Na Lạng Sơn được giá

Theo nguồn Công Thương, hiện nay, người dân ở huyện Chi Lăng, Hữu Lũng (Lạng Sơn) đang bước vào mùa thu hoạch na với niềm vui được giá.

Diện tích na ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có khoảng 2.000ha, sản lượng trung bình đạt gần 300 ngàn tấn/ năm.

Năm ngoái giá na loại to đẹp chỉ 25.000 đ/kg, nhưng năm nay lên tới 35.000 – 40.000 đ/kg, loại trung bình có giá từ 25.000 – 28.000 đ/kg.

Ngư dân Thanh Hóa bội thu tôm, cua sau bão

Tại cửa biển xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, hàng trăm tàu thuyền nối đuôi nhau chạy vào bờ, cua, nghẹ cá đầy khoang tàu. Đây là chuyến ra khơi đầu tiên của bà con ngư dân nơi đây sau khi bão số 6.

Theo kinh nghiệm của người dân, cứ ngay sau mỗi cơn bão tan, lượng cá tôm, cua ghẹ xuất hiện với mật độ dày đặc nên đây là thời điểm rất thuận lợi cho người dân kiếm thêm thu nhập.

Mưa bão đẩy giá rau tăng mạnh

Tại Hà Nội, giá cả thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ quả tăng khá mạnh. Giá rau tăng gấp 2-3 lần ngày thường, cụ thể như rau muống tăng lên 8.000 – 10.000 đ/mớ;rau dền, mồng tơi 7.000 đ/mớ; cải xanh 15.000 đ/mớ, rau ngót 10.000 đ/mớ…

Một số mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng giá nhẹ. Thịt lợn tăng 10.000-20.000 đồng mỗi kg lên mức dao động từ 90.000-100.000 đồng một kg tùy loại. Các loại thịt bò, gà, hải sản... đồng loạt tăng giá 10.000 đồng mỗi kg.

Giá mủ cao su giảm

Theo nguồn TPO/NLĐ, gần một năm nay giá mủ cao su tuột dốc xuống quá thấp khiến các doanh nghiệp và người dân chuyên canh cao su lo lắng.

Giá mủ xuống thấp, đầu ra ế ẩm khiến nhiều doanh nghiệp cao su trên địa bàn Tây Nguyên tồn kho cả nghìn tấn mủ. Hàng nghìn hộ trồng cao su tiểu điền lo âu không biết phải sống bằng gì. Theo một người dân trồng cao su tại Đăk Lăk, đã từng có lức giá mủ tươi lên tới 25.000 đồng/kg, nhưng gần một năm nay giá mủ tươi bán tại vườn liên tục giảm, hiện chỉ còn 8.000 – 9.000 đ/kg.

Không chỉ các nông hộ mà các doanh nghiệp trồng cao su ở Đăk Lăk cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá thành mủ cao su giảm mạnh. Giá mủ sơ chế hiện chỉ còn 43 triệu đồng/tấn, giảm tới 38% so với mức đỉnh điểm của cách đây hơn 1 năm.

5 tỉnh Tây Nguyên đã trồng hơn 220.000 ha cao su. Riêng tỉnh Đăk Lăk có gần 37.000 ha cao su đang giai đoạn khai thác, trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm khoảng 20%.

Thiếu nguyên liệu - Nước mắm Phú Quốc sản xuất cầm chừng

Theo Hội Nước mắm Phú Quốc, do khan hiếm nguồn cá cơm nên nghề sản xuất nước mắm truyền thống của huyện đảo Phú Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn, một số nhà thùng phải “treo” thùng, số khác chỉ sản xuất cầm chừng.

Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc cho biết nguồn nguyên liệu chính làm ra nước mắm là cá cơm đang bị một số thương lái ngoài ngành, từ địa phương khác đến tranh mua rất quyết liệt. Những thương lái này cho tàu ra biển thu mua với giá cao từ 2 - 3 lần so với giá bán cho các nhà thùng, nên hầu hết sản lượng cá cơm đánh bắt được ngư dân đều bán cho thương lái.

Để có lãi, các nhà thùng chỉ mua cá cơm từ 6.000 - 7.000 đồng/kg cá tươi và từ 9.000 - 10.000 đồng/kg cá ướp muối, nhưng các thương lái đưa tàu ra tận biển mua với giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg.

Thiếu nguyên liệu nên đã có 10 doanh nghiệp sản xuất nước mắm phải giải thể, bỏ nghề. Hiện tại Phú Quốc chỉ còn 80 cơ sở sản xuất nước mắm nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, với khoảng 60% số thùng bỏ trống.

Nguồn: Vinanet