Nông sản , thực phẩm

Tại Cà Mau giá lúa giảm 100 đ còn 5.800 đ/kg, các loại gạo nguyên liệu và thành phẩm xuất khẩu giảm khá mạnh: Nguyên liệu loại 1 igamr 300 đ còn 6.600 đ/kg, loại 2 giảm 500 đ còn 6.200 đ/kg, thành phẩm 5% giảm 450 đ còn 7.500 đ/kg; 25% giảm 350 đ còn 7.000 đ/kg.

Giá thịt bò tại Cà Mau giảm 10.000 đ còn 165.000 đ/kg, gà công nghiệp làm sẵn giảm 5.000 đ còn 60.000 đ/kg trong khi gà ta sống tăng 5.000 đ lên 95.000 đ/kg; giá thu mua tôm sú nguyên liệu loại 1 giảm 5.000 đ còn 235.000 đ/kg, loại 2 tăng 5.000 đ lên 165.000 đ/kg, loại 3 đứng ở mức 150.000 đ/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2013, thị trường sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá sản phẩm chăn nuôi theo xu hướng giảm, giá bán ra thị trường thấp hơn giá thành sản phẩm, người chăn nuôi hiện không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp.

Phân bón

Thị trường phân bón trong nước ít biến động, mặc dù lượng hàng tiêu thụ có tăng do nhu cầu của vụ hè thu và dự trữ cho mùa mưa. Tuy nhiên khác với mọi năm, do chủ động được nguồn cung phân đạm ure nên thị trường phân bón, đặc biệt là phân ure nên đã không xảy ra tình trạng đầu cơ tích trữ dẫn tới khan hiếm hàng sốt giá.

Tại chợ Trần Xuân Soạn, Q7, TPHCM giá các chủng loại phân bón tạm chững lại. Giá phân Ure NK đạt ở mức giá 11.500 đ/kg; phân DAP Philippines 15.200 đ/kg và super lân giá 6.000 đ/kg.

Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng phân ure ước đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 35,4% so với cùng kỳ 2012; phân NPK đạt hơn 1,2 triệu tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ. Trong tháng 7 và tháng 8 này, do là thời kỳ thấp điểm nên nguồn cung phân bón dự báo sẽ ổn định cả về lượng và giá.

Thị trường váng sữa: ngoại lấn nội

Xuất hiện trên thị trường chưa lâu nhưng váng sữa là loại thực phẩm được nhiều gia đình lựa chọn. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang bị bủa vây bởi “ma trận” thương hiệu đến từ nước ngoài.

Phổ biến trên thị trường đa phần là váng sữa ngoại nhập, với giá thành cao. Điển hình như váng sữa Monte (nhập khẩu từ Đức), giá bán 56.000 đồng/lốc (4 hộp), trọng lượng 55g/hộp; váng sữa Ariba (Đức), giá bán 46.000 đồng/lốc (4 hộp) (62,5g/hộp), váng sữa Monte vani (Pháp), giá 56.000 đồng/lốc (4 hộp), váng sữa Mont Blanc (Pháp), giá 96.000 đồng/lốc; váng sữa Mikus (Nga), giá 40.000 đồng/lốc…

Bên cạnh hàng nhập khẩu chính ngạch từ Pháp, Đức, Nga, còn có nhiều loại váng sữa được giới thiệu là hàng xách tay cũng từ các thị trường trên, với các mức giá khác nhau, giá đắt đỏ, có loại đến 100.000 đồng/hộp 360g.

Hiện các DN trong nước sản xuất mặt hàng này rất ít. Trên thị trường, váng sữa Mộc Châu có giá 19.000 đồng/hộp loại 200g. Nếu so với váng sữa nhập khẩu loại trung bình là Fontana hương vị vani của Đức giá 34.000 đồng/lốc (4 hộp), 62,5g/hộp thì giá cả váng sữa nội hợp túi tiền của đa số người dân Việt Nam.

Sản xuất và tiêu thụ thép tiếp tục trầm lắng

Sản xuất và tiêu thụ thép trong nước trong 6 tháng đầu năm tiếp tục trầm lắng do sức mua thấp trong bối cảnh nhiều dự án bất động sản và xây dựng bị chậm tiến độ hoặc tạm ngừng triển khai.

Theo Bộ Công Thương, sản lượng sắt thép thô sản xuất trong 6 tháng qua chỉ đạt gần 1,4 triệu tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ 2012, trong đó sản lượng thép của Tổng Công ty Thép Việt Nam đạt 744.600 tấn.

Ngành thép tiếp tục đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ thép nhập khẩu có chất lượng thấp nhưng giá rẻ. Bên cạnh đó, sản xuất trong nước còn đối mặt với tình trạng thiếu quặng sắt đạt tiêu chuẩn để sản xuất trong khi tình trạng xuất lậu quặng thép vẫn tiếp diễn.

Hiện giá thép bình quân đã giảm từ 2-5% so với thời điểm cách đây 1 tháng. Cụ thể thép cây thông dụng ở mức 12,7-13,77 triệu đồng/tấn, thép cuộn từ 12,7-13,62 triệu đồng/tấn.

 
 

Nguồn: Vinanet