Giá thép tấm và thép cây trong tháng tại thị trường nội địa ổn định. Tuy nhiên, hầu hết các thương nhân lo lắng thời gian tới giá có thể giảm.

(VINANET) - Mặc dù hầu hết các nhà máy Trung Quốc vẫn giữ giá chào bình ổn nhưng giá bán nội địa Trung Quốc đã giảm. 

Giá thép tấm tại Tp.HCM được chào bán tại mức 10,6 triệu VND/tấn (486 USD/tấn) cho thép tấm SS400 16-20mm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giá chào bán cho thép tấm cùng loại trên từ Trung Quốc đạt mức 365 USD/tấn FOB Trung Quốc và hầu hết các thương nhân Việt Nam sẽ giảm giá bán xuống 5 USD/tấn trong thời gian ngắn tới.

Đối với thép cây, giá nhìn chung trong xu hướng bình ổn, tuy nhiên nhu cầu không cao do mùa mưa đang tới gần.

Giá thép cây JIS 390 phi 12-32mm giao tại nhà máy ở vĩnh Phúc giá là 11 triệu VND/tấn (505 USD/tấn) chưa tính VAT. Giá trung bình phôi thanh là 8 triệu VND/tấn (367 USD/tấn) chưa tính VAT.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, sản phẩm thép xây dựng 5 tháng 2015 tiêu thụ đạt khoảng 2.466 ngàn tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng tháng 5, thép xây dựng tiêu thụ đạt khoảng 550 ngàn tấn.

Đạt được mức tiêu thụ trên do nhu cầu thép từ các công trình xây dựng đang được triển khai mạnh, nhờ đó, sản phẩm thép xây dựng cũng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên mức tăng trưởng giữa các doanh nghiệp thép vẫn không đồng đều, nổi trội nhất vẫn là thép Hòa Phát, tiếp đến là Tổng công ty Thép Việt Nam, Kyoei, thép Việt…

Dù tiêu thụ thép xây dựng có nhiều thuận lợi nhưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam vẫn khuyến cáo: Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp thép muốn làm ăn hiệu quả cần phải nâng cao hiểu biết về thông lệ quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh về sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đầu tư mở rộng kênh bán hàng cũng như quản lý chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh...

Do thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các chuyên gia ngành thép dự báo năm 2015, thép xây dựng tăng trưởng chỉ đạt khoảng 10%-11%. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, sức tăng trưởng đã vượt xa dự tính ban đầu.

Từ đầu năm 2015, thị trường nội địa tiêu thụ mặt hàng sắt thép khá tốt, giá bán tại nguồn duy trì ổn định và nhiều dự án lớn đã khởi công. Đây là cơ hội thuận lợi để các nhà sản xuất trong nước bán lượng hàng tồn kho và tăng sản lượng. Tuy nhiên, sản phẩm sắt thép trong nước lại bị sắt thép ngoại giá rẻ cạnh tranh dành gần hết cơ hội.

Từ đầu năm đến nay, sắt thép ngoại tràn vào Việt Nam nhiều, đặc biệt thép giá rẻ Trung Quốc, đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất thép nội địa. Tuy thép Trung Quốc chất lượng kém so với sắt thép sản xuất trong nước, nhưng vì giá rẻ hơn 1-2 triệu đồng/tấn nên vẫn được thị trường tiêu thụ nhiều.

Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam đã ký kết 9 hiệp định thương mại tự do và 6 hiệp định đang đàm phán, dự kiến sẽ được ký kết trong cuối năm 2015. Với những mặt hàng Việt Nam đang nhập khẩu nhiều thì đây là thách thức lớn.

Không chỉ cạnh tranh với thép giá rẻ Trung Quốc, gần đây doanh nghiệp thép nội địa còn cạnh tranh với thép từ Hàn Quốc, Nhật Bản nhập khẩu với số lượng lớn vào Việt Nam, trong đó cuộc cạnh tranh với thép Trung Quốc là gay gắt hơn cả. Tìm hiểu ở một số công ty xây dựng, chủ thầu hầu hết đều khẳng định, sắt thép của Trung Quốc chất lượng, kích thước phần lớn kém xa hàng Việt, nhưng vì giá rẻ nên nhiều công trình, dự án vẫn sử dụng.

Sắt thép nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng mạnh và dự kiến sẽ còn tăng cao khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc chính thức ký kết. Hiện nhu cầu sử dụng thép hợp kim dùng trong xây dựng rất lớn, song hầu như chưa doanh nghiệp Việt nào sản xuất được, chưa kể loại thép này giá rẻ hơn nhiều so với thép dùng trong xây dựng trong nước nên doanh nghiệp Việt đang mất dần lợi thế cạnh tranh ngay sân nhà. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 11 triệu tấn sắt thép, có đến 5 triệu tấn thép hợp kim. Trong 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã bỏ ra 2,2 tỷ USD để nhập khẩu sắt thép các loại.

Thông tin nổi bật trong tháng

Việt Nam khiếu nại lên WTO trong vụ kiện tự vệ của Indonesia

Việt Nam đã tiến hành các thủ tục tố tụng lên WTO đối với các biện pháp tự vệ của Indonesia được áp dụng cho một vài sản phẩm thép cán dẹt.

Như Platts đã đưa tin, Indonesia đã áp dụng thuế tự vệ cho thép tấm mạ nhôm kẽm hồi tháng 7 năm ngoái. Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam là những quốc gia xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng. Đài Loan đã viện dẫn các thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO trong vụ kiện này.

Trong một thông báo trên trang web của mình hôm thứ Hai, WTO cho biết khiếu nại của Việt Nam liên quan đến những quyết định và cuộc điều tra từ Indonesia làm dẫn đến việc áp dụng các biện pháp tự vệ. Nó cũng liên quan đến những yêu cầu thông báo và tham vấn cần thiết theo quy định của WTO.

Thép Việt Nam lại bị điều tra bán phá giá ở Malaysia

Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia vừa đề xuất điều tra chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ 9 nước, trong đó có Việt Nam.

Hiện biên độ phá giá bị cáo buộc đang ở mức 27%. Nguyên nhân thép Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá là giá bán thép không gỉ xuất sang Malaysia liên tục giảm ba năm liên tiếp.

Theo đại diện Bộ Công Thương, tuy thị phần thép Việt Nam chỉ chiếm 2,9% nhưng áp dụng theo luật WTO, Malaysia được quyền cộng tổng thị phần nhiều nước trong danh sách, lớn hơn 8% sẽ được phép điều tra. Có 6 doanh nghiệp Việt Nam nằm trong danh sách bị điều tra và sẽ phải nộp lại bản trả lời vào ngày 28/5.

Từ 15/6/2015, nhập khẩu sắt thép phế liệu phải ký quỹ

Từ ngày 16/5/2015 tới đây, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu sắt, thép phế liệu sẽ phải ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với mức cao nhất lên đến 20% trên giá trị lô hàng.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng mức ký quỹ 20% trên tổng giá trị lô hàng nhập khẩu là quá cao

Đây là một trong những quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và chất thải phế liệu.

Nghị định 38/2015/CP-NĐ quy định các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định.

Cụ thể, khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu. Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu. Khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng.

Vina Kyoei một lần nữa trì hoãn việc khởi động lò EAF mới ở Việt Nam

Kyoei Steel cho biết việc khởi động chính thức lò EAF mới công suất 500.000 tấn/năm tại nhà máy Vina Kyoei- ở miền nam Việt Nam, một lần nữa đã bị trì hoãn.

Cơ sở sản xuất thép mới này theo kế hoạch ban đầu sẽ bắt đầu vào mùa hè 2014 nhưng việc bàn giao đã lùi lại đến cuối năm ngoái và sau đó lại trì hoãn thêm một lần nữa đến tháng 3/2015 và mới đây nhất hồi tháng 4, công ty đã cam kết thời gian chính xác là đầu tháng 6 tới.

Từ tháng 3, Vina Kyoei đã bắt đầu sản xuất thương mại tại dây chuyền thép thanh 500.000 tấn- dùng phôi thanh được mua từ các nhà sản xuất khác- nhưng hiện giờ chỉ đang sản xuất 1 ca duy nhất. Tuy nhiên, với khởi đầu suôn sẻ và nhà máy này đặt mục tiêu sẽ tăng sản lượng lên hết công suất trong 12-18 tháng. Công suất hoạt động dây chuyền thép thanh của Vina Kyoei hiện tại là 450.000 tấn/năm.

Hương Nguyễn

Nguồn: Vinanet/Sathep.net, Xây dựng, VTV

Nguồn: Vinanet