Giá khoai môn giảm mạnh; hạt điều cuối vụ tăng giá cao; giá thanh long tại Tiền Giang giảm mạnh.

Giá khoai môn giảm mạnh

Tại tỉnh Đồng Tháp, khoai môn đang bước vào mùa thu hoạch rộ, nhưng giá lại giảm mạnh, chỉ bằng 1/5 giá so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó thương lái không mua, làm cho người nông dân lo lắng vì sắp đến thời điểm phải xuống giống cho mùa vụ mới.
Theo các hộ dân trồng khoai môn ở các xã ven sông Tiền của huyện Lấp Vò như Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Tân Mỹ…, so với cùng kỳ năm 2014, thời điểm này khoai môn được các thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 12.000 đến 14.000 đồng/kg, có lúc trên 15.000 đồng/kg thì năm nay giá khoai chỉ dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Khoai môn mất giá khiến người dân lo lắng do đầu tư quá nhiều về giống, phân bón và nhiều chi phí khác. Đáng ngại nhất là đã tới mùa thu hoạch mà thương lái đến mua ít.

Ông Nguyễn Văn Thảnh, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò cho biết, năm 2014 gia đình ông thuê đất trồng khoai môn thấy có lãi, năm nay tiếp tục thuê 6.000 m2 đất trồng khoai môn, vốn đầu tư khoảng 16 triệu đồng/1.000 m2 (chưa tính công chăm sóc) nhưng thời diểm hiện tại do giá khoai môn xuống thấp, từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, ước tính vụ khoai môn năm nay gia đình lỗ hơn 40 triệu đồng. Hiện tại, các đại lý bán vật tư liên tục đòi nợ, nhưng ông Thảnh đành phải nợ lại đại lý vì không có khả năng chi trả.

Bên cạnh nỗi lo của ông Thảnh khi phải nợ tiền vật tư, nhiều hộ trồng khoai môn ở đây còn lo lắng hơn khi tời ngày thu hoạch không có thương lái đến mua. Anh Nguyễn Văn Thắng, xã Mỹ An Hưng B (Lấp Vò) đang lo lắng cho 5.000 m2 khoai môn sắp thu hoạch của gia đình. Theo anh Thắng vào mùa vụ trước, giá khoai tăng cao, trước khi thu hoạch hơn 1 tháng thương lái đã vào xem khoai đặt tiền cọc, nhưng năm nay không có thương lái đến mua, có 1 vài thương lái đến ruộng xem rồi về, báo với anh khi nào mua sẽ định giá sau vì hiện tại giá khoai giảm không dám định giá trước. Nhiều ruộng khoai gần nhà anh cũng phải chịu cảnh tương tự khi không có thương lái đến mua, người dân không biết đi bán ở đâu và cũng không đem đi bán lẻ được. Theo anh Thắng, khoai để lâu chất lượng sẽ giảm, hư hại nhiều, mất năng suất càng lỗ thêm. Bên cạnh đó, nông dân lo lắng vì bắt buộc thu hoạch để xuống giống sản xuất cho vụ sau, cho kịp mùa lũ về.

Theo các thương lái thu mua khoai, hiện nay các vựa chỉ thu mua cầm chừng, vì vậy họ không dám mua vì trữ lại sẽ lỗ. Anh Đỗ Văn Đức, thương lái thu mua khoai môn cho biết, các vựa thu mua khoai chủ yếu để xuất sang Trung Quốc, nên khi phía Trung Quốc không lấy hàng, các vựa không thu mua giá khoai môn giảm, thương lái chỉ thu mua cầm chừng. Không chỉ người nông dân lỗ, nhiều thương lái đã đặt tiền cọc với giá cao, nếu đến thu mua sẽ lỗ nên một số thương lái đã bỏ tiền đặt cọc thu mua của nông dân không mua.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Lấp Vò, toàn huyện xuống giống hơn 278 ha khoai môn, do giá xuống thấp, nên bà con mới thu hoạch hơn 15% diện tích xuống giống. Khoai môn tại huyện đã được đăng ký thương hiệu hàng hoá, hiện tại huyện tiến hành liên kết các doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định để tránh tình trạng "trúng mùa, rớt giá" như hiện nay"./.

Giá hạt điều cuối vụ tăng cao

Nông dân trồng điều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay giá hạt điều cuối vụ đang tăng mạnh so với đầu vụ. Thương lái hiện mua hạt điều tại vườn là 35.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm đầu vụ 10.000 đồng/kg. Các thương lái mua hạt điều cho biết, nguyên nhân giá hạt điều tăng là do các doanh nghiệp chế biến năm nay có hợp đồng tốt, cùng với đó, lượng mưa đầu mùa năm nay đến chậm hơn mọi năm nên độ ẩm của hạt điều thấp, các doanh nghiệp không trừ độ ẩm nhiều như mọi năm.

Theo đánh giá của các chủ vườn, giá hạt điều năm nay khá cao và ổn định so với các năm trước, lúc thấp nhất cũng đạt 2 5.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ vụ điều trước khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg. Tuy giá điều cao, nhưng hiện nhiều cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không đủ nguyên liệu để sản xuất. Nguyên liệu trong nước chỉ đủ để sản xuất trong vòng chưa đầy 4 tháng, còn lại phải nhập hạt điều chưa qua sơ chế từ các nước châu Phi về sơ chế.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện tại, diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh còn trên 10.400 ha. Theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh, khả năng diện tích cây điều sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới, do nhiều hộ trồng điều đang ồ ạt chặt loại cây trồng này chuyển sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt là chuyển sang trồng cây hồ tiêu. Hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang khuyến khích doanh nghiệp chế biến hạt điều đầu tư công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40%, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm tránh rủi ro khi thị trường xuất khẩu có những biến động xấu.

Giá thanh long tại Tiền Giang giảm mạnh

Ngày 27/5, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo cho biết, giá thanh long trên địa bàn đang giảm mạnh và hiện ở mức 10.000 đến 11.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng và 9.000 đến 10.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ.

Trước đó, trong tháng 3/2015, thanh long ruột đỏ có giá từ 50.000 đến 55.000 đồng/kg, còn thanh long ruột trắng khoảng 20.000 đến 25.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm chính vụ thu hoạch nên giá thanh long giảm mạnh. Để tránh thiệt hại, nông dân Chợ Gạo thường tranh thủ áp dụng kỹ thuật xử lý xông đèn để thanh long cho trái vào mùa nghịch bán được giá hơn. Trong năm có hai vụ thanh long trái múa là từ tháng 10 đến tháng 11 và từ tháng 1 đến tháng 2. Với kỹ thuật xông đèn, thanh long chỉ sau 75 ngày kể từ khi ra hoa là thu hoạch.
Chợ Gạo là vùng trồng chuyên canh thanh long nổi tiếng ở Tiền Giang với diện tích trên 4.000 ha, năng suất bình quân 30 tấn/ha và sản lượng mỗi năm trên 120.000 tấn quả. Ông Nguyễn Văn Tám cũng cho biết, trung bình mỗi héc ta thanh long sau khi trừ chi phi, bà con còn lãi từ 200 triệu đến 250 triệu đồng, cao gấp 8 - 10 lần so với trồng lúa năng suất cao. Để cây thanh long phát triển bền vững, tỉnh quy hoạch các vùng sản xuất thích hợp, áp dụng khoa học công nghệ để nâng sức cạnh tranh của trái thanh long cũng như giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa.

Trồng nấm linh chi đỏ ở đảo Phú Quốc cho thu nhập cao

Nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và gắn ứng dụng mới vào sản xuất, thời gian qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn HPQ đã đưa giống linh chi đỏ ra trồng tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), bước đầu đem lại hiệu quả khá cao.

Trong một lần đến tham quan tại huyện đảo Phú Quốc, bà Ngô Thị Cẩm Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH HPQ nhận thấy ở Phú Quốc có đủ cả yếu tố về thời tiết và nguyên liệu để trồng cây nắm linh chi đỏ. Do vậy bà Hạnh đã chọn nơi đây (khu phố 4, thị trấn An Thới) hình thành Công ty trồng nấm linh chi. Lúc đầu, Công ty chỉ với vài trăm phôi giống để trồng thử nghiệm, đến nay đã phát triển được hơn 15.000 phôi giống, trung bình mỗi vụ từ 4 - 6 tháng, thu hoạch được trên 50 kg (giá bán hiện nay gần 2 triệu đồng/kg) nấm linh chi thương phẩm.

Mô hình trồng nấm linh chi đỏ có ưu điểm là thân thiện với môi trường, sử dụng nước ngầm tự nhiên để tưới, nên đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đặc biệt, sau khi sử dụng nấm, nguyên liệu còn dùng để tái sử dụng trồng nấm bào ngư xám, đảm bảo cho người tiêu dùng.

Bà Ngô Thị Cẩm Hạnh cho biết, nấm được sản xuất tại huyện đảo, nhưng thị trường đầu ra rất ổn định. Vì vậy, không chỉ phục vụ cho một số tỉnh, thành trong nước, sau này còn phục vụ cho khách nước ngoài đến du lịch tại huyện đảo này.

Ngoài trồng nấm linh chi đỏ, Công ty HPQ còn chủ động bào chế thành những sản phẩm bột linh chi, rượu linh chi, trà linh chi, kem dưỡng da linh chi cung cấp cho thị trường trên đảo, đồng thời cung cấp cho một số đại lý ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ông Lê Đình Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Quốc cho biết, mô hình trồng nấm linh chi của Công ty HPQ góp phần phát triển kinh tế chung cho huyện đảo; trong đó, phục vụ cho khách trong và ngoài nước cũng như người dân tại địa phương. Đây là mô hình mới, sắp tới Hội Nông dân sẽ nhân rộng cho nông dân huyện Phú Quốc. Bên cạnh tăng nhu nhập cho hộ gia đình, còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Với kết quả ban đầu đạt được, Công ty trách nhiệm hữu hạn HPQ đã có kế hoạch cung cấp phôi giống, hướng dẫn bà con trên đảo cùng tham gia mô hình này nhằm phát triển thêm ngành sản xuất mới, vừa nâng cao thu nhập, vừa đảm bảo cung ứng trên thị trường. “Để góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trên đảo, sắp tới Công ty sẽ hướng dẫn làm trại, cung cấp giống, lo đầu ra cho bà con để nấm linh chi phát triển mạnh hơn nữa tại huyện đảo này”, bà Ngô Thị Cẩm Hạnh cho biết./.

Trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao

Nhờ tận dụng, phát huy, tiềm năng, lợi thế đất đai cù lao phù sa màu mỡ và mạnh dạn chuyển dịch cây trồng, huyện Chợ Mới (An Giang) đã thành "vương quốc" cây màu, với vùng trồng gần 35.000 ha/năm, lớn nhất tỉnh, trồng được 3,6 - 6 vụ/năm. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau, màu các loại, đạt giá trị sản xuất từ 500 đến 600 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt năm 2014 đạt giá trị sản xuất 775,69 triệu đồng/ha/năm, chiếm 50% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện, dẫn đầu tỉnh An Giang.

Riêng vụ Đông Xuân 2014 - 2015 nhiều cây rau màu cho lợi nhuận rất cao, như trồng cây mồng tơi lấy hạt xã Long Kiến thu lợi nhuận 280 triệu đồng/ha; cây kiệu ở xã Hội An lãi 250 triệu đồng/ha; cây gừng xã Hội An lãi 200 triệu đồng/ha; cây khoai cao xã Hội An, Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân lãi từ 150 - 170 triệu đồng/ha; dưa hấu ở xã ở xã Long Kiến thu lãi 85 triệu đồng/ha; trồng ấu ở xã Hoà Bình, lãi 50 triệu đồng/ha….. cao gấp 10 lần trồng lúa.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hậu, Phó phòng Nông nghiệp huyện Chợ Mới cho biết, mặc dù là huyện thuần nông, lúa là cây chủ lực, nhưng diện tích lúa toàn tỉnh ngày càng mở rộng, tăng từ 2 vụ lên 3 vụ/năm, nên sản lượng ngày càng tăng, cung vượt cầu, đầu ra khó khăn. Vì vậy lãnh đạo huyện có chủ trương, khuyến cáo nông dân chọn lọc cây trồng ngắn ngày, phong phú, đa dạng chủng loại, phù hợp thổ nhưỡng, năng suất cao, đầu ra tốt để triển khai chuyển dịch cây trồng. Nhiều cây rau, màu có giá trị kinh tế rất cao được đưa vào thay thế cây lúa, như khoai môn, kiệu, ớt, ngô bao tử và rau dưa các loại... Đồng thời ưu tiên đầu tư cải tạo thủy lợi nội đồng, đê bao khép kín 26 tiểu vùng trên 5.830 ha chuyên canh cây màu, diện tích còn lại trên 6.000 ha trồng xen với cây ăn trái... đã góp phần cho cây màu Chợ Mới sản xuất được quanh năm, ổn định, ăn chắc. Hiện nay, nông dân Chợ Mới đã đưa vào trồng gần 50 chủng loại màu, rau dưa ăn lá, cây gia vị....

Nông dân Nguyễn Minh Hùng ở ấp Hòa Hưng, xã Kiến An cho biết, gia đình anh hiện canh tác 0,25 ha trồng lúa. Từ khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng, anh đã chuyển toàn bộ diện tích lúa sang trồng ớt. Từ khi xuống giống trồng đến thu hoạch dứt điểm là 6 tháng, giá ớt giao động theo nhu cầu của thị trường từ 10.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lợi nhuận từ 100 - 300 triệu đồng/vụ. Thời gian còn lại anh trồng thêm 1 vụ cải và 1 vụ hành lá thu lãi trên 130 triệu đồng. Còn đối với nông dân cùng địa phương Lê Văn Dẹp, sản xuất 0,4 ha lúa. Từ chủ trương của huyện, năm 2012 anh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn chủ yếu các loại rau dưa ngắn ngày, ít vốn, dễ tiêu thụ, như bắp cải, cải Tùa xại, củ cải, ngô bao tử, đậu bắp Nhật… có thời gian sinh trưởng từ 20 ngày - 28 ngày/vụ tùy loại, thu về lợi nhuận hàng năm trên 100 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hậu cho biết thêm, để giúp cho nông dân yên tâm bám trụ với ruộng rẫy, huyện đã hình thành 2 chợ nông sản tại xã Kiến An, Hội An, cùng với hơn 20 điểm đầu mối tập kết, thu mua rau, màu của các thương lái, giúp nông dân có địa chỉ cố định để bán nông sản, tiêu thụ sản phẩm. Huyện còn triển khai mô hình sản xuất rau, màu theo tiêu chuẩn VietGap, cho ra sản phẩm rau, màu chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện bình quân mỗi ngày nông dân Chợ Mới cung cấp cho thị trường từ 100 - 120 tấn rau, màu các loại.

Theo Phòng Nông nghiệp Chợ Mới, hiện diện tích rau, màu của huyện là 12.000 ha, bằng 50% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn huyện, trong đó có trên 5.830 ha vùng chuyên canh tại xã Kiến An, Mỹ An, Hội An….. Năm 2015, huyện Chợ Mới có kế hoạch xuống giống 34.000 ha, vụ Đông Xuân 2014 - 2015 gieo trồng trên 12.000 ha rau màu, vượt trên 1.000 ha so kế hoạch, vụ Hè Thu bà con nông dân tiếp tục gieo trồng khoảng 12.000 ha.

Nguồn: vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet