TP.HCM bình ổn giá 6 loại sữa

UBND TP.HCM vừa ký quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa trên địa bàn TP năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013.

Những mặt hàng tham gia chương trình gồm sữa bột và sữa nước với 6 dòng sản phẩm: Trong đó gồm sữa bột dành cho trẻ em, người cao tuổi, người bệnh, bà mẹ mang thai, sữa bột chức năng (dành cho người giảm cân, bệnh tiểu đường và người gầy); sữa nước là sữa dinh dưỡng dành cho gia đình, sữa dinh dưỡng bổ sung vi chất.

Theo UBND TP.HCM, các doanh nghiệp tham gia chương trình phải có uy tín, năng lực kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng sữa với số lượng ổn định và xuyên suốt chương trình.
Lượng hàng hóa tham gia chương trình là 10.346,4 tấn/năm (sữa bột: 1.782 tấn/năm; sữa nước: 8.564 tấn/năm), tăng trên 70% so với Chương trình bình ổn năm 2011 và chiếm khoảng 30%-35% nhu cầu tiêu dùng thị trường TP.

Hai công ty tham gia là Công ty CP Sữa Việt Nam và Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm. Thời gian thực hiện chương trình từ 1/4/2012 đến 31/3/2013.

Mua tạm trữ được trên 500.000 tấn gạo

Theo báo cáo tổng hợp, đến nay 89 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong diện được phân bổ chỉ tiêu đã thu mua tạm trữ trên 500.000 tấn gạo trên tổng số 1 triệu tấn gạo tạm trữ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Với tiến độ thu mua như trên, bình quân mỗi ngày có khoảng 33.000 tấn gạo đã được thu mua. Tuy nhiên, giá lúa gạo thu mua vẫn chưa cải thiện đáng kể đối với đời sống người dân, hiện chỉ đạt 5.100-5.450 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 khoảng 2.400 đồng/kg.

Theo đánh giá của VFA, với tốc độ thu mua như trên, đến 15.4, tiến độ thu mua tạm trữ sẽ được hoàn tất với mức giá có lợi cho nông dân hơn.

Chế biến rau quả, sản xuất phân bón tồn kho lớn

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 1.3.2012, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm 2011.

Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng khá cao là: Chế biến và bảo quản rau quả tăng 87,2%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 62,7%; sản xuất sắt, thép tăng 59,1%; sản xuất các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng 58%; sản xuất xi măng vôi, vữa tăng 55%; sản xuất xe có động cơ tăng 38,7%. Đây cũng là những ngành có chỉ số tồn kho liên tục tăng cao trong những tháng gần đây.

Nguyên nhân tồn kho tăng cao là do năng lực tiêu dùng suy giảm. Điều đáng báo động là chỉ số hàng tồn kho liên tục tăng cao trong nhiều tháng nay đang cho thấy thị trường hàng hóa đang bị tắc nghẽn, hàng sản xuất ra không bán được.

Cà phê

Giá cà phê nhân xô hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 400 đồng xuống 39.300 – 39.400 đ/kg so với ngày hôm qua.

Giá cà phê xuất khẩu FOB (HCM) được chào ở mức 1.980 USD/tấn, với mức trừ lùi là 30.

Nghệ An: giá chanh tăng cao

Tại Nghệ An giá chanh đang ở mức cao kỷ lục trong vòng 2 năm nay. Tại các chợ trên địa bàn tỉnh, giá chanh dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg (loại 15 đến 20 quả/kg). Giá chanh tăng cao do vào thời điểm này các vườn chanh trên địa bàn tỉnh không có trái để bán do chưa đến mùa.

Đối với cây chanh, tại Nghệ An đang tồn tại một nghịch lý là có mùa, chanh lại dư thừa, giá chanh rẻ như cho (khoảng 5.000 đ/kg), nhưng cũng có mùa, giá chanh tăng cao do khan hiếm. Mùa khan hiếm chanh thường từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, cũng là thời điểm nhu cầu chanh cần nhiều do cần giải khát trong mùa hè.

Phí hàng hải tăng cao, lao đao doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, hầu như mỗi tháng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đều nhận được thông báo tăng phí và phụ phí của các hãng tàu.

Nhìn chung, mỗi container 20 feet hàng đi châu Âu phải trả 1.350 đô la Mỹ tiền cước, cộng với các khoản phí nâng hạ container, vận đơn (Bill of Lading) và nhiều khoản phí khác vừa tăng giá kể trên, lên đến gần 2.000 đô la Mỹ. Doanh nghiệp xuất khẩu mặc dù chủ yếu bán hàng theo điều kiện FOB, tức là nhà nhập khẩu sẽ chịu tiền cước vận tải, bảo hiểm và một số khoản phí nhưng vẫn phải đóng hàng loạt khoản phí và phụ phí, trong ngành gọi là phí địa phương (local charge) như phí nâng hạ container, vận đơn, phí khai báo hải quan...

Nhiều doanh nghiệp chủ yếu xuất bán nguyên liệu thô hoặc hàng gia công giá trị không cao. Tình hình của doanh nghiệp nhập khẩu thậm chí còn nặng nề hơn vì phải gánh giá cước và các khoản phí ngoài cước. Đại diện Công ty liên doanh Giao nhận HL Cargo cho biết giá cước vận tải đi châu Âu hiện nay đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý do chính tăng phí là để bù đắp cho các khoản lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải toàn cầu trong năm 2011. Chi phí xăng dầu tăng cũng là một trong những nguyên nhân để các hãng tàu tăng phí và phụ phí.

Sầu riêng hút khách Trung Quốc

Nhiều chủ vườn sầu riêng ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết thương lái người Trung Quốc đang lùng mua sầu riêng để đưa về Trung Quốc tiêu thụ.

Họ vào tận vườn xem sầu riêng và ký hợp đồng thu mua với số lượng, tiêu chuẩn cụ thể, giá cả cao hơn giá thị trường khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Theo ông Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, thương lái vào vườn thu mua sầu riêng là chuyện mua bán bình thường, tuy nhiên nhà vườn cần ký hợp đồng chặt chẽ để tránh cảnh “dội chợ, rớt giá” giống một số mặt hàng nông sản từng được thương lái Trung Quốc thu mua như dừa khô, khoai lang, khoai mì.

Huyện Cai Lậy có hơn 5.000 ha vườn sầu riêng, giá bán sầu riêng trái hiện nay khoảng 20.000-30.000 đồng/kg. Do thương lái Trung Quốc tranh mua sầu riêng nên những ngày gần đây, một số thương lái trong nước đã hái sầu riêng chưa già về xử lý thuốc thúc chín, làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu sầu riêng của huyện.

Nguồn: Vinanet