(VINANET)

 

Lúa gạo

Đồng Tháp giá lúa gạo đứng ở mức so với tuần trước: lúa phổ biến 5.300 – 5.500 đ/kg, gạo nguyên liệu 7.050-7.200 đ/kg, thành phẩm XK 5% 8.350 đ/kg; 10%: 8.150 đ/kg, 15% 7.900 đ/kg, 20% 7.600 đ/kg, 25% 7.350 đ/kg. Tuy nhiên, tại Bạc Liêu giá lúa tiếp tục giảm 300 đ xuống còn 5.350 đ/kg, gạo nguyên liệu cũng tiếp tục giảm 100 đ, nguyên liệu lứt còn 7.050 đ/kg, nguyên liệu trắng còn 7.550 đ/kg.

Do thị trường xuất khẩu gạo trầm lắng, giá xuống thấp nên nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạo đang có nguy cơ thua lỗ trong năm 2012.

Giá gạo xuất khẩu 5% đi châu Phi tuần đầu tháng 6 chỉ còn 430 USD/tấn, giảm 60 USD so với tháng trước.

Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu năm tháng đầu năm nay đạt 2,546 triệu tấn với giá trị 1,165 tỉ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 726.000 tấn về lượng và 381 triệu USD về giá trị.

Sản lượng sữa bột tăng, giá vẫn cao

Theo Bộ Công Thương, tình hình sản xuất mặt hàng sữa trong tháng 5 ổn định và tăng trưởng, tính chung 5 tháng sản lượng sữa bột đạt 30,7 nghìn tấn, tăng gần 21% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay sản phầm sữa là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao trong ngành thực phẩm ở Việt Nam. Thị trường nguyên liệu và tiêu thụ sữa đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, do số lượng đầu mối về mặt hàng này ít dẫn tới tình trạng khống chế giá trên thị trường, làm cho giá luôn cao. Điều này phản ánh qua việc giá sữa thế giới giảm xuống mà giá sữa trong nước vẫn cao trong khi thu nhập của người dân khá thấp.

Sản xuất, kinh doanh sữa là hoạt động có điều kiện. Bởi vậy, về phía người tiêu dùng, Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa cần có kiểm tra giám sát của Nhà nước để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Do vậy, việc rà soát lại hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh mặt hàng sữa để đề ra những giải pháp cho quản lý nhà nước trong việc kiểm soát lưu thông phân phối mặt hàng sữa trong thời kỳ hội nhập là hết sức cần thiết.

Giá lợn hơi giảm mạnh

Trong nhiều tháng liên tiếp, giá lợi hơi liên tục giảm giá khiến người chăn nuôi không mặn mà với chuyện tái đàn. Bằng chứng là lợn gióng đang sụt giá và tiêu thụ chậm.

Giá lợn loại 1 hiện đang được mua với giá 42.000 – 43.000 đ/kg; loại 2 chỉ quanh mức 40.000 đ/kg.

Tình hình không tái đàn của người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi công nghiệp có quy mô nhỏ, sẽ tác động đến nguồn cung heo trên thị trường trong những tháng cuối năm. Rất có thể, thị trường sẽ thiếu hụt lợn và qua đó tác động trực tiếp lên giá.

Tuy nhiên, nhìn vào nhu cầu thị trường và những khó khăn của nền kinh tế, cũng như việc nhập khẩu thịt lợn thì mức độ tác động này sẽ không nhiều, không đáng lo ngại.

Cao su

Giá cao su SVR3L tại cửa khẩu Móng Cái – Đông Kinh (chưa bao gồm thuế) ngày 5/6 được chào quanh mức 19.600 – 19.700 NDT/tấn, giảm thêm từ 500 – 600 NDT so với ngày hôm trước.

Giá dừa xiêm tăng mạnh so với cuối quý 1

Tại thị trường Bến Tre, giá dừa uống nước (dừa xiêm) đang ở mức 65.000-80.000 đồng/chục (1 chục gồm 12 quả), tăng từ 20.000-30.000đồng/chục so với cuối quý 1.

Dừa xiêm trái nhỏ, nước ít hơn dừa ta nhưng vị ngọt thanh.

Bến Tre từ lâu nổi tiếng với dừa xiêm xanh, được thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh ven biển miền Trung tiêu thụ mạnh, phục vụ khách du lịch.

Trong khi đó, giá dừa lấy cơm (dừa ta) dùng làm nguyên liệu chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu, sữa dừa… tiếp tục giảm, chỉ còn 18.000-20.000 đồng/chục.

Do giá dừa nguyên liệu giảm mạnh nên nhiều hộ đã thu hoạch dừa ta non để bán dừa uống nước, với giá 45.000 đồng/chục, cao hơn bán dừa nguyên liệu.

Việc làm này “lợi bất cấp hại" vì khi giá dừa nguyên liệu tăng trở lại thì phải mất nhiều tháng cây dừa mới có quả già, dẫn đến nguồn dừa nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến sụt giảm.

Giá điều nhân xuất khẩu giảm

Sau hơn một tháng rưỡi điều nhân xuất khẩu tăng giá và đạt mức 3,70 đô la Mỹ/pound thì nay giá điều nhân giảm giá trở lại, hiện còn dưới 3,30 đô la Mỹ/pound (1pound = 0,454kg)

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong mấy ngày qua giá điều nhân xuất khẩu giảm là do các nhà nhập khẩu ngưng mua vào. Nguyên nhân do thời gian qua nhiều nhà nhập khẩu đã mua một lượng điều khá lớn từ Việt Nam, nên cần có thời gian để tiêu thụ hết lượng hàng đã mua.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu được 70.000 tấn điều, thu về là 484 triệu đô la mỹ. Giá điều nhân xuất khẩu đạt là 6.900 đô la Mỹ/ tấn, giảm gần 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hai thị trường nhập khẩu hạt điều chính của Việt Nam là Mỹ, chiếm 26,3%, Trung Quốc là 20%. Năm nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu điều nhân lớn thứ 2 của Việt Nam, trong khi những năm trước đó là thị trường châu Âu. Theo Vinacas, do thị trường châu Âu giảm lượng mua vào nên đây là nguyên nhân khiến giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp và không ổn định trong thời gian qua.

Hiện giá điều thô được các nhà máy chế biến mua vào ở mức 26.000 đồng/kg. Mức giá này không có nhiều thay đổi trong hơn 45 ngày qua.

Cả nước hiện còn khoảng 200.000 tấn điều thô, trong đó, có một lượng lớn điều thô được các công ty nhập khẩu về từ cuối năm 2011.

Giá muối tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua

Diêm dân ở xã Phổ Thạnh (Huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) không chịu bán muối dù tư thương đến tận nhà chào mua với giá cao 1.400 – 1.600 đ/kg (đây là mức giá cao nhất trong 3 năm vừa qua).

Nguyên nhân do từ đầu vụ đến nay thường xuất hiện mưa giông, muối thu hoạch mới được gần 1.500 tấn, thấp hơn 2.000 – 2.500 tấn so với cùng thời điểm các năm trước. Nhiều diêm dân tích trữ muối để chờ giá cao hơn.

Sản phẩm muối Sa Huỳnh (Phổ Thạnh) được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền vào tháng 4-2011.

Nguồn: Vinanet