Do tác động giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón trên thị trường thế giới, đặc biệt là Trung Quốc vừa nâng thuế xuất khẩu đối với phân bón và các nguyên liệu khác từ 35% lên 135%, đồng thời thắt chặt xuất khẩu tiểu ngạch nên thị trường phân bón trong nước đã tăng giá mạnh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu phân urê, 75% phân lân; còn lại 100% phân bón các loại như DAP, SA, Kali, phân lân đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc (có tới 1/4  nguồn nguyên liệu cho sản xuất phân bón xuất khẩu trên thế giới) có chính sách điều chỉnh về mặt hàng này ngay lập tức tác động mạnh đến các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FVA), nếu các yếu tố nguyên nhiên vật liệu đầu vào từ nguồn trong nước như: Điện, than; các loại quặng apatít, secpentin và các phụ gia sản xuất chưa có thay đổi lớn thì việc kiềm chế tăng giá có thể thực hiện được, nhưng với các sản phẩm phân bón có tỷ lệ nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu với giá cao như hiện nay thì việc tăng giá bán sản phẩm là điều khó tránh khỏi.

Thời gian qua, giá bán lẻ phân urê có xu hướng chững lại, một số nơi đã giảm từ 200 đến 300 đồng/kg, tuy nhiên với diễn biến trên thị trường thế giới gần đây, giá phân bón các loại đã tăng từ 20 đến 30% so với hồi đầu năm, đặc biệt là tăng mạnh ở khu vực phía Nam. Hiện giá bán phân urê bình quân trên cả nước từ 7.200 đến 8.700 đ/kg, có nơi 9.000 đ/kg; Kali từ 12.000-13.500 đ/kg, DAP từ 22.500-24.000 đ/kg, lân từ 3.000-3.500 đ/kg, tuỳ vào khu vực. Hiệp hội cũng nhận định, tuy phân bón là một trong 10 mặt hàng chiến lược không được phép tăng giá cho đến ngày 1/6 tới theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát nhưng với giá phân bón các loại trên thị trường thế giới đã tăng ở mức kỷ lục trong vòng 5 năm qua cùng với những diễn biến trên thị trường phân bón Trung Quốc hiện tại, thị trường phân bón trong nước khó tránh khỏi việc tăng giá trong thời gian tới.

Cùng với việc tăng giá phân bón, một số doanh nghiệp kinh doanh phân bón trong nước đã găm hàng, tăng giá hoặc xuất khẩu ngược phân bón ra nước ngoài để kiếm chênh lệch bởi sản xuất phân urê trong nước đang được bù giá khí, than nên giá phân bón trong nước thấp hơn giá phân bón thế giới.

Cũng theo FVA, vụ hè thu năm 2008 cả nước cần khoảng 400.000 tấn urê và 2 triệu tấn phân bón các loại, khi bước vào vụ đông xuân tới, chỉ riêng nhu cầu về phân urê đã tăng lên khoảng 450.000 tấn. Trong khi đó, năng lực sản xuất hiện tại của các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nên phải nhập khẩu trong khi giá phân bón trên thị trường thế giới vẫn có xu hướng tăng và tình trạng cung cầu phân bón cho thị trường trong nước vẫn còn căng thẳng. Mỗi tấn urê sản xuất trong nước sẽ giảm được cước vận chuyển, phí bảo hiểm và thủ tục hải quan... nên giá thành sẽ thấp hơn so với hàng nhập khẩu từ 110-120 USD/tấn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã nâng giá bán gần với giá thế giới khiến nông dân càng thêm khó khăn khi chi phí đầu vào sản xuất tăng cao...

Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, 4 tháng đầu năm 2008, lượng phân bón các loại nhập khẩu là 1,6 triệu tấn, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, phân urê là 400.000 tấn (tăng 2,1 lần), NPK 118.000 tấn (tăng 2 lần), kali và một số phân khác 593.000 tấn (tăng 54%).

Trước tình đó, FVA đã kiến nghị Chính phủ có định hướng cho kế hoạch sản xuất và nhập khẩu phân bón từ nay tới 2010; trong đó đẩy mạnh phát triển sản xuất phân hữu cơ, cải tiến công nghệ sản xuất NPK chất lượng cao thay thế DAP nhập khẩu, đặc biệt là ngừng xuất khẩu cũng như tạm nhập tái xuất đối với tất cả các loại phân bón. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam cũng chỉ đạo các nhà máy sản xuất phân bón tăng sản lượng và tiến độ sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng phân bón cho nông dân.Trong đó, đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ các dự án phân bón lớn như nhà máy DAP Đình Vũ - Hải Phòng, đạm than Ninh Bình, mở rộng đạm Hà Bắc, supe lân tại Lào Cai.

Được biết,  Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã chính thức công bố: khả năng sản xuất và cung ứng của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí cùng nguồn hàng nhập khẩu đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước với giá bán thấp hơn giá thị trường từ 10% đến 15%. Tính đến hết tháng 4/2008, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã sản xuất được 210.233 tấn, ký hợp đồng nhập khẩu (từ Trung Quốc và Trung Đông) 150.000 tấn, trong đó, khoảng 100.000 tấn đã về đến Việt Nam, khối lượng hàng còn lại sẽ nhận tiếp trong tháng 5 và tháng 6/2008.  Hiện nay, nguồn cung cho thị trường Việt Nam theo đường tiểu ngạch Trung Quốc đã bị ngưng lại do Chính phủ Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu phân bón từ 35% lên 135% từ ngày 20/4/2008. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang triển khai các phương án nhập khẩu phân urea dài hạn với khối lượng lớn từ Trung Đông và Nga để chủ động cung cấp tối thiểu 70% nhu cầu thị trường trong nước.

Mới đây, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính áp dụng phụ thu xuất khẩu đối với các loại phân bón urea và DAP với mức 40% và đồng ý với đề nghị tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu 2 loại phân bón này như đề nghị của Bộ NN-PTNT, nhưng kéo dài thời gian tới hết tháng 7-2008.

Trước đó, lo ngại về việc thiếu phân bón urea và DAP do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ vụ xuân – hè trong điều kiện giá phân bón thế giới lên cao và có khả năng các doanh nghiệp thương mại  nhập khẩu được phân bón giá rẻ trước đó xuất khẩu để kiếm lời, nên Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Công thương  dừng cấp phép xuất khẩu phân bón.

(TTXVN, BCT)

Nguồn: Vinanet