Giá lạc tăng tại Trà Vinh; thu lợi cao từ trồng xoài ở Đồng Tháp; giá gà, trừng thấp nhất một năm qua; thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả cao.

Trà Vinh: giá lạc tăng

Vụ Đông Xuân 2014 -2015, toàn tỉnh Trà Vinh trồng trên 2.600 ha lạc. Hiện nông dân đang vào vụ thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 10 -11 tấn/ha, cao hơn vụ thu hoạch cùng kỳ năm ngoái từ 2 – 3 tấn/ha. Giá lạc loại 1 hiện đang ở mức 11.000 đồng/kg, tăng 2.500 - 3.500 đồng/kg so với vụ trước. Nhờ vậy, nông dân thu lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng/ha.
Với giá bán 11.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi hơn 50 triệu đồng.
Lạc vốn được xem là cây trồng chủ lực của gần 3.000 hộ nông dân ở khu vực đất giồng cát và triền giồng thuộc huyện Cầu Ngang và Duyên Hải. Ngoài ra, vào vụ thu hoạch, cây lạc còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, bởi mỗi ngày một người có thể bóc từ 80 – 100 kg lạc , cho thu nhập hơn 100.000 đồng.

Giá gà, trứng thấp nhất một năm qua

Người nuôi gà công nghiệp lấy thịt và lấy trứng tại nhiều tỉnh phía Nam đang bị thua lỗ nặng do giá bán giảm mạnh thời gian qua.

Hiện giá gà công nghiệp bán ra tại các trại ở Đồng Nai chỉ còn 23.000-23.500 đồng/kg trong khi giá trứng gà trung bình ở mức 1.100 đồng/quả. 

Với mức giá hiện tại, người nuôi đang bán lỗ khoảng 5.000 đồng/kg gà lông và 200 đồng/quả trứng gà. Theo các chủ trang trại, đây là mức giá bán thấp nhất trong vòng một năm qua.

Riêng giá heo hơi và gà lông màu (gà tam hoàng) đang có dấu hiệu phục hồi sau thời gian giảm nhẹ. Hiện giá heo hơi bán ra tại các trang trại ở Đồng Nai, Tiền Giang mức 48.000-49.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000-4.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng. Giá gà lông màu cũng tăng lên mức 45.000-46.000 đồng/kg.

Trong khi đó ghi nhận tại nhiều chợ lẻ ở TP.HCM, giá trứng gia cầm, thịt các loại cũng có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, giá trứng gà tại chợ Tân Định (Q.1) giảm 300-500 đồng/chục, ở mức 23.500 đồng/chục, tương tự trứng vịt dao động quanh mức 33.000-35.000 đồng/chục tùy loại.

Ghi nhận cũng cho thấy giá thịt gà tại một số chợ bắt đầu chững lại, dao động 45.000-47.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với trước đây. 

Trong khi đó, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết mặc dù thời gian vừa qua diễn biến giá xăng, điện hay giá ngoài thị trường có biến động nhưng chưa đến mức để điều chỉnh giá hàng hóa bình ổn. Dự kiến đầu tháng 4, chương trình bình ổn thị trường 2015 và tết 2016 tiếp tục được khởi động.

Thu lợi cao từ trồng xoài ở Đồng Tháp

Theo kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện năm 2014, tại 166 nông hộ trồng xoài của tỉnh Đồng Tháp, thu nhập từ trồng xoài của một hộ dân nơi đây đạt trung bình 186 triệu đồng/năm, với lợi nhuận khoảng 105,4 triệu đồng/hộ/năm. Như vậy, cây xoài mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân.

Hiện tỉnh Đồng Tháp có một hợp tác xã sản xuất xoài và 28 tổ hợp tác trồng xoài. Mối liên kết ngang giữa các hộ nông dân là điều kiện quan trọng cho sự phát triển ngành hàng xoài tại địa phương bởi giúp việc quản lý tổng hợp dịch hại, chuyển giao công nghệ dễ dàng hơn, cung cấp hàng với quy mô lớn đối với khách hàng tiềm năng. Theo quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, địa phương không có kế hoạch tăng thêm diện tích trồng xoài. Thay vào đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao năng suất và chất lượng trong các khu vực canh tác xoài hiện có, mở rộng mối liên kết ngang giữa nông dân và các hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong đó, giải pháp được đưa ra nhằm tăng thêm mùa vụ đậu trái, kích thích ra hoa trái vụ. Cách làm này sẽ giúp xoài thu hoạch rải vụ quanh năm, tránh dư cung theo mùa, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng. Mục tiêu được đề ra là 50% xoài ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch vào tháng 5, tháng 6 và 50% xoài thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 3, theo Quyết định số 1648, ngày 7/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Hiện, cây xoài ở Đồng Tháp được trồng tập trung ở ven sông Tiền như huyện Cao Lãnh và vùng nông thôn của thành phố Cao Lãnh. Hai loại xoài chính được trồng đó là xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc, chiếm 91% tổng sản lượng xoài của tỉnh. Diện tích trồng xoài những năm gần đây của tỉnh đạt hơn 9.000ha. Mức tăng trung bình về diện tích xoài trong 5 năm trở lại đây đạt 3,5%, với sản lượng trên dưới 100 ngàn tấn/năm.

Tuy nhiên, việc trồng xoài ở Đồng Tháp chủ yếu là hoạt động sản xuất nhỏ lẻ. Qua khảo sát 166 nông hộ tại tỉnh Đồng Tháp của Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích canh tác xoài trung bình là 0,68 ha/hộ, thấp nhất là 0,1ha và cao nhất là 3 ha. Nhiều diện tích trồng xoài nằm gần khu dân cư và có nguồn gốc từ đất lúa chuyển sang. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, hầu hết bán xoài cho người thu gom địa phương, ít được tư vấn nâng cao chất lượng, thông tin hạn chế về nhu cầu thị trường.

Thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả cao

Lựa chọn cây trồng chuyển đổi thích hợp với điều kiện phát triển của địa phương, nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã phá bỏ cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trồng thanh long ruột đỏ được tổ hợp tác sản xuất, liên kết tiêu thụ, nhà vườn yên tâm sản xuất loại cây trồng này.
Theo Tổ hợp tác trồng thanh long ruột đỏ xã Phú Hựu, Tổ hợp tác có hơn 15 ha của 22 thành viên. Mùa thuận của cây thanh long từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch hàng năm, trung bình mỗi trái thanh long đạt tiêu chuẩn có trọng lượng 500g, giá bán trên thị trường thời điểm thấp nhất cũng từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, mùa nghịch giá có thể tăng gấp đôi.

Thanh long ruột đỏ không khác các loại thanh long khác về cách thức trồng và chăm sóc. Bên cạnh đó, yếu tố thành công của tổ là có sự thống nhất cao của các thành viên, do đó tạo thành qui trình khép kín từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau về kỹ thuật cách chăm sóc cho ra trái theo yêu cầu của thị trường. Mặt khác, các thành viên trong tổ thống nhất trồng theo cách rải vụ để cho ra trái quanh năm, cung cấp trái thường xuyên cho thị trường và tránh được chuyện "trúng mùa rớt giá". Ngoài ra, Tổ hợp tác còn liên kết doanh nghiệp tiêu thụ, ổn định giá cả, đầu ra cho sản phẩm.

T.Nga
Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet