Lúa gạo: ổn định đến giảm

Trong tuần qua, giá lúa gạo trong nước ở xu thế ổn định đến giảm so với tuần trước đó. Cụ thể, tại ĐBSCL, giá lúa khô tuần qua không đổi với lúa hạt dài (lúa loại 1) duy trì  ở mức 5.500 – 5.600 đ/kg, lúa thường (loại II) ở mức 5.200 – 5.300 đ/kg.

Giá gạo nguyên liệu tuần qua trong khi đó quay đầu đi xuống, với loại I làm ra gạo 5% tấm giảm từ mức 6.700 – 6.800 đ/kg xuống còn 6.600 – 6.700 đ/kg, loại II làm ra gạo 25% tấm từ mức 6.600 – 6.650 đ/kg, xuống còn 6.400 – 6.500 đ/kg.

Giá gạo thành phẩm xuất khẩu không bao bì tại mạn trong tuần qua cũng ở xu thế giảm. Cụ thể, giá gạo 5% tấm giảm từ mức 7.750-7.850 đ/kg xuống còn 7.600 – 7.650 đ/kg, gạo 15% tấm từ mức 7.350 – 7.400 đ/kg xuống còn 7.250 – 7.300 đ/kg, gạo 25% tấm từ mức 7.100 – 7.200 đ/kg xuống còn 7.100 – 7.150 d/dkg.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tuần qua cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm do triển vọng nguồn cung tăng trong khi nhu cầu thấp.

Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam giá giảm xuống còn 375-376 USD/tấn, FOB, so với 380-383 USD/tấn một tuần trước đó, thấp nhất kể từ ngày 4/8/2010.

Giá gạo 25% tấm giảm xuống mức 350-355 USD/tấn từ mức 350-365 USD/tấn một tuần trước đó.

Cà phê: giá vẫn nhích nhẹ

Tuần qua, giá cà phê nhân xô thu mua trong nước và chào bán xuất khẩu tiếp tục xu thế đi lên. Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu chào bán đã tăng khá mạnh và mức trừ lùi vốn ở hệ số âm so với hợp đồng kỳ hạn chính tại London trong thời gian qua đã chuyển sang hệ số dương cộng thêm, giúp giảm nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cụ thể, giá cà phê nhân xô tại thị trường Đắk Lắk , Lâm Đồng, Gia Lai, Đăknong đã tăng từ mức 42.900 – 43.300 đ/kg lên đạt 43.100 – 43.500 đ/kg (tùy địa phương và chất lượng).

Giá cà phê xuất khẩu FOB Tp.HCM đã tăng khá mạnh từ 2.003 USD/tấn lên đạt 2.075 USD/tấn.Mức trừ lùi chính thức của giá cà phê xuất khẩu chào bán của nước ta so với hợp đồng kỳ hạn chính giao tháng 7/2013 tại London đã chuyển từ mức -40 USD/tấn trong tuần trước đó sang +30 USD/tấn trong tuần qua.

Giá tôm nguyên liệu tăng trở lại

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Cà Mau, tuần qua giá tôm nguyên liệu đã biến động mạnh. Giá tôm sú loại 30 con/kg tăng 5.000 đ/kg so với tuần trước lên 175.000 đ/kg. Giá tôm các loại 20 con/kg và 40 con/kg giữ ổn định lần lượt 230.000 đ/kg và 150.000 đ/kg.

Giá tôm thẻ chân trắng cỡ lớn từ 50 con/kg đến 80 con/kg tăng từ 5.000 đ/kg đến 7.000 đ/kg so với tuần trước. Tuy nhiên, giá các loại tôm chân trắng cỡ nhỏ hơn 90 con/kg và 100 con/kg giảm 7.000 đến 8.000dd/kg so với tuần trước. Giá tôm bạc cũng giảm 2.000 đ/kg xuống còn 35.000 đ/kg.

Giá tôm tuần qua tăng chủ yếu do nhu cầu thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản, đặc biệt đối với các loại tôm sú và tôm chân trắng cỡ lớn.

Xuất khẩu gạo đạt 2,226 triệu tấn

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, từ ngày 1/5 đến ngày 9/5/2013 Việt Nam đã xuất khẩu được 74.769 tấn, trị giá FOB 30,533 triệu USD, trị giá CIF 32,781 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay, nước ta đã xuất được 2,226 triệu tấn, trị giá FOB 972,951 triệu USD, trị giá CIF 1,014 triệu USD.

Hiện giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 4.950 – 5.050 đ/kg, lúa dài khoảng 5.150 – 5.250 đ/kg.

Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.600 – 6.700 đ/kg tùy từng địa phương. Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.450 – 6.550 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.550 – 7.650 đ/kg, gạo 15% tấm 7.300 – 7.400 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.050 – 7.150 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

Thống nhất tên gọi các loại sữa

Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã tổ chức họp với các bộ, ngành liên quan bàn các giải pháp bình ổn thị trường sữa.

Theo đó, cần triển khai nghiên cứu,đề xuất hướng tới xử lý để có sự thống nhất về tên gọi; phân loại từ khâu nhập khẩu tới khâu lưu thông tại thị trường trong nước để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế; bổ sung đưa vào đối tượng thuộc dạng kê khai giá, bình ổn giá; thống nhất về việc ghi nhãn trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật liên quan; kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan, vi phạm về thông tin quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm…

Cá tra giống tồn đọng nhiều

Cá tra giống tại Đồng Tháp hiện đang tồn đọng khá lớn với khoảng 50 triệu con do không có “đầu ra”, mặc dù giá cá giống đã giảm khoảng 50%, chỉ còn trên 20.000 đ/kg nhưng vẫn không bán được. Nhiều ao cá giống đang quá lứa người nuôi gặp khó.

Huyện Hồng Ngự có vùng ương nuôi cá tra giống lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với 75 cơ sở sản xuất cá tra giống nhân tạo, đáp ứng cho thị trường khoảng trên 15 tỷ cá tra bột, 836 triệu cá giống mỗi năm. Thời gian qua, Ngành nông nghiệp huyện đã hỗ trợ cho ngành thủy sản cải thiện di truyền đàn cá hậu bị từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thay thế đàn cá bố mẹ kém chất lượng, quy hoạch vùng nuôi cá tra tập trung.

Theo UBND huyện Hồng Ngự, giá cá tra thương phẩm luôn sụt giảm, hiện nay chỉ còn 21.000 đ/kg, người nuôi phải chịu lỗ từ 3.500 – 4.000 đ/kg so với giá thành, kéo theo tình trạng cá giống không tiêu thụ được. Nhiều diện tích ương nuôi cá giống đã chuyển sang nuôi những loại thủy sản khác. Riêng diện tích ương nuôi cá tra giống trên địa bàn huyện đã giảm 110 ha.

Nguồn: Vinanet