Xăng giảm 700 đ/lít

Liên Bộ Tài chính - Công Thương thống nhất điều hành kinh doanh xăng dầu trong nước theo hướng, "toàn bộ phần chênh lệch giữa giá cơ sở thấp hơn giá bán hiện hành được sử dụng để vừa điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu trong nước kết hợp với khôi phục thuế suất thuế nhập khẩu".

Theo đó, kể từ 16 giờ ngày hôm nay (21/6/2012), Bộ Tài chính sẽ khôi phục lại thuế suất thuế nhập khẩu của xăng thêm 3%; các loại dầu thêm 2% (xăng từ 7% lên 10%, điêzen từ 6% lên 8%; dầu hỏa, madut từ 8% lên 10%).

Toàn bộ phần chênh lệch còn lại sau khi khôi phục thuế suất thuế nhập khẩu như trên được thực hiện để giảm giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu trong nước, trong đó: Xăng giảm 700 đồng/lít (xăng RON 92 từ 21.900 đồng/lít giảm xuống còn 21.200 đồng/lít); Dầu điêzen giảm 400 đồng/lít (điêzen 0,05S từ 20.500 đồng/lít giảm xuống còn 20.100 đồng/lít); Dầu hỏa giảm 350 đồng/lít (từ 20.400 đồng/lít xuống còn 20.050 đồng/lít); Madut giảm 300 đồng/kg (từ 18.250 đồng/kg xuống còn 17.950 đồng/kg).

Giá bán các chủng loại xăng, dầu khác giảm tương ứng với từng chủng loại xăng, dầu trên cùng thị trường. Đồng thời, giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế 300 đồng/lít,kg như quy định hiện hành...

Đề xuất áp dụng giá sàn để giữ giá cá tra

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đề nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ chấp thuận chủ trương ban hành giá sàn thu mua và xuất khẩu cá tra.

Tổng giám đốc Công ty Cafatex, cho biết áp lực phải trả tiền ngân hàng buộc các doanh nghiệp phải giảm giá bán hàng càng sớm càng tốt, doanh nghiệp càng lớn phải bán càng nhiều làm cho tình hình càng tồi tệ hơn. Sau khi bán, các doanh nghiệp quay lại ép giá nông dân. Nếu không sớm ban hành giá sàn cá tra xuất khẩu và giá cá tra trong nước, tình hình sẽ ngày càng tồi tệ thêm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tác động để Chính phủ hỗ trợ gói tín dụng 4.200 tỉ đồng cứu người nuôi cá và doanh nghiệp

Giá thành sản xuất lúa cao nhất 4.540 đồng/kg

Bộ Tài chính vừa công bố mức giá thành sản xuất lúa bình quân vụ hè thu năm 2012 tại ĐBSCL. Theo đó, mức giá thành sản xuất từ 3.524-4.540 đồng/kg. Cụ thể trong số 13 tỉnh thuộc ĐBSCL, Tiền Giang có mức giá thành sản xuất lúa cao nhất lên tới 4.540 đồng/kg. Còn An Giang có giá thành sản xuất lúa 3.607 đồng/kg, Bạc Liêu 3.713 đồng/kg...

Căn cứ vào mức giá thành trên, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp, cá nhân mua lúa với giá định hướng đảm bảo mức lãi tối thiểu cho người sản xuất lúa vụ hè thu năm 2012.

Xăng giảm, nhưng giá cước vận tải vẫn đứng yên

Từ ngày 9-5 đến nay đã bốn lần liên tiếp Bộ Tài chính điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu, với mức giảm giá dầu DO tổng cộng là 1.800 đồng/lít. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn “đánh trống lảng” khi nhắc đến việc giảm giá cước vận chuyển.

Đến thời điểm này, giá bán lẻ dầu DO đã xuống mức thấp hơn hồi đầu năm nay nhưng giá cước vận tải lại đang đứng ở mức cao hơn so với cùng thời điểm, mặc dù các lý do để tăng giá cước trong tháng 3 và 4 vừa qua là do giá dầu tăng.

Ngày 22-6, một ngày sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 300-700 đồng/lít, các doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển hàng hóa vẫn im hơi lặng tiếng. Trước đó, trong các đợt giảm giá xăng dầu ngày 9-5, 23-5 và 7-6, các doanh nghiệp vận tải cũng trì hoãn giảm cước với lý do giá dầu DO chỉ giảm được “chút ít”, không thấm tháp vào đâu so với giá cước trên thị trường. Sau lần giảm giá xăng dầu thứ tư liên tiếp vào ngày 21-6, giới kinh doanh dịch vụ vận tải với lý do mức giảm giá dầu DO chỉ 400 đồng/lít, không đáng kể để điều chỉnh cước vận chuyển hàng.

Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu. Đồng thời bộ cũng đề nghị các sở tài chính địa phương hướng dẫn và kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rà soát, thực hiện kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã giảm. Việc giảm giá cước vận tải là để góp phần bình ổn giá nhiều mặt hàng trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu vì giá cước vận tải chiếm phần không nhỏ trong chi phí đầu vào của nhiều mặt hàng. Đơn vị vận tải nào đã tăng giá trước đó thì bây giờ buộc phải giảm giá khi giá xăng dầu giảm mạnh. Hiện nay, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đang tập hợp báo cáo của các sở tài chính địa phương về tình hình đăng ký lại giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Giá gas sẽ giảm tiếp

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, tính đến nay đã có 5 doanh nghiệp kinh doanh gas (LPG) gửi hồ sơ đăng ký tăng giá tại cục, sau khi Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu gas từ 0% lên 5% vào tuần trước. Các DN này đang ký tăng giá trung bình từ 10.764 đồng đến 12.000 đồng/bình 12 kg. Theo tính toán của Cục Quản lý Giá, mức tăng giá này là hợp lý.

Trong khi đó, đại diện nhiều công ty gas đầu mối cho biết, giá gas trên thị trường thế giới những ngày qua tiếp tục xu hướng giảm của những tháng trước. Đến cuối tuần vừa qua, giá hợp đồng (Giá CP) giảm 130 USD/tấn so với mức giá 722,5 USD/tấn chốt hồi đầu tháng. Nếu mức giảm này được duy trì đến cuối tháng thì giá bán lẻ trong nước sẽ giảm khoảng 38.000 đ/bình 12 kg. Nhờ vậy, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ quanh mức 310.000 đ/bình.

Sắt, thép vật liệu xây dựng

Giá thép, xi măng giảm

Giá thép cuộn phi 6, phi 8 ở thành phố Cần Thơ đang ở mức 17.300-17.500 đồng/kg.

Giá bán lẻ các loại thép xây dựng tại thành phố hiện giảm 700-1.000 đồng/kg so với cách nay 1 tháng.

Hiện giá bán lẻ nhiều loại xi măng cũng giảm khoảng 1.000-2.000 đồng/bao 50kg so với tháng trước. Tại nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng, xi măng Tây Đô PCB 30 giá còn ở mức 80.000-81.000 đồng/bao, xi măng PCB 40 khoảng 84.000-85.000 đồng/bao...Giá thép và xi măng giảm chủ yếu do các nhà máy sản xuất chủ động giảm giá nhằm “kích cầu” thị trường trong tình hình sức tiêu thụ yếu.

Theo chủ nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, gần đây để giải phóng bớt lượng hàng tồn kho, nhiều nhà máy sản xuất thép và xi măng trong nước đã chủ động giảm giá và tăng cường chiết khấu, khuyến mãi cho đại lý. Dự đoán giá thép, xi măng và nhiều loại vật liệu xây dựng sẽ có xu hướng còn giảm trong thời gian tới do vào mùa mưa người dân ít khởi công mới các công trình xây dựng.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm mạnh

Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 400-410 USD/tấn, giảm 20-30 USD/tấn so với hồi tháng 5.

Theo thông tin của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo 25% tấm của Việt Nam hiện chỉ còn từ 360-370 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của các nước khác vẫn giữ nguyên giá hay tăng mạnh như gạo của Ấn Độ.

Hiện mặt hàng gạo 5% tấm, giá của Thái Lan đang ở mức giá 590 USD/tấn, Ấn Độ là 440-450 USD/tấn. Còn giá gạo 5% tấm của Pakistan từ 460-470 USD/tấn.

Ở loại gạo 25% tấm, giá của Thái Lan hiện là 570-680 USD/tấn, Ấn Độ 385-395 USD/tấn, Pakistan 405-415 USD/tấn.

Giá cà phê robusta trong nước tăng thêm 400 nghìn đồng/tấn

Ngày 28/8, cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã đồng loạt tăng lên 43,1-43,2 triệu đồng/tấn, tiến sát mức giá đạt được hồi cuối tháng 5.

Như vậy, giá cà phê thu mua trong nước đang tiếp tục ổn định ở mức cao và  duy trì khoảng cách về tốc độ tăng với giá cà phê robusta thế giới.

Giá cà phê robusta Việt Nam giao tại cảng FOB (HCM) tăng 10 USD so với hôm qua lên 2.080 USD/tấn nhưng tụt xuống mức trừ lùi 20 USD so với giá giao tháng 9 trên sàn London.
Giá cà phê trong nước tăng mạnh do giá robusta trên sàn London tăng phiên giao dịch đêm qua. Cụ thể, giá giao tháng 7 tăng 20 USD lên 2.062 USD/tấn, tương đương tăng 0,97%. Giá giao tháng 9, hợp đồng giao dịch sôi động nhất tăng 18USD lên 2.098 USD/tấn, tức tăng 0,86%.

 

Nguồn: Vinanet