*Tăng giá thu mua sữa nguyên liệu

Trưởng bộ phận phát triển ngành sữa của Friesland Campina VN, cho biết từ ngày 11-10 sẽ tăng giá mua sữa nguyên liệu lên 900-1.300 đồng/kg so với trước.

Với mức tăng này, giá sữa nguyên liệu từ 8.100-8.200 đồng/kg tăng lên 9.200-9.500 đồng/kg tùy chất lượng sữa. Đại diện Friesland Campina VN cho hay việc tăng giá thu mua giúp người nuôi có thêm lợi nhuận, qua đó phát triển bền vững vùng nguyên liệu của công ty. Hiện mỗi ngày Friesland Campina VN mua 150 tấn sữa nguyên liệu, chiếm 22%-25% sản lượng thu mua cả nước.

FrieslandCampina hiện là doanh nghiệp thu mua sữa nguyên liệu lớn thứ 2 tại Việt Nam, chiếm 25% với khoảng 150 tấn/ngày.

Trước đó, Vinamilk đã tăng giá thu mua nguyên liệu sữa thêm 1.000 đồng/kg.

*Giá đường sẽ chững lại khi vào vụ mới

Thời gian qua, giá bán buôn đường kính trắng và tinh luyện có xu hướng tăng và ở mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Riêng giá đường kính trắng đã tăng làm 3 đợt (đợt một và hai, mỗi đợt tăng khoảng 400 đồng/kg, riêng đợt ba tăng khoảng 200 đồng/kg) hiện đứng ở mức 17.100-17.400 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và 8,1% so với đầu năm 2010.

Dự báo, trong tháng 10 này, các nhà máy bước vào vụ mới sẽ ép được khoảng 600.000 tấn mía, đạt khoảng 50.000 tấn đường. Cộng với lượng đường tồn kho cũng như lượng nhập khẩu khoảng 230.000 tấn có khả năng đáp ứng được nhu cầu trong nước nên giá đường trên thị trường sẽ chững lại.

*Giá mía đầu vụ 800.000 đồng/tấn

Theo tin từ các nhà máy đường ĐBSCL, giữa tháng 10/2010 mới vào vụ mía nhưng từ cuối tháng 9 đã có 3 nhà máy đi vào hoạt động, ép mía sớm.

Giá mía nguyên liệu thu mua tại ruộng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ 750.000 - 800.000 đồng/tấn đối với mía 7-8 chữ đường (giá mía năm ngoái là 600.000 đồng - 700.000 đồng/tấn).

Trước đó, các nhà máy đường trong khu vực cũng đã nhiều lần họp bàn đưa ra mức giá khung cho vụ mía năm nay là 1 triệu đồng/tấn đối với mía có 10 chữ đường giao tại nhà máy.

*Nhu cầu phân bón cho vụ đông sẽ tăng cao

Nhu cầu phân bón trong nước thời gian tới được dự báo sẽ tăng để phục vụ cho vụ Đông.

Nguồn cung cần đạt tới 3,6 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu, trong khi đó sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 2,5 triệu tấn, như vậy các doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu khoảng 1,1 triệu tấn. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho hay, do phải nhập khẩu khoảng 40% lượng phân bón nên giá phân bón trong nước còn chịu tác động khá mạnh từ sự biến động của giá thế giới.

Một số doanh nghiệp đang có hiện tượng kìm trữ lượng phân bón đã nhập khẩu từ lúc giá thấp để chờ giá thị trường tăng mới bán ra.

*Giá tôm sú nguyên liệu tại Cà Mau liên tục tăng

Kể từ đầu tháng 10 đến nay, giá tôm sú nguyên liệu ở tỉnh Cà Mau tăng 20-30.000 đồng/kg, có thời điểm tăng đột biến.

Tôm sú loại 30 con/kg trước đây 95.000 đồng/kg, nay giá lên 110.000 đồng/kg, thậm chí có ngày lên 125.000 đồng/kg. Tôm loại 40 con/kg trước đây 80.000 đồng/kg, nay lên 100.000 đồng/kg.

Mặc dù giá tăng cao nhưng thương lái vẫn tấp nập đổ xô đi tìm mua tôm nguyên liệu. Tất cả các nhà máy đều tổ chức mạng lưới, đến tận nhà dân để thu mua, thậm chí nâng giá cao hơn để mua được nhiều tôm nguyên liệu.

Theo các nhà sản xuất tôm đông lạnh, nguyên nhân do thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng sang nhiều nước. Kinh tế của Mỹ và châu Âu đang được phục hồi và tăng trưởng.

Giá tôm sú tăng còn do tôm nguyên liệu thiếu, trong khi các nhà máy chế biến ngày càng phát triển rất cần nguyên liệu sản xuất.

*Vàng giảm mạnh rồi lại tăng, tiến sát 33 triệu đồng/lượng

Giá vàng sáng 7/10 đã hạ nhiệt so với mức tăng “chóng mặt” phiên ngày hôm qua. Chiều qua vàng đã lập mốc đỉnh mới là 33,05 triệu đồng/lượng, cao hơn 1 triệu đồng so với giá thế giới quy đổi. Ngay sau đó Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông tin có thể chấp thuận cho 3 đơn vị nhập vàng với số lượng hạn chế, trong bối cảnh giá thế giới leo thang chóng mặt và trong nước có dấu hiệu khan hàng.

Vào lúc hơn 9h, SJC công bố giao dịch mức 32,72-32,78 triệu đồng/lượng, tương đương giảm gần 300 nghìn đồng/lượng so với mức đỉnh chiều 6/10.

Tuy nhiên, tính đến 11h, vàng SJC tại thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh tăng lên 32,85-32,93 triệụ đồng/lượng (mua vào-bán ra), tương đương tăng gần 200 nghìn lượng so với mức giá mở cửa và thấp hơn 100 nghìn lượng so với mức giá đỉnh chiều qua. Tại Hà Nội, SJC đang giao dịch ở mức 32,85-32,95 triệu đồng/lượng.

Tính từ sau 10h30, vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức giá 32,83-32,98 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Như vậy, mở cửa sáng nay, vàng trong nước chịu áp lực của thông tin cho nhập vàng trở lại. Vàng đã giảm tới khoảng 300 nghìn đồng/lượng nhưng hiện đang điều chỉnh tăng nhanh về mốc 33 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới phiên sáng nay vẫn ở đà tăng. Hiện giá vàng chỉ cách mốc đỉnh chiều qua khoảng 50 nghìn đồng/lượng.

 

Nguồn: Vinanet