Hiện nay, giá phân DAP Trung Quốc đã lên tới 26.000 - 27.000 đ/kg (tuỳ theo phương thức thanh toán: trả tiền ngay hay cuối vụ trả, tăng 8.000 - 9.000 đ/kg so với đầu tháng 4; phân urê 9.000 đ/kg; phân NPK 15.000 - 15.200 đ/kg, tăng 2.600 - 3.200 đ/kg; kali 12.000 đ/kg, tăng 1.500 - 2.000 đ/kg...).

Theo các chuyên gia kinh tế, giá phân bón trong nước tăng cao là do giá các loại phân bón và nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh. Chưa bao giờ giá phân bón thế giới lại tăng cao như hiện nay, giá tăng mức kỷ lục trong vòng 35 năm qua. Giá urê và DAP nhập khẩn từ nhiều nước hiện đã tăng 10-15 USD/tấn so đầu năm. Ngoài ra, giá cả vận chuyển và nhiều loại nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất các loại phân NPK và phân lân, như lưu huỳnh, axít sulfuric kali... cũng đã tăng giá từ 10 - 50%. Đặc biệt, từ ngày 20/4 thị trường chính nhập khẩu phân bón của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm 90%), tăng thuế xuất khẩu phân bón các loại từ 35% lên 135%, đồng thời phía Trung Quốc siết chặt cửa khẩu, khiến hàng phân bón tiểu ngạch không về VN. Vì vậy, nguồn cung phân bón cho thị trường trong nước là sản xuất trong nước và nhập khẩu chính ngạch. Thị trường phân bón trong nước vốn đã khó khăn lại thêm phức tạp, giới tư thương lợi dụng cơ hội "đục nước béo cò".

Hiện nay, ĐBSCL đã xuống giống lúa hè thu trên 80% diện tích của kế hoạch 1,5 triệu ha. Nên sau khi phân bón tăng giá thì cũng đến lượt các loại vật tư khác cũng tăng theo, vì đã đến thời điểm chăm sóc lúa. Cụ thể như thuốc diệt cỏ các loại, vụ đông xuân 2007 - 2008 có giá 68.000 -75.000 chai, vụ hè thu đã tăng vọt lên 140.000 đ/chai. Chee - loại thuốc nông dân thường sử dụng diệt rầy nâu, lúc vào vụ hè thu 2008 là 7.000 - 8.000 đ/gói, nay tăng lên gấp đôi 14.000 - 16.000 đ/gói.

Theo tính toán của Cty đạm Phú Mỹ (ĐPM), nguồn hàng trong nước cân đối cho vụ hè thu đến cuối tháng 5 đã tạm đủ. Dự báo tổng cần cho mùa vụ khoảng 650.000 tấn urê, trong đó nguồn cung trong nước 500.000 tấn và cần nhập khẩu thêm khoảng 150.000 tấn. Riêng Cty ĐPM từ đầu năm đến nay đã sản xuất được 210.233 tấn, cung cấp ra thị trường 171.298 tấn. Để tham gia bình ổn thị trường, ngoài đẩy mạnh sản xuất, Cty còn lên kế hoạch nhập khẩu 150.000 tấn phân bón các loại, trong đó trên 100.000 tấn đã về đến VN. Giá phân bón của ĐPM được Tập đoàn dầu khí chỉ đạo giảm từ 10 - 15% so với giá thị trường, góp phần đưa giá phân bón trong nước xuống thấp hơn giá nhập khẩu thế giới giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Nếu được kể thêm nguồn hàng, hiện thời tại các đại lý vẫn còn một lượng phân bón không ít và các hợp đồng nhận hàng của các đơn vị kinh doanh phân bón khác sẽ về trong tháng 5 này.

Như vậy, có thể khẳng định rằng lượng phân bón cho vụ hè thu không thiếu. Vậy, vì sao giá tăng?

Thực tế cho thấy, việc ĐPM giảm giá bán phân bón theo chủ trương của Chính phủ là việc làm rất đáng hoan nghênh. Tuy vậy, nhiều người cho rằng mức giảm giá này gây ra một nghịch lý là có lợi cho giới đầu cơ. Vì, ĐPM kể cả sản xuất trong nước và nhập khẩu mới đảm bảo được khoảng trên, dưới 60% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu từ các đầu mối kinh doanh phân bón khác. Giá urê ĐPM đang áp dụng bán ra thị trường ở mức 8.500 đ/kg (425.000 đ/bao), nhưng nhà máy chỉ bán hàng cho một số ít nhà phân phối (cấp I). Nhiều cửa hàng kinh doanh phân bón tại Cần Thơ và các tỉnh ĐB SCL không mua được hàng trực tiếp từ nhà máy mà buộc phải mua lại từ các nhà phân phối cấp I với giá 9.000 đ/kg, từ đây qua tiếp những tầng nấc trung gian khác cuối cùng hạt phân bón đến được với bà con nông dân ở mức 9.500 -10.000 đ/kg.

Theo TGĐ Cty CP Phân đạm và Hoá chất dầu khí, hiện tại thị trường phân bón trong nước bị thao túng chủ yếu bởi hệ thống đầu nậu phân phối. Còn theo các đại lý vật tư nông nghiệp ở các tỉnh ĐB SCL thì phân bón dẫn đầu cơn "sốt " từ đại lý cấp I bổ hàng về các địa phương.  Trong lúc chưa hình thành mạng lưới phân phối độc lập, ĐPM yêu cầu các công ty làm đại lý ĐPM phải có cửa hàng bán đến tận tay nông dân, nhưng thực tế rất ít (thậm chí không có) các công ty thương mại đảm nhận việc này.

 

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam