Chiều qua tại Tôkyô, giá đồng euro giảm xuống mức theo thứ tự 1,2686 USD và 120,8 yên, so với 1,2695 USD và 121,19 yên cuối tuần trước tại Niu Yoóc. Cũng trong phiên này, đồng USD đã giảm xuống mức 95,20 yên, so với 95,61 yên cuối tuần trước.
Nhà giao dịch ngoại hối Masatsugu Miyata thuộc Hachijuni Bank cho hay các nhà đầu tư vẫn đang bán ra đồng euro.
Tuần trước đồng euro đã xuống giá sau khi số liệu cho hay lạm phát hàng năm ở khu vực đồng euro (eurozone) đã giảm mạnh trong tháng 11/08. Giới giao dịch cho rằng lạm phát giảm mở đường cho ECB cắt giảm lãi suất trong ngày 4/12 tới. Nếu xảy ra, đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất thứ ba của ECB trong vòng chưa đầy hai tháng trở lại đây. Thị trường dự báo, ECB sẽ cắt giảm mạnh tay hơn lần cắt giảm trên 50 điểm cơ bản hồi đầu tháng 11/08.
Dự báo các ngân hàng Anh, Ôxtrâylia và Niu Dilân sẽ giảm lãi suất mạnh tay trong tuần này để đối phó vói suy thoái kinh tế. Các nhà phân tích của Standard Chartered cho rằng điều này sẽ làm tăng nguy cơ xuống giá đối với đồng tiền của những nước này so với đồng USD trong tuần này.
Tuy nhiên, đồng USD lại xuống giá so với đồng yên trước khi Mỹ công bố tỷ lệ thất nghiệp vào cuối tuần này. Thị trường cũng dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong tuần này.
Song kể từ tháng 7 đến nay, đồng USD đã tăng giá 19% so với đồng euro và tăng 24% so với đồng bảng Anh. Các nhà phân tích cho rằng USD tăng lên là do yếu tố tâm lý. Người ta nhận ra một qui luật là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế trầm trọng, các nhà đầu tư thường có xu hướng từ bỏ một số đồng tiền và các tài sản nhiều rủi ro khác để tìm đến những phương tiện cất giữ an toàn hơn như đồng USD. Nhu cầu mua USD khiến cho giá đồng tiền này tăng lên một cách tương đối so với các đồng tiền khác. Trong bốn cuộc suy thoái trước, tính từ những năm 1970 đến nay, lần nào đồng USD cũng có giá trị cao hơn so với khi suy thoái bắt đầu.
 Ngoài ra, trong suốt 6 năm qua, giá trị đồng euro, đồng bảng Anh và đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi lên đã phần nào bị thổi phồng quá mức. Một rổ ngoại tệ, bao gồm đồng real của Braxin và đồng NDT của Trung Quốc đã tăng 25% trong khoảng thời gian từ 2002 đến giữa năm 2008 so với đồng USD. Riêng đồng euro đã tăng giá tới 45%. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, khi một số nhà đầu tư bắt đầu đánh cược rằng tình trạng bong bóng tiền tệ có thể sẽ xì hơi, điều này đã góp phần đánh tụt giá các đồng tiền trên xuống, tạo lợi thế cho đồng USD. Colin Hart, giám đốc phụ trách tiền tệ Công ty Baring Asset Management cho biết từ tháng 3/08, công ty ông đã giảm mạnh các khoản dự trữ bằng đồng euro.
Một nguyên nhân nữa có liên quan đến vai trò của các quỹ đầu tư có trụ sở ở Mỹ và các quỹ tương hỗ sở hữu những cổ phiều quốc tế. Do lo ngại rủi ro, trong 9 tháng đầu năm nay khách hàng đầu tư vào trái phiếu bằng ngoại tệ nước ngoài đã rút số tiền trị giá tới 39 tỷ USD ra khỏi các quỹ này. Vì không có đủ tiền, các công ty này buộc phải bán tháo các khoản ngoại tệ để mua lại USD thanh toán cho khách hàng. Những phi vụ này rốt cục cũng làm cho giá USD tăng lên.
Vấn đề hiện nay đặt ra là liệu xu hướng này có tiếp tục hay không. Sau loạt tăng giá ổn định trong những tháng gần đây, đồng tiền xanh hiện đang được giao dịch với tỷ lệ 1 euro ăn 1,269 USD hôm 29/11, và người ta cho rằng đây tỷ giá thích hợp, dựa trên sức mua hiện nay của người tiêu dùng. Thomas Stolper, nhà kinh tế làm việc cho công ty Goldman Sachs cho rằng khi tình hình căng thẳng trên thị trường bắt đầu dịu xuống, mọi người sẽ buộc phải tính xem có nên tiếp tục đầu tư vào đồng tiền xanh hay không.
Tuy nhiên, nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục xuống dốc, đồng USD thậm chí có thể tăng giá hơn nữa. Cơn bão tín dụng thực ra mới chỉ bắt đầu tác động đến các thị trường đang nổi lên, trong đó rất nhiều nước phải dựa vào hoạt động xuất khẩu. Với tình hình mức tiêu thụ ở Mỹ giảm xuống, triển vọng kinh tế của các nước như Ấn Độ, Braxin và Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đang xấu đi. Mối lo ngại ấy đang ảnh hưởng đến đồng tiền của các nước này. Trong vòng hai tháng qua, đồng rupee khá mạnh của Ấn Độ đã mất giá 17%.
Các thị trường tiền tệ của châu Âu cũng có thể cảm thấy sức ép do kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm. Khu vực đồng euro thiếu một chính phủ trung ương có thể điều chỉnh hoặc phản ứng nhanh trước khủng hoảng. Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương châu Âu bị chỉ trích là đã không nhận ra được một cách đủ sớm tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, vì vậy họ đã tăng lãi suất cơ bản hồi tháng 7, để rồi phải cắt giảm lãi suất vào tháng 10 và tháng 11/08.
Theo ông Stephen Jen, nhà kinh tế làm việc tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, đồng USD lên giá là đúng, và phù hợp hơn là điều mà những người hoài nghi vẫn tưởng.

Nguồn: Vinanet