Lúa gạo: ổn định cho đến tăng, giảm tùy theo từng chủng loại

Tại các tỉnh phía Bắc, giá lúa và gạo tẻ thường ở mức phổ biến 6.500 – 8.500 đ/kg và 12.000 – 14.000đ/kg.

Tại các tỉnh phía Nam cụ thể:

Tại An Giang giá lúa và gạo nguyên liệu đứng, gạo thành phẩm xuất khẩu 20% và 25% tăng 100-150 đ lên 7.100 – 7.200 đ/kg.

Tại Đồng Tháp, giá lúa giảm 50-100 đ/kg còn 4.150 – 4.600 đ/kg, gạo nguyên liệu giảm 50-300 đ/kg, loại 1 còn 6.550 đ/kg, loại 2 còn 6.350 đ/kg, gạo thành phẩm xuất khẩu đứng hoặc thay đổi 50-100 đ/kg: 5% đứng 7.400 đ/kg, 15% lên 7.250 đ/kg, 25% lên 6.950 đ/kg.

Tại Tiền Giang giá gạo thành phẩm xuất khẩu giảm 50-100 đ/kg: 5% còn 7.600 đ/kg; 10% còn 7.500 đ/kg, 25% còn 7.150 đ/kg, riêng loại 15% đứng 7.450 đ/kg.

Long An giá lúa tăng 150 đ lên 4.600 đ/kg.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hai tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 421.202 tấn, giảm 34% so với 637.756 tấn cùng kỳ năm 2014.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, cho biết, tính đến hết ngày 9/3, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới thực hiện gần 8% chỉ tiêu mua gạo tạm trữ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp lớn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trong khi các doanh nghiệp nhỏ lại gặp khó do một số ngân hàng còn dè dặt trong việc cho vay. Ông cũng đề nghị lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa gạo tạm trữ.

Sắn và tinh bột sắn: giá sắn lát tại các thị trường biến động nhẹ

Cụ thể:

Miền Bắc, các nhà máy ổn định giá mua vào sắn nguyên liệu ở mức 1.400 – 1.500 đ/kg.

Hoa Lư-Bình Phước, trong ngày 13/3/2015, các kho tiếp tục giữ giá mua vào sắn xô ở mức 3.900-3.950 đ/kg nhưng lượng hàng đưa về vẫn rất hạn chế, đạt trên dưới 1.000 tấn/ngày cho cả cửa khẩu.

Khu vực miền Trung-Tây Nguyên, dù điều kiện không thật sự thuận lợi cho thu hoạch nhưng người dân vẫn tích cực đẩy nhanh để chuẩn bị cho trồng sắn vụ mới.

Tại Quy Nhơn, phía cảng có cam kết với Sở GTVT về việc chịu trách nhiệm kiểm soát việc xe quá khổ quá tải khiến lượng hàng đổ về cảng không nhiều.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tháng đầu tiên của năm 2015, cả nước đã xuất khẩu 44,6,2 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 147,3 triệu USD, tăng 43,9% về lượng và tăng 29,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014, trong đó sắn đạt 199 nghìn tấn, trị giá 46,2 triệu USD, tăng 168,4% về lượng và tăng 182,6% về trị giá.

Theo nguồn tin từ Báo hải quan, thì tới đây Bộ Tài chính đang dự kiến tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát từ 0% lên 5% và mặt hàng ethanol từ 0% lên 3% để khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

Bộ Tài chính cho biết, sản phẩm cồn ethanol (etilich nồng độ trên 99% tính theo thể tích) được sản xuất chủ yếu từ sắn. Hiện hầu hết các nhà máy có công suất lớn, mới xây dựng đều sử dụng sắn làm nguyên liệu để sản xuất.

Theo Bộ Tài chính, khung thuế suất thuế xuất khẩu của mặt hàng sắn lát và cồn ethanol là 0%-10%, tuy nhiên biểu thuế xuất khẩu áp dụng hiện tại cho các mặt hàng này đang là 0%.

Tính toán có thể thấy, đối với mặt hàng sắn lát, với giá thu mua là 4.300.000 đồng/tấn, giá xuất khẩu hơn 4.867.570 đồng/tấn, thuế xuất khẩu là 0%, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lãi hơn 567.570 đồng/tấn.

Nếu điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát từ 0% lên 3%, doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu thêm khoản thuế xuất khẩu là 146.027 đồng/tấn (3% x 4.867.570) thì giá xuất khẩu sẽ còn là 4.721.543 đồng/tấn. Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có lãi so với giá thu mua sắn trong nước 421.543 đồng/tấn.

Nếu điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát từ 0% lên 5%, số lãi doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có thể lãi 324.192 đồng/tấn.

Theo đó, để đảm bảo nhu cầu về nguồn nguyên liệu sắn cho sản xuất ethanol, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát (nhóm 0714) từ 0% lên 5%.

Đối với mặt hàng ethanol, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này từ 0% lên 3% do mặt hàng này được chế biến sâu hơn so với mặt hàng sắn lát, đảm bảo nguyên tắc quy định thuế suất thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu cao hơn so với sản phẩm được chế biến sâu hơn.

Việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu sắn lát (nhóm 0714) lên 5% và thuế xuất khẩu ethanol (nhóm 2207) lên 3% đảm bảo phù hợp với quy định về khung thuế suất thuế xuất khẩu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cà phê: trong tuần giá tiếp tục giảm

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên đồng loạt giảm thêm 700 – 1.000 đồng xuống ở mức 35.500 – 36.200 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, giảm về mức 1.678 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi 40 – 50 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giảm 173 USD/tấn, tương đương giảm 9,2 %, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 3.100 đồng/kg, tương đương giảm 7,93 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn giảm 10,1 cent/lb, tức giảm 7,22 %, mức giảm ít nhất. Đây cũng là tuần lễ có giá cà phê biến động lớn trong nhiều năm qua.

Khu vực trồng cà phê Tây nguyên hiện đang đối diện với tình trạng khô hạn cao điểm của mùa khô hàng năm. Tình trạng này sẽ nguy hại hơn nữa khi xuất khiện hiện tượng thời tiết El Nino trên vành Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015, ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam – Vicofa dự báo sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2014/15 giảm 20% so với vụ trước do cà phê Arabica giảm 30%; cà phê Robusta ở Tây Nguyên bị “cúm” khi ra hoa, kết hợp khô hạn nhiều vùng thiếu nước; lượng cà phê già tiếp tục tăng.

Cao su: trong tuần giá tăng, giảm tùy theo từng chủng loại

Trong phiên giao dịch cuối tuần (13/3) giá cao su tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tăng 300-500 đ/kg so với ngày 12/3 lên mức 28.300 đ/kg đối với mủ cao su RSS3; 22.100 đ/kg cao su SVR10; SVR3L ở mức 28.100 đ/kg và mủ cao su tạp (dạng chén) ở mức 9.800 đ/kg.

Như vậy, trong tuần qua giá cao su biến động tăng giảm tùy theo từng chủng loại

Giá cao su trong tuần  - ĐVT: đ/kg

 
13/03
12/03
10/03
Mủ cao su R33
28.300
27.900
27.800
Cao su SVR10
22.100
22.800
22.800
SVR3L
28.100
27.700
27.600
Mủ cao su tạp (dạng chén)
9.800
9.600
9.600

(Nguồn số liệu: thitruongcaosu.net)

Theo Quy hoạch phát triển sản xuất ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-9-2013 và Quy hoạch phát triển sản xuất sản phẩm cao-su Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 mà Bộ Công thương vừa dự thảo trình Chính phủ trong đó, việc phát triển sản xuất đối với các sản phẩm cao-su trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước đã được ngành công nghiệp hóa chất quan tâm, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm cao-su trong nước có sử dụng nguyên liệu cao-su thiên nhiên đều sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất. Đây sẽ là cơ hội để ngành cao-su đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, do đó các doanh nghiệp trong ngành cao-su cần bám sát “cẩm nang” này để đầu tư sản xuất ra các loại hàng hóa đáp ứng được nguyên liệu cao-su thiên nhiên sơ chế để sản xuất sản phẩm cao-su công nghiệp trong nước.

Theo dự báo, mức giá xuất khẩu cao-su thiên nhiên thấp sẽ kéo dài trong vài năm tới, do đó đây là giai đoạn ngành caosu cần xây dựng chiến lược đồng bộ cho sự phát triển bền vững và hiệu quả. Trong đó, sự liên kết chặt chẽ từ người trồng cao-su đến doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm và sự hỗ trợ kịp thời về chính sách của các bộ, ngành, địa phương là hết sức cần thiết.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp từ các nguồn thitruongcaosu.net, Agromonitor.vn, thitruonggiaca.com.vn, giacaphe.com


Nguồn: Vinanet