Nhiều doanh nghiệp cho biết, ngay từ giữa tháng 3/2010, khi nhận thấy nguy cơ thị trường có thể ảm đạm kéo dài, hàng loạt salon xe hơi nhập khẩu đã tiến hành các chương trình giảm giá, khuyến mại, tặng phụ kiện với giá trị lớn thậm chí tới mức “sốc”, song sức mua vẫn không được cải thiện. Trong khi đó, thông thường mỗi khi các doanh nghiệp tiến hành khuyến mại, số lượng khách hàng đặt mua gần như lập tức tăng lên.
Thực tế là thị trường ôtô Việt Nam mặc dù không hoàn toàn phụ thuộc song vẫn luôn chịu ảnh hưởng lớn từ các thị trường tài chính như chứng khoán, ngoại tệ hay vàng. Do đó, khi một trong các kênh đầu tư tài chính này rơi vào khó khăn hoặc chậm tăng trưởng, sức mua tại thị trường ôtô cũng khó khăn theo.
Dựa trên các tổng hợp thông tin khách hàng của các nhà cung cấp ôtô, có thể thấy rằng ít nhất hơn 60% khách hàng mua xe là các nhà đầu tư chứng khoán, vàng, ngoại tệ hoặc các nhân viên tín dụng, ngân hàng.
Vì vậy, khi nguồn lợi nhuận từ các kênh đầu tư này bấp bênh, giảm sút hoặc thậm chí thua lỗ; khi ngành tài chính gặp ít nhiều khó khăn thì nguồn tiền dư dả đủ để các cá nhân sử dụng để mua món hàng được coi là xa xỉ như xe hơi tất nhiên bị ảnh hưởng lớn.
Một số khách hàng cho biết, sở dĩ họ vẫn đi xem xe vì đang có nhu cầu mua xe. Tuy nhiên, do đầu tư chứng khoán thời gian này vẫn đang loanh quanh ở mức hòa vốn hoặc nếu lãi thì cũng ở mức nhỏ, trong khi đầu tư vàng hay ngoại tệ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên sẽ khó có quyết định mua xe.
Ở một khía cạnh khác, cho dù nhiều cá nhân có dư tài chính song trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhu cầu giữ an toàn đồng vốn vẫn được ưu tiên hơn so với nhu cầu mua xe. Cùng lúc đó, các ngân hàng cũng đang có xu hướng thu hẹp dần đối với các khoản cho vay tiêu dùng.
Cuộc khủng hoảng thu hồi xe trên diện rộng tại các thị trường ôtô lớn trên thế giới, trên thực tế, đã và đang gây những ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường ôtô trong nước.
Sức ép từ xe trong nước
Cũng xuất phát từ mối lo ngại thu hồi xe vẫn còn tiếp diễn, thị trường xe hơi nhập khẩu mất dần thị phần còn do nhiều khách hàng chuyển sang mua xe lắp ráp trong nước nhằm tìm kiếm sự “an toàn” trong công tác hậu mãi.
Trong khi đó, chuyển động cùng chiều với lượng khách chuyển sang mua xe lắp ráp trong nước, 3 tháng trở lại đây, sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) liên tục tăng.
Ví dụ trong tháng 2/2010, tổng doanh số của các thành viên VAMA chỉ đạt 5.030 xe, thì sang tháng 3 tăng lên 9.298 xe và tháng 4 đạt 9.551 xe. Theo dự báo, sản lượng bán hàng trong tháng 5 của các thành viên VAMA sẽ tiếp tục tăng so với tháng 4, mặc dù không nhiều.
Khi người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời sự chuyên nghiệp hóa trong sản xuất và kinh doanh của các hãng xe trong nước buộc phải tăng lên, thì hệ quả gần như tất yếu là sức ép của “hàng nội” lên “hàng ngoại” cũng sẽ dần lớn mạnh