Theo nguồn tin Bloomberg, giá hàng hoá thế giới vừa qua một quý giảm mạnh nhất trong vòng hơn một năm nay do lo ngại rằng tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu.

Chỉ số S&P GSCI (S&P GSCI Total Return Index) của 24 loại nguyên liệu giảm giá 10% tính từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6, dẫn đầu là các kim loại công nghiệp, xăng và dầu thô. Đây là mức giảm mạnh nhất tính từ quý IV/2008. Tính chung trong nửa đầu năm nay, giá đã giảm lần đầu tiên kể từ 2001.

Chỉ số này đã giảm 2,9% trong ngày cuối cùng của tháng 6, mức giảm mạnh nhất trong vòng 3 tuần, bởi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 6.

Kết quả cuộc điều tra của hãng tin Bloomberg cho thấy đa số trong số 66 nhà kinh tế được hỏi cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng chậm lại trong 2 quý tới. Điều đó có nhiều khả năng cũng sẽ xảy ra ở Trung Quốc, nước tiêu thụ nguyên liệu (từ than đá tới đồng) lớn nhất thế giới.

Sean Corrigan, nhà quản lý thuộc hãng Diapason Commodities Management SA ở Lausanne, Switzerland nhận định: “Nếu kinh tế gặp khó khăn, giá vàng sẽ tăng mạnh nhất trong số các loại hàng hoá”.

Giá vàng đã tăng 11% trong quý vừa qua, chỉ sau cà phê arabica (tăng 19%) và khí thiên nhiên (tăng 17%). Bạc đã tăng giá 5,9% trong quý II.

Các kim loại công nghiệp khác giảm giá mạnh nhất. Kẽm giảm giá 27%, là quý giảm giá tệ hại nhất kể từ quý IV/2008. Nickel giảm giá 24%, chì giảm giá 22%, đồng giảm giá 18%, và nhôm giảm giá 17%.

Barclays Capital dự báo giá sẽ còn tiếp tục giảm tới quý IV năm nay. Đồng sẽ ở mức giá trung bình 6.000 USD/tấn vào quý IV, giảm 6% so với hiện nay, còn nhôm sẽ ở mức giá 1.850 USD/tấn giảm 4%.

Bán nhà mới ở Mỹ đã giảm kỷ lục 33% trong tháng qua, theo báo cáo của Bộ Thương mại nước này công bố vào ngày 23/6/2010. Theo tính toán của Hiệp hội Phát triển Đồng, các nhà xây dựng sử dụng khoảng 400 lb (181 kg) đồng trung bình cho mỗi ngôi nhà (dây điện, ống nước…).

Chỉ số giá hàng hoá giảm mạnh, song vẫn khả quan hơn so với mức giảm 13% của chỉ số cổ phiếu MSCI World Index của 24 nước phát triển.

Dầu giảm giá

Giá dầu đã giảm 9,6% kể từ tháng 4, quý giảm giá đầu tiên kể từ quý IV/2008. Mỹ là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả Trung Quốc. Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng gần 12% từ đầu năm tới nay.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) – cơ quan tư vấn của các nước tiêu thụ dầu lửa – dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 2% trong năm nay sau hai năm giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ những năm 1980. Tiêu thụ dầu lửa toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục 86,44 triệu thùng/ngày trong năm 2010.

Trong khi dự trữ đồng tại Sở giao dịch Kim loại London giảm 12% kể từ cuối tháng 3, do nhu cầu chậm lại, giá đã giảm 18%. Nguồn cung kim loại này hồi tháng 3 không đáp ứng đủ nhu cầu lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái. Tập đoàn Nghiên cứu Đồng Quốc tế mới đây cho biết sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới. đã tăng 16,5% trong tháng 5.

Hussein Allidina, giám đốc nghiên cứu của ngân hàng Morgan Stanley dự báo “giá dầu, đồng, vàng, ngô và có thể cả đường sẽ tăng lên. Dầu có thể sẽ tăng lên mức giá 95 USD/thùng vào tháng 12 tới”. Ông dự báo giá hàng hoá sẽ tăng trở lại vào cuối năm.

Còn các nhà phân tích của hãng Goldman Sachs Group Inc., dẫn đầu là Jeffrey Currie cho rằng các nhà đầu tư đang xa lánh thị trường hàng hoá và tăng trưởng kinh tế “vẫn rất khả quan”.

Theo Currie, dầu mỏ sẽ tăng giá lên mức 87 USD/thùng trong 6 tháng tới, cao hơn 15% so với hiện nay, còn giá đồng sẽ ở mức 7.900 USD/tấn, cao hơn 24% so với hiện nay.

Trong báo cáo ra ngày 22/6 Goldman dự báo giá hàng hoá, được đo bằng chỉ số S&P GSCI Enhanced Total Return Index, sẽ tăng khoảng 22% trong 12 tháng tới, dẫn đầu là năng lượng, kim loại công nghiệp và kim loại quý.

Jim Rogers, chủ tịch hãng Rogers Holdings ở Singapore dự báo giá cổ phiếu sẽ tăng trong ngắn hạn, còn hàng hoá sẽ tăng về lâu dài. “Nếu kinh tế tăng trưởng khả quan, hàng hoá sẽ thay thế cổ phiếu trong lựa chọn đầu tư bởi nguồn cung sẽ ngày càng hạn hẹp. Nếu kinh tế không tăng trưổng khả quan, lựa chọn hàng hoá vẫn là mục tiêu của các nhà đầu tư”.

(Vinanet)