng hoá sẽ bị ảnh hưởng, giá sẽ tăng chậm lại, thậm chí có thể giảm.

Cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu ngày càng trầm trọng cũng sẽ tác động xấu tới thị trường hàng hoá.

Tuy nhiên, giá cũng sẽ chỉ giảm nhẹ (nếu có), bởi ngoài những yếu tố nhất thời thì yếu tố cơ bản cũng có lợi cho xu hướng giá hàng hoá tăng.

(T.Hải)