*Giá phân bón tăng

Giá các loại phân bón tại khu vực ĐBSCL gần đây đồng loạt tăng khá cao. Phân urê từ 6.500 đồng nhảy lên 7.200 đồng/kg, phân DAP từ 9.500 đồng lên 11.600 đồng/kg, kali từ 8.000 đồng lên 9.500 đồng/kg, NPK (16-16-8) từ 7.400 đồng lên hơn 8.000 đồng/kg...

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, sở dĩ giá phân bón tăng mạnh là do giá thế giới tăng cao như urê lên 364 USD/tấn (tăng 64 USD), DAP 485 USD/tấn (tăng 25 USD), kali 330 USD/tấn (tăng 30 USD); ngoài ra còn do tỉ giá tăng cũng như các đại lý “hè” nhau đẩy giá lên thêm. Cũng theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu phân bón vụ đông xuân tại các tỉnh ĐBSCL sắp tới sẽ tăng cao. Nhu cầu phân urê là 1 triệu tấn, DAP 200.000 tấn, kali từ 150.000 tấn - 200.000 tấn, NPK từ 600.000 tấn - 700.000 tấn...

*Giá thép giảm từ 200.000 – 400.000 đồng/tấn.

Từ giữa tháng 9 đến nay, một số nhà máy sản xuất thép đã giảm giá khoảng 200.000 – 400.000 đồng/tấn tuỳ chủng loại. Đây là lần giảm giá thép đầu tiên của các doanh nghiệp thép kể từ đầu tháng 7 vừa qua, sau một thời gian dài tăng giá. Hiện giá bán thép giao tại nhà máy trung bình ở mức 15,2 – 15,5 triệu đồng/tấn. Giá thép giảm do tác động của giá phôi thép trên thế giới có chiều hướng giảm giá, xuống còn 580.000 – 600.000 USD/tấn (giảm khoảng 30 – 50 USD/tấn), thép phế cũng giảm khoảng 20 USD/tấn xuống còn 400 USD/tấn. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, các doanh nghiệp chỉ cần bán sản phẩm ở mức 13,2 triệu đồng/tấn là vẫn có lãi.

*Vàng: giá lập kỷ lục mới

Quỹ đầu tư hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust vừa mua vào 3,6 tấn vàng, nâng số vàng dự trữ lên 1.304 tấn, lập tức giá vàng thế giới ngày 21/9 trở lại 1.281 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng leo lên 30,08 triệu đồng/lượng ngang bằng với giá vàng thế giới, thị trường giao dịch hết sức èo uột.

Giới kinh doanh vàng dự báo sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố thông tin về kinh tế Mỹ vào rạng sáng 22/9, thị trường vàng sẽ có những diễn biến mới. Nếu FED quyết định bơm thêm tiền đồng nghĩa kinh tế Mỹ đối mặt với lạm phát, giá vàng sẽ đi lên.

Với các nhận định giá vàng thế giới vẫn tiếp tục xu hướng tăng thì giá vàng trong nước sẽ còn tiếp tục đạt những mốc cao mới.

Theo các chuyên gia nhu cầu vàng trên thế giới đang tăng mạnh cùng với diễn biến tình hình kinh tế thế giới kém khả quan khiến cho vàng trở thành kênh đầu tư an toàn đối với một số nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

*Giá sữa tăng 9-10%

Giá sữa của Hãng Nestlé đã tăng thêm 9% đối với các dòng sữa bột Nestlé gấu và Lactogen, như vậy trung bình mỗi hộp sữa đắt thêm 6.000-10.000 đồng. Trong thông báo gửi đến các đại lý ngày 21-9, việc điều chỉnh giá mới có hiệu lực từ ngày 16-9.

Trước đó, Hãng sữa Abbott điều chỉnh nhãn hiệu Ensure Gold tăng thêm 10%, nhãn hiệu sữa Pediasure của công ty này được điều chỉnh tăng thêm 9%.

Tiếp theo, sữa Anmum sản xuất từ New Zealand tăng 10%... Hồi tháng 7-2010 sữa bột của các nhãn hiệu Dumex, X.O và sữa nước Cô Gái Hà Lan... cũng tăng giá 2,5-10%.

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), tính chung trong ba năm qua thị trường sữa bột tại VN đã có tất cả 16 lần tăng giá, lý do tăng giá mà các hãng đưa ra là biến động của tỉ giá ngoại tệ và nguyên liệu đầu vào.

Nhiều chuyên gia cho rằng đợt tăng giá này là để “chạy” quy định mới.

Theo thông tư số 122/2010 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 1-10, để kiểm soát giá sữa không thể tăng vô tội vạ như thời gian qua, doanh nghiệp phải kê khai đăng ký giá.

Tuy nhiên, đến nay chưa có hãng sữa nào đăng ký giá trong khi các mặt hàng khác như ximăng, thép, khí, gas... đã có đơn vị đăng ký.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng việc quản lý giá sữa nên bắt đầu từ việc khống chế lại tỉ lệ quảng cáo trên doanh thu của các doanh nghiệp (hiện nay tỉ lệ này là 10%), việc này cần thiết không kém yêu cầu kê khai cơ cấu, chi phí sản phẩm.

*Giá thức ăn chăn nuôi tăng

Chăn nuôi trong nước liên tục gánh chịu dịch bệnh tai xanh, cúm gia cầm, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tại khu vực An Giang, giá thịt gà hơi từ 65.000 – 70.000 đồng/kg, gà nguyên con làm sẵn từ 80.000 – 85.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt nhập khẩu chỉ khoảng 1,2 – 1,3 USD/kg đối với thịt gà, chưa bằng một nửa giá trong nước. Các loại thịt heo  nhập cũng chỉ từ 1.700 - 1.800 USD một tấn, bằng với giá thịt heo hơi trong nước. Do giá thịt ngoại quá rẻ, nên thịt nhập khẩu trên thị trường không ngừng tăng.

Nguồn: Vinanet