Theo báo cáo của Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá thực phẩm thế giới giảm 0,6% trong tháng 5 so với tháng trước đó bởi giá đường và ngũ cốc giảm mạnh. Chỉ số 55 loại lương thực thực phẩm đã giảm xuống 164 điểm so với 165 điểm của tháng 4. Chỉ số giá trong tháng 1 là 174 điểm.

Mức đỉnh cao của chỉ số giá thực phẩm trong những năm gần đây là vào mùa xuân năm 2008, với 214 điểm.

Giá đường và ngũ cốc quốc tế giảm là một trong những yếu tố chính làm giảm chỉ số giá thực phẩm trong tháng vừa qua. Giá sữa và ngũ cốc tăng trong tháng vừa qua, và chỉ số giá dầu và mỡ giảm. Giá thịt không thay đổi.

Giá các thực phẩm chính đã giảm trong 5 tháng đầu năm 2010. Mặc dù chỉ số giá thực phẩm giảm gần đây, giá trung bình của rổ các loại thực phẩm vẫn cao hơn 69% so với 6 năm trước đây.

Hầu hết các chỉ số cho thấy nguồn cung trên toàn cầu đang tăng lên, đẩy giá các lương thực thực phẩm chính giảm trong năm nay.

“Bùng nổ giá thực phẩm trong năm 2008 – 2009 làm gia tăng diện tích trồng trọt và làm tăng sản lượng nhiều loại cây trồng, khôi phục các kho dự trữ và làm tăng tỷ lệ dự trữ - sử dụng”.

Đường đã giảm một nửa so với mức đỉnh cao hồi đầu năm nay do triển vọng sản lượng tăng mạnh. Chỉ số giá đường giảm xuống 214 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, so với 233 điểm của tháng trước đó. Hồi tháng 1/2010, đường đã lập mức giá cao kỷ lục của 30 năm, trung bình là 583 USD/tấn.

Giá ngũ cốc giảm ít hơn, giảm khoảng 10%, song dự kiến sản lượng cao sẽ ép giá giảm hơn nữa.

Giá hạt có dầu cho tới nay cũng giảm mạnh, mặc dù nhu cầu vẫn cao và nguồn cung khan hiếm hơn là thị trường ngũ cốc. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy giá hạt có thể sẽ giảm hơn nữa trong những tháng tới bởi nguồn cung tăng sẽ làm giảm bớt tình trạng thiếu cung hiện nay.

Trái lại, giá thịt đã tăng mạnh từ đầu năm tới nay, chủ yếu do sản lượng giảm trong khi tiêu thụ tăng. Lĩnh vực thuỷ sản có lợi nhờ nhu cầu hồi phục, trong khi nguồn cung khan hiếm. Thị trường cá hồi Đaị tây dương vẫn trong tình trạng rất khan hiếm bởi nguồn cung thấp và dịch bệnh trong lĩnh vực nuôi thả thuỷ sản ở Chilê. Thị trường sữa vẫn vững nhờ nhu cầu mạnh và sản lượng tăng chậm. Triển vọng sản lượng sữa thấp trong khi nhu cầu cao sẽ tiếp tục hỗ trợ giá các sản phẩm sữa.

“Từ đường tới lúa mì, hầu hết các dấu hiệu đều cho thấy nguồn cung trên toàn cầu tăng – yếu tố hậu thuẫn giá giảm trên thị trường thế giới trong năm nay”.

Dấu hiệu khác cho thấy giá có thể giảm trong vài tháng tới. Uỷ ban Ngũ cốc Thế giới cho biết cước phí vận tải tàu cỡ lớn – tàu chở hàng hoá, trong đó có ngũ cốc – chắc chắn sẽ giảm trông năm nay bởi đội tàu thuỷ thế giới được bổ xung nhiều tàu mới.

FAO cũng cho rằng thị trường ngô, lúa mì và đậu tương sẽ ổn định trở lại. Thực tế là những thị trường này đã biến động mạnh trong 12 tháng qua và đang đi dần vào quỹ đạo.

Chi phí thực phẩm nhập khẩu toàn cầu sẽ tăng 11% trong năm nay đạt 921 tỷ USD do nhập khẩu các sản phẩm phi ngũ cốc dự kiến tăng 17%. Thực phẩm phi ngũ cốc chiếm 2/3 tổng chi phí nhập khẩu lương thực thực phẩm toàn cầu.

Giá lúa mì thế giới có thể giảm hơn nữa do nguồn cung dồi dào và xuất khẩu bùng nổ từ các nước vùng Biển Đen.

Lúa mì đã đạt mức giá kỷ lục cao 13,495 USD/bushel tại Chicago năm 2008 và hiện giảm chỉ còn 4,4725 USD/bushel. Năm 2008, lúa mì, gạo và ngô tăng giá quá mạnh đã gây bạo loạn tại nhiều nước đang phát triển, từ Haiti đến Côđivoa

Sản lượng lúa mì toàn cầu dự kiến sẽ giảm năm thứ 3 liên tiếp, nhưng vẫn ở mức cao, 676,5 triệu tấn, nghĩa là gần sát mức cao kỷ lục (682,4 triệu tấn). Trong báo cáo mới nhất mang tên “Triển vọng Lương thực”, FAO dự báo sản lượng lúa mì giảm 0,9% trong năm nay sẽ được bù lại gần như hoàn toàn bởi dự trữ tăng lên lúc đầu vụ, song dự trữ có thể sẽ giảm 1% xuống 194 triệu tấn vào cuối niên vụ 2011 bởi người chăn nuôi tranh thủ lúc giá thức ăn rẻ và nguồn cung dồi dào để tăng cường chăn nuôi gia súc gia cầm. Tuy nhiên, sản lượng cao trong 2 năm qua dư sức bù lại cho sản lượng giảm.

“Tổng cung lúa mì toàn cầu niên vụ 2010/11 cao hơn nhiều so với mức nhu cầu dự kiến”.

Tiêu thụ lúa mì dự kiến sẽ tăng 1,8% lên 675 triệu tấn, và tiêu thụ ngũ cốc thô sẽ tăng 2,1% lên 1,13 tỷ tấn.

Tổng sản lượng ngũ cốc dự kiến tăng 1,2% lên 2,280 tỷ tấn nhờ sản lượng ngũ cốc thô tăng 1,4%. Dự trữ ngũ cốc thế giới cuối vụ 2011 dự kiến tăng 0,9% đạt 533 triệu tấn.

Hồi tháng 5, FAO dự báo tổng sản lượng ngũ cốc năm nay sẽ đạt 2,286 tỷ tấn và lúa mì sẽ đạt 675 triệu tấn.

Báo cáo của FAO viết: “Những dấu hiệu ban đầu cho thấy sản lượng ngũ cốc sẽ đạt gần kỷ lục cao trong niên vụ 2010/11, làm gia tăng hơn nữa lượng dự trữ ngũ cốc, làm gia tăng cả mậu dịch những sản phẩm này”.

Sản lượng ngô sẽ tăng 1,4% lên 835 triệu tấn, so với 815 triệu tấn của niên vụ trước, với sản lượng của Mỹ - nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới – chắc chắn sẽ đạt kỷ lục cao. Giá ngô dự kiến sẽ chịu thêm áp lực giảm do nguồn cung các loại thức ăn chăn nuôi thay thế như lúa mì, khô dầu và một số ngũ cốc khác.

Tổng sản lượng ngũ cốc thô sẽ đạt 1,13 tỷ tấn, so với 1,12 tỷ tấn.

Báo cáo viết: “Kinh tế suy thoái ở nhiều nước trong bối cảnh sản lượng tăng sẽ gây áp lực giảm giá trên thị trường toàn cầu”.

Sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất lớn đang tăng lên bởi nguồn cung tăng, song các nhà xuất khẩu Châu Âu có thể có lợi nhờ đồng Euro giảm giá so với USD.

Ngoài ra, nguồn cung tăng ở khu vực Biển Đen chắc chắn cũng sẽ hậu thuẫn xuất khẩu của EU.

Sản lượng đường toàn cầu dự kiến sẽ tăng 3,5% lên 156,3 triệu tấn trong năm 2009/10, song sẽ vẫn thiếu hụt khoảng 6,3 triệu tấn.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy sản lượng đường thế giới niên vụ 2010/11 chắc chắn sẽ tăng mạnh do diện tích trồng mía tăng bởi nông dân có lợi từ giá tăng và chi phí phân bón rẻ. Điều này có thể dẫn tới tình trạng dư cung lần đầu tiên kể từ niên vụ 2007/08, mặc dù với khối lượng nhỏ.

Dưới đây là các chi tiết dự báo
(triệu tấn)
 
Dự đoán
Ước tính
Hàng hoá
2010/11
2009/10
2010/11
 
Sản lượng
Sản lượng
Dự trữ cuối vụ
Tổng ngũ cốc
2,279,5
2,253,1
532,8
Lúa mì
676,5
682,4
194,1
Ngũ cốc thô
1,130,9
1,115,2
203,6
Gạo
472,0
455,5
n/a
 
2009/10
2008/09
2009/10
Hạt có dầu
448,7
408,6
n/a
Đường
156,3
151,1
54,4
 
2010
2009
2010/11
Ngô
835,0
815,1
160,2
Thịt
286,4
281,4
n/a
Sữa
711,9
699,5
n/a
(Vinanet)