Lúa gạo

Giá lúa ĐBSCL tăng sau đợt thu mua tạm trữ. Lúa khô, hạt dài ở Đồng Tháp hiện ở 5.300 – 5.450 đồng/kg, tăng 50 – 100 đồng/kg. Gạo NL loại 1 của CTy lương thực mua với giá 7.100 đ/kg và 6.900 đ/kg đối gạo NL loại 2. Giá gạo thành phẩm 5% bán ở mức giá 8.200 đ/kg và 8.000 đ/kg đối với loại 10% tấm; loại 20%-25% tấm bán quanh mức 7.500-7.700 đ/kg.

Tại Bạc Liêu, giá lúa gạo ổn định ở mức 5.550 đ/kg đối với thóc tẻ thường (lúa hè thu); 10.500 đ/kg đối với gạo tẻ thường và 16.500 đ/kg đối với gạo thơm lài.

Ở An Giang có nơi thương lái còn thu mua tới 5.600 đồng/kg lúa khô tuỳ loại.

Trong suốt một tháng triển khai thu mua lúa gạo tạm trữ vừa qua, thương lái hầu như chỉ thu mua lúa tươi tại ruộng với giá từ 3.900 – 4.300 đồng/kg. Hiện các doanh nghiệp chế biến gạo đang mở đợt thu mua, khiến gạo nguyên liệu tăng thêm 150 – 200 đồng/kg và đang ở mức giá 6.900 – 7.200 đồng/kg.

Theo giới kinh doanh lương thực ở miền Tây Nam bộ, giá lúa khu vực này tăng giảm tuỳ thuộc tốc độ thu mua của các doanh nghiệp chế biến mà không ảnh hưởng nhiều bởi tính chất mùa vụ.

Giá lúa gạo được cải thiện phần nào do ảnh hưởng của chương trình mua tạm trữ. Đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thu mua tạm trữ 500.000 tấn gạo hè thu để trợ giá trong nước và giá xuất khẩu. Đợt thu mua diễn ra từ ngày 10/7-10/8/2012.

Theo Bộ Công thương, sau một thời gian dài giảm xuống và đứng ở mức khá thấp, từ đầu tháng 8 đến nay, nhất là trong mấy ngày qua, giá gạo xuất khẩu các loại của Việt Nam có xu hướng tăng khá.

Gạo 5% tấm từ mức 405-415 USD/tấn vào ngày 30/7, đến ngày 7/8 đã tăng lên 420-430 USD/tấn. Gạo 25% tấm và  gạo tấm thậm chí tăng mạnh hơn. Cũng vào ngày 30/7, giá gạo 25% tấm là 365-375 USD/tấn, thì chỉ 1 tuần sau đã tăng thêm 30 USD/tấn để đạt mức 395-405 USD/tấn. Còn gạo tấm từ mức 340-350 USD/tấn đã tăng lên 370-380 USD/tấn (tăng 30 USD/tấn). Gạo thơm cũng tăng nhẹ từ 615-625 USD/tấn lên 625-635 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng do ảnh hưởng từ việc tăng giá gạo trên thị trường thế giới. Đặc biệt, trong thời gian qua, lượng gạo được đăng ký hợp đồng xuất khẩu tiếp tục tăng khá. Trong đó, chủ yếu vẫn là gạo chất lượng cao 5% tấm.

Thủy sản

Giá thủy hải sản tại các tỉnh ĐBSCL nhìn chung ổn định. Tại Bạc Liêu, tôm sú (nguyên liệu) loại 1 (20 con/kg) được mua với mức giá 195.000 đ/kg; L2 (30 con/kg) giá 130.000 đ/kg; L3 (40 con/kg) giá 110.000 đ/kg.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt am (VASEP), tính đến 15/7/2012, giá trị XK cá ngừ Việt Nam đạt 311,6 triệu USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá ngừ vẫn là mặt hàng duy nhất có giá trị xuất khẩu khả quan trong các sản phẩm chủ lực của XK thủy sản Việt Nam.

Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu cá ngừ Việt Nam dù thị phần có giảm chút ít từ mức 49,5% xuống 46,2%. Tuy nhiên, giá trị XK cá ngừ sang thị trường này tính đến 15/7 vẫn đạt 143,9 triệu USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 7/2012, giá trị XK cá ngừ Việt Nam với tốc độ tăng trưởng lên đến 202,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị 15,4 triệu USD

Nhìn chung, sản lượng cá ngừ thế giới ngày càng giảm do những hạn chế khai thác cá ngừ tại các vùng ven biển nên mặt hàng này hiện đang và sẽ tiếp tục ở trong tình trạng cầu cao hơn cung. Trong khi đó, lượng hàng cá ngừ XK có khả năng tăng mạnh do sản lượng cá ngừ khai thác nội địa tăng cao cũng như sự gia tăng lượng NK cá ngừ. Trước tình hình trên, VASEP dự báo XK cá ngừ Việt Nam năm 2012 có thẻ tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Thép xây dựng

Giá thép tròn phi 6 và phi 8 tại Bạc Liêu quanh mức 17.050-17.100 đ/kg.

Trước tình hình sản xuất thép trong nước cung vẫn cao hơn cầu, xuất khẩu sụt giảm trong khi nhập khẩu thép vẫn gia tăng, Bộ Công Thương đã quyết định tái lập chế độ cấp phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép.

Theo Thông tư số 23 của bộ này, được áp dụng từ ngày 20-9, hàng trăm sản phẩm thép xây dựng, thép ống nhập khẩu thuộc một số mã hàng hóa sẽ phải trải qua quá trình xin cấp giấy phép nhập khẩu tự động. Danh mục xin cấp phép loại trừ hàng hóa tạm nhập, tái xuất, hàng nhập khẩu phi mậu dịch và hàng nhập khẩu để trực tiếp phục vụ sản xuất gia công.

Bộ Công Thương cho biết sẽ cấp giấy này trong thời hạn 7 ngày sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ nhập khẩu. Trường hợp đăng ký cấp phép qua mạng sẽ nhận được giấy phép sau 5 ngày.

Danh mục phải đăng ký cấp phép là các sản phẩm thuộc mã 7209, 7210, 7211, 7212, 7214 và 7306 là các sản phầm thép cán nguội và một số mặt hàng thép ống.

Hóa chất, phân bón

Phân Ure Phú Mỹ tại Bạc Liêu (50 kg/bao) được bán với giá 525.000 đ/bao; Phân DAP TQ (50 kg/bao) giá 700.000 đ/bao.

Theo Sở NN-PTNT Long An, một số loại phân bón NPK trên địa bàn tỉnh này vừa có đợt tăng giá khá mạnh.

Cụ thể: NPK 16-16-8 đã tăng thêm 500 đ/kg để lên mức giá mới từ 11.000-12.800 đ/kg, NPK 20-20-15 tăng thêm 400 đ/kg để có mức giá mới từ 13.400-15.000 đ/kg. Trong khi đó, giá các loại phân bón khác vẫn ổn định. Urê các loại từ 11.000–12.000 đ/kg, DAP các loại 14.400–17.600 đ/kg, kali 11.600–13.000 đ/kg, lân 3.200–3.600 đ/kg.

Nhu cầu sử dụng phân bón ở Tây Nguyên lại tăng mạnh. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng trên 55.000ha lúa, 138.000ha cây trồng các loại nên nhu cầu phân bón sẽ tăng cao. Tuy nhiên, hiện giá các loại phân bón không ngừng tăng, nhất là phân bón nhập khẩu, tăng từ 1- 1,2 triệu đồng/tấn, các loại phân bón sản xuất trong nước cũng có giá khá cao, hiện urê Phú Mỹ có giá 610.000 đồng/bao (loại 50 kg), NPK Đầu Trâu màu vàng 16-8-16, NPK Đầu Trâu màu xanh 16-16-13, NPK Việt- Nhật… giao động trong khoảng 600.000 – 715.000 đồng/bao, tăng 35.000 - 45.000 đồng/bao so với thời điểm cuối tháng 5.

Cà phê

Giá cà phê nhân xô tại các vùng tỉnh Tây Nguyên ngày 15/8 giảm so với ngày hôm trước. Cụ thể, tại Đắk Lắk và Gia Lai giảm 900 đồng xuống 41.100 - 41.300 đồng/kg; Lâm Đồng và Đăk Nông giảm 1000 đồng xuống 41.100 41.200 đồng/kg.

Cà phê Robusta xuất khẩu được chào với giá 2.050 USD/tấn, với mức trừ lùi là 20.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), do suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà máy chế biến cà phê và người tiêu dùng trên thế giới đã chuyển hướng sang dùng cà phê Robusta. Điều này tạo thuận lợi cho Việt Nam vì Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới.

Nếu năm 1997 việt Nam mới lọt vào Top 4 nước xuất khẩu cà phê hàng đầu cùng với Braxin, Clombia và Mehico thì sau 15 năm, đất nước của người Việt đã vươn lên vị trí số 1 thế giới.

Trong 7 tháng đầu năm 2012, mức chênh lệch giá xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam và các nước khác thu hẹp ở mức từ 250 – 300 USD/tấn, giảm xuống chỉ còn 30 – 50 USD/tấn.

Cà phê Việt Nam không chỉ được dành cho xuất khẩu, mà còn là loại nước uống ưa thích của người Việt, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều đơn vị vận tải phía nam tăng giá cước 5-8%

Theo báo Tuổi trẻ, nhiều đơn vị vận tải khu vực TPHCM và Đồng Nai hôm 14/8 vừa qua đã cân nhắc tăng giá cước.

Sau ba lần điều chỉnh giá xăng trong vòng chưa đầy một tháng, ngày 14/8 nhiều đơn vị vận tải cho biết bắt đầu tăng cước vận tải thêm 5-8%.

Hôm 13/8 vừa qua, Petrolimex và Saigon Petro đã tăng giá xăng thêm 1.100đồng/l, đợt tăng giá thứ 2 kể từ đầu tháng 8. Như vậy chỉ trong vòng 10 ngày, giá xăng đã tăng thêm 2000đ/l

Tính từ đầu năm, đây là đợt tăng giá thứ 5 của xăng dầu.

Các lần điều chỉnh tăng trước đó là vào tháng 3, tháng 4 và ngày 20/7. Tổng mức tăng giá xăng 5 lần là 5.400 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng cũng đã điều chỉnh giảm 5 lần kể từ đầu năm với mức giảm tổng cộng là 3.200 đồng/lít.

Đại diện Hãng vận chuyển Nam Phú Thịnh (Đồng Nai) cho biết đang cân nhắc tăng giá vận chuyển thêm 7-8%.

Hãng vận tải hàng hóa Trường An cho biết đã điều chỉnh giá cước vận chuyển đường dài thêm 5%.

Giám đốc một đơn vị vận tải rau củ quả tư nhân cho biết giá cước vận chuyển rau củ, trái cây, hàng hóa từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM đã tăng thêm 30.000-50.000 đồng/tấn hàng.

Nguồn: Vinanet