Tiền Giang: Vú sữa đầu mùa khan hiếm, giá ở mức cao

Theo nguồn báo Công Thương, do sản lượng trái ít nên hiện nay vú sữa được thương lái thu mua với giá cao đến 315.000 - 380.000 đồng/chục (mỗi chục 14 trái), thậm chí vú sữa được các điểm thu mua gom từng trái vú sữa với giá tới gần 28.000 đồng/trái.

Các thương lái thu mua vú sữa ở chợ đầu mối Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang) cho biết, thời điểm này lượng vú sữa trên thị trường không nhiều nên các điểm thu mua tổ chức mua từng trái vú sữa của nhà vườn chứ không tính từng chục như thời điểm vào vụ thu hoạch rộ với giá mua dao động 22.000 - 25.000 đồng/trái đối với vú sữa Lò Rèn và từ 25.000-28.000 đồng/trái đối với vú sữa nâu.

Hàng năm, mùa vú sữa thường kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Vào khoảng tháng 11 âm lịch, vú sữa mới chín rộ nên lúc đó vú sữa sẽ có giá thấp hơn, còn bây giờ vú sữa không có nhiều để cung cấp cho thị trường nên giá cao là điều khó tránh khỏi.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Tiền Giang), đặc sản vú sữa Lò Rèn được trồng tại vùng chuyên canh thuộc 13 xã phía Nam quốc lộ IA của huyện Châu Thành có diện tích hơn 3.000 ha. Theo kế hoạch, đến năm 2015, tỉnh Tiền Giang sẽ mở rộng diện tích trồng vú sữa Lò Rèn lên 5.000 ha. Bên cạnh đó, do vú sữa nâu thường chín sớm và luôn bán được giá cao nên loại vú sữa này đang có xu hướng phát triển nhanh trong mấy năm gần đây, hiện diện tích vú sữa nâu đạt khoảng 700 ha.

Giá ớt tăng cao tại An Giang

Tại An Giang, giá ớt tăng mạnh trong thời gian gần đây, trừ đi các chi phí thì ớt mang về cho nông dân khoảng 400 triệu đồng/ha.

So với những năm trước đây, giá ớt tại tỉnh An Giang đang tăng rất cao và kéo dài gần tháng trở lại đây. Với giá bán tại ruộng từ 40.000 đồng - 45.000 đồng/kg, tùy theo ớt lớn nhỏ, màu sắc đẹp, trừ chi phí còn mang về lợi nhuận cho nông dân 400 triệu đồng/ha.

Nguyên nhân giá ớt tăng mạnh là do người dân trồng ớt vào mùa lũ, trong các vùng có đê bao khép kín an toàn.

Từ trước đến nay, cây ớt ở An Giang được xác định là loại cây màu có giá trị kinh tế cao, so với 65 chủng loại rau màu được trồng tại tỉnh và được trồng nhiều tại huyện Chợ Mới, Châu Thành, Châu Phú và thành phố Long Xuyên. Giá bán ớt luôn giao động từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg, thấp nhất là 15.000 đồng/kg, dưới bất cứ giá bán nào người trồng vẫn được lợi nhuận ăn chắc.

Mặt hàng thủy sản khô: giá tăng

Theo Báo Đồng Nai, giá nhiều mặt hàng thủy sản khô hiện bất ngờ tăng cao. Khảo sát các chợ tại TP. Biên Hòa, giá tôm khô loại ngon từ 500-850 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 100 ngàn đồng/kg so với trước đó.

Tôm khô loại nhỏ, tép, ruốc... cũng tăng thêm từ 10-30% so với trước. Giá nhiều loại cá khô, mực khô... cũng bắt đầu leo thang với mức tăng từ 5-20%. Cụ thể, các loại mực khô dao động từ 280-650 ngàn đồng/kg. Cá chỉ vàng từ 150-250 ngàn đồng/kg. Các loại khô đồng, khô nước ngọt cũng bắt đầu nhích giá.

Theo các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này, giá các loại khô thường tăng vào dịp cận tết do nhu cầu thị trường lớn. Tuy nhiên, năm nay giá tăng sớm hơn mọi năm do thời gian qua các loại thủy, hải sản liên tục tăng giá.

Bánh kẹo bán theo cân: cầu tăng

Dẫn nguồn NLĐ, không dư giả để mua sắm bánh kẹo ngoại đắt giá có xuất xứ từ Pháp, Mỹ, Bỉ... nên những khách hàng tìm đến khu phố hàng Buồm hay chợ Đồng Xuân đa phần đều mua bánh kẹo bán theo kg.

Chẳng hạn như loại kẹo dẻo do Việt Nam sản xuất có giá chưa đến 80.000 đồng/kg nhưng được nhiều người lựa chọn. Kẹo socola cũng chỉ 100.000 đồng/kg cũng rất ngon. Không như những năm trước, khách hàng chỉ ăn socola Bỉ và kẹo của Thái".

Khoảng 4 - 5 năm về trước, bánh kẹo cân từng được nhiều người ưa thích. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, người dân lại "sính ngoại", chỉ thích bánh kẹo Nhật, Mỹ, Pháp... Đa số bánh kẹo cân nhập về chỉ để bán buôn về các tỉnh còn khó khăn.

Nhưng thời gian gần đây, một số đại lý ở Hà Nội lại gọi điện nhập nhiều loại này, bảo là bán tốt hơn các loại bánh kẹo đóng gói sẵn.

Cùng với sự khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường bánh kẹo dù đã bước vào vụ cuối năm nhưng vẫn vắng bóng người. Đáng nói, dù giá nhập vào tăng khoảng 2 - 5% so với trước, nhưng các tiểu thương cho biết sẽ giữ nguyên giá, hoặc tăng rất nhẹ bởi không muốn ế ẩm hơn.

Người tiêu dùng chuyển hướng sang dùng sữa nội

Theo báo Hải quan, trước nhiều thông tin về chất lượng sữa ngoại không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng với việc giá cả cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu, nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu chuyển hướng sang dùng sữa nội.

Chủ một cửa hàng sữa trên đường Linh Đông (Thủ Đức) cho biết, gần 2 tháng qua, lượng sữa ngoại bán ra tại cửa hàng đã giảm khoảng 50%. Trước đây, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 10 hộp sữa ngoại các loại, nhưng giờ chỉ bán khoảng 4-5 hộp/ngày. Thậm chí, mỗi khi có đợt khuyến mãi nhiều khách mua liền một lúc cả thùng (6 hộp), nhưng hiện nay khách hàng đã không còn mặn mà, chỉ mua một hoặc 2 hộp theo nhu cầu sử dụng.

Bên cạnh đó giá cả cũng góp phần vào quyết định của người tiêu dùng. Chẳng hạn, giá của 1 hộp sữa Dielac Alpha 123 của Vinamilk loại 900gram có giá 196.000 đồng, trong khi 1 hộp Similac Gain Plus Eye-Q cùng loại lại có giá lên tới 470.000 đồng. Hay như loại sữa dành cho trẻ biếng ăn hiệu PediaSure của Abbott có giá 554.000 đồng/hộp (900gram), trong khi sản phẩm cùng chức năng, cùng trọng lượng của Vinamilk giá chỉ khoảng 338.000 đồng/hộp, của Nutifood với giá 270.000 đồng/hộp…

Nguồn: Vinanet