* Đường dẫn đầu xu hướng tăng giá hàng hoá trong quý III
* Đồn đoán FED sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ đẩy giá vàng lên kỷ lục cao mới
* Lúa mì, ngô, dầu mỏ và đồng đều tăng giá mạnh
* Khí gas và cacao Mỹ nằm trong số những mặt hàng giảm giá mạnh nhất

Thị trường hàng hoá thế giới đã tăng giá ngoạn mục trong quý III do hoạt động mua đầu cơ mạnh. Đặc biệt, vàng đã thiết lập mức cao kỷ lục mới, và đường cũng tăng giá mạnh bởi đồng Đôla Mỹ giảm giá và hạn hán trầm trọng ở nhiều quốc gia sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn.

Chỉ số Reuters-Jefferies CRB index – bao gồm 19 mặt hàng chủ yếu giao dịch trên thị trường Mỹ, được dùng tham khảo cho thị trường hàng hoá thế giới toàn cầu – đã tăng 11% trong quý III, đạt kỷ lục cao của gần 9 tháng.

Daniel Briesemann, nhà phân tích hàng hoá của ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt nhận định: “Đối với cacao, đường và cà phê, chúng tôi cho rằng giá sẽ còn tăng hơn nữa. Còn với lúa mì và ngô, sẽ có sự điều chỉnh xu hướng giá trong tương lai gần”.

Ngoài yếu tố đồng Đôla Mỹ giảm giá, thời tiết bất lợi ở nhiều khu vực trên thế giới cũng góp phần quan trọng đẩy giá ngũ cốc tăng.

Đường đã tăng giá 46% trong quý III, là mặt hàng có giá tăng mạnh nhất trong quý, bởi thời tiết bất lợi ở nước sản xuất số 1 thế giới là Brazil sẽ làm giảm sản lượng năm nay. Hạn hán và cháy rừng - đã và đang gây trở ngại cho việc xuất khẩu lúa mì từ khu vực Biển Đen – đã đẩy giá lùa mì Mỹ tăng 45% trong quý III.

Vàng có quý thứ 8 liên tiếp tăng giá. Với mặt hàng này, nguyên nhân chính đẩy giá tăng lên là dựbáo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ - hoặc tăng cường mua trái phiếu Chính phủ - để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ hồi phục mạnh mẽ hơn. Những dự báo đó đã ép đồng Đôla giảm giá mạnh, tạo đòn bẩy nâng giá vàng lên.

Vàng đã tăng 5% giá trị trong quý III sau 10 lần lập kỷ lục cao chỉ riêng trong tháng 9, với mức đỉnh cao là 1.300 USD/ounce.

Dầu thô và đồng cũng có quý tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2009, do dự trữ dầu và kim loại giảm, và Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh – cho thấy nhu cầu sẽ còn tăng nữa ở thị trường tiêu thụ hàng hoá khổng lồ này.

Dầu đã kết thúc quý ở mức giá tăng 3%, trong đó riêng trong tháng 9 tăng 12% - là tháng tăng giá mạnh nhất trong vòng 16 tháng. Giá đồng kỳ hạn tại New York và London đã tăng trên 20% trong quý, vượt xa mức tăng 11% của chỉ số chứng khoán S&P trên thị trường Wall Street – nơi thường ảnh hưởng lớn tới xu hướng giá thị trường kim loại.

Đồng Đôla Mỹ yếu trong gần suốt tháng 9, và có lúc đã xuống tới mức thấp kỷ lục trong vòng 5 tháng so với Euro, do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ chi thêm tiền để vực dậy nền kinh tế Mỹ.

Theo nhận định của các nhà phân tích, trong khi nỗi lo sợ đó gần như chắc chắn sẽ còn tiếp tục hỗ trợ giá hàng hoá tăng trong quý IV, vẫn có khả năng xu hướng giá sẽ có sự điều chỉnh mạnh nếu có những biến động lớn trên thị trường tiền tệ, chẳng hạn như sự căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng về vấn đề đồng Nhân dân tệ có thể sẽ gây bất ổn cho một số thị trường.

Không giống như ở thị trường dầu và đồng, nơi dự trữ giảm mạnh trong quý vừa qua, thị trường khí gas đã chứng kiến tình trạng dự trữ khá dồi dào trong quý, nên mặt hàng khí gas kỳ hạn trở thành mặt hàng có xu hướng giá tệ nhất trên thị trường năng lượng, với giá khí gas tại New York giảm khoảng 16% trong quý III.