Thị trường gạo thế giới năm 2008 biến động mạnh. Giá gạo chia làm 2 xu hướng rõ rệt: tăng mạnh trong 5 tháng đầu  năm, và giảm mạnh trong 7 tháng cuối năm. Tính chung trong cả năm, giá gạo thế giới tăng khoảng 20 - 40%.

5 tháng đầu năm: Giá tăng gần 200%

Thị trường gạo thế giới 5 tháng đầu năm 2008 biến động mạnh. Gạo trở thành mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong số các loại hàng hoá trong 6 tháng đầu năm 2008 do nhu cầu xuất khẩu tăng, trong khi nguồn cung hạn hẹp bởi nhiều nước xuất khẩu lớn hạn chế hoặc cấm xuất khẩu.

Tại châu Á, giá gạo lập kỷ lục cao vào ngày 22/5, với loại 5% tấm của Thái Lan đạt 1.090 USD/tấn, còn gạo cùng loại của Việt Nam đạt 1.050 USD/tấn, đều tăng gấp 3 lần so với một năm trước đó. Trong khi đó trên thị trường Chicago, giá gạo thô đã lập kỷ lục cao 25,07 USD/cwt vào ngày 24/4, tăng 79% so với một năm trước đó.

Nguyên nhân giá gạo tăng kỷ lục nhanh trong 5 tháng đầu năm bởi lạm phát tăng mạnh khiến chính phủ nhiều nước xuất khẩu gạo lớn phải hạn chế hoạch tạm dừng xuất khẩu gạo với hy vọng ngăn chặn xu hướng  lạm phát.

Tại Thái Lan, giá thóc gạo nội địa tăng kỷ lục bởi đồng Baht tăng quá nhanh so với USD khiến các nhà xuất khẩu Thái Lan không muốn ký hợp đồng mới vì sợ lỗ. Tại Ấn Độ, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Chính phủ đã chỉ thị tạm ngừng ký kết các hợp đồng mới về xuất khẩu gạo ngay từ quý I. Trước đó, Việt Nam, Campuchia, Ai Cập và nhiều nước khác cũng đã tạm dừng xuất khẩu gạo, ưu tiên đáp ứng nhu cầu nội địa để ngăn chặn lạm phát đang ở mức báo động. Chính phủ Indonexia không cho phép xuất khẩu gạo nếu dự trữ gạo quốc gia chưa đạt 3 triệu tấn. Tuy nhiên, theo các thương gia, tính đến cuối năm 2008, nước này cũng chỉ dư thừa khoảng 1,2 triệu tấn gạo. Guinea đã cấm xuất khẩu bất kỳ một loại thực phẩm nào, trong khi chính phủ Philippine tạm thời dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp sang các mục đích khác. Gạo không còn là điểm nóng ở châu Á mà trở thành vấn đề nóng của toàn cầu. Tình hình cung gạo khan hiếm trên toàn cầu đã lôi cuốn sự chú ý của toàn thế giới, trong nỗi lo ngại về giá thực phẩm tăng. Braxin cũng thông báo tạm ngừng xuất khẩu gạo để bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước trong vòng 6-8 tháng và giữ giá cả trong nước. Việc Braxin hạn chế xuất khẩu gạo đồng nghĩa với nhu cầu và giá gạo Mỹ tăng lên. Nigeria cũng phải miễn thuế nhập khẩu gạo trong vòng 6 tháng bắt đầu từ tháng 5 để khuyến khích khu vực tư nhân nhập khẩu gạo và để kéo giá gạo trong nước xuống. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo không ngừng tăng từ châu Á, Trung Đông, châu Phi. Bão lớn xảy ra ở Myanma vào tháng 5 gây ra tình trạng thiếu thốn lương thực trầm trọng ở nước này, không những biến giấc mơ xuất khẩu gạo năm 2008 của nước này trở thành hão huyền, mà còn buộc họ phải nhập khẩu khối lượng lớn gạo.

7 tháng cuối năm: giá giảm 52%

Thị trường gạo thế giới hạ nhiệt từ cuối tháng 5, sau khi Việt nam và Thái Lan – hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - bước vào vụ thu hoạch, và một số nước nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo. Việc giá gạo quá cao cũng khiến nhiều người giảm tiêu thụ gạo, chuyển sang tăng cường ăn những loại lương thực khác. Xu hướng giảm giá không chỉ xảy ra ở thị trường gạo mà trên toàn bộ thị trường lương thực thế giới. Hiện giá lúa mì và ngô cũng chỉ bằng non nửa mức kỷ lục đã đạt được hồi mùa xuân.

Ngày 26/5, Campuchia đã trở thành nước đầu tiên xoá bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Tin này như một cơn gió lành thổi vào thị trường gạo thế giới, làm dịu lại nỗi lo về một nạn đói bùng phát trên toàn cầu. Việt Nam cũng nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo vào giữa tháng 6, khi cho phép tư thương ký hợp đồng xuất khẩu mới. Ấn Độ cũng sẽ xem xét nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 9 tới bởi sản lượng gạo Ấn Độ trong niên vụ kết thúc vào tháng 6/2008 đạt kỷ lục cao, 95,68 triệu tấn, so với 93,35 triệu tấn năm trước. Pakistan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới, cũng cho phép xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo bởi nhu cầu trong nước đã được đáp ứng đủ. Các nước sản xuất hàng đầu tiến hành thâm canh, tăng vụ sau khi thấy giá thóc gạo tăng vọt hồi đầu năm, trong khi Philíppin, nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, đã hoàn thành việc mua gạo cho năm 2008.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có vụ mùa lúa chính năm 2008 bội thu với sản lượng cao hơn khoảng 29% so với niên vụ trước, sau khi đã tăng 27% đạt 8,9 triệu tấn trong vụ tháng 5-6, bởi giá cao kỷ lục khuyến khích nông dân tăng trồng lúa. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính Thái Lan xuất khẩu kỷ lục 10 triệu tấn gạo trong năm 2008, nhờ diện tích đất trồng lúa được mở rộng và sản lượng đạt được cao hơn năm trước. Chính phủ Thái Lan đã giảm giá thu mua thóc của nông dân từ 14.000 Baht (410 USD)/tấn xuống 12.000 Baht do nhận được quá nhiều lời kêu ca từ các nhà xuất khẩu mặt hàng này bởi giá thu mua cao giữ giá gạo xuất khẩu cao, khiến họ không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, khi mà giá gạo của Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Thái Lan đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2009 trong bối cảnh dự trữ gạo trên thế giới còn khá cao và nhu cầu tiêu thụ đang chững lại do cuộc suy thoái kinh tế tại nhiều nước. Tổng Giám đốc Vụ thương mại Bộ Thương mại Thái Lan, Apiradi Tantraporn, cho biết năm 2009 nước xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới này dự kiến bán khoảng 8,5-9,5 triệu tấn, giảm so với mức ước tính xuất khẩu 10 triệu tấn gạo đã được đưa ra trước đây.

Tại Việt nam, Bộ Nông nghiệp ước tính sản lượng thóc năm 2008 sẽ tăng 3% lên 37 triệu tấn, cao hơn mức 36,6 triệu tấn dự báo trước đây, tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo. Khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2008 sẽ tăng 13% so với mục tiêu đề ra trước đây, đạt 4,5 triệu tấn. Chính phủ Việt Nam đã ra nhiều biện pháp hỗ trợ người trồng lúa, trong bối cảnh tồn kho lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều, và giá lúa gạo giảm mạnh.

Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo phi-basmati cho tới đầu năm 2009. Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng bán gạo của mình ra. Do chính sách hạn chế xuất khẩu, giá gạo Ấn Độ trở nên kém cạnh tranh hơn nhiều so với gạo Pakistan. Theo dự báo chính thức, nhu cầu gạo của Ấn Độ dự báo sẽ đạt 128 triệu tấn vào năm 2012, và khi ấy sẽ cần nâng sản lượng lên 3.000 kg/hécta, so với trung biình 1.930 kg/hécta hiện nay. Chính phủ đặt mục tiêu sản xuất 129 triệu tấn gạo vào năm 2011-12. Năm 2006/07, nước này tiêu thụ 88,25 tấn gạo.

Với Philippine, mặc dù sản lượng tăng, họ vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2008, bởi nước này đã mua trên 2,3  triệu tấn. Theo một quan chức của Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA), Philippine có kế hoạch nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo trong năm 2009, sau khi đã nhập khẩu kỷ lục trong năm 2008. Dự kiến Philippinie sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo trong 5 năm tới vì chi phí sản xuát cao, đặc biệt là giá phân bón, ảnh hưởng tới mục tiêu về sản lượng.

Thị trường gạo thế giới sẽ chưa sớm khởi sắc bởi nguồn cung vụ cuối năm khá dồi dào, do nông dân tăng cường trồng lúa sau khi giá tăng kỷ lục cao hồi đầu năm. Các nước trồng lúa từ châu Á đến châu Phi đều tăng cường trồng lúa sau khi giá gạo thế giới tăng kỷ lục khiến một số nước phải hạn chế xuất khẩu. Tổ chức Nông - Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính sản lượng gạo toàn cầu năm 2008 tăng 1,8%, thêm khoảng 12 triệu tấn, làm gia tăng nguồn cung gạo tại một số quốc gia.

Tuy nhiên, sang năm 2009, giá gạo sẽ có nhiều cơ hội tăng trở lại. Mặc dù giảm gần một nửa từ mức cao đỉnh điểm hồi tháng 5 song giá gạo châu Á hiện vẫn cao gần hơn khoảng 20-40% so với một năm trước đây. Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế (IRRI) và Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO) cho rằng việc các nước sản xuất gạo chủ chốt hạn chế xuất khẩu và dân số gia tăng sẽ khiến cho thị trường gạo toàn cầu khan hiếm nguồn cung. IRRI dự báo tiêu thụ gạo trên toàn cầu sẽ tăng thêm 18 triệu tấn trong niên vụ 2008/09 do dân số tăng và số người nghèo đói tăng lên. Giá gạo sau khi giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2008 rất có khả năng sẽ hồi phục trở lại vào năm 2009, khi thị trường gạo thế giới lại lâm vào cảnh khan hiếm. Người dân ở các nước đang phát triển ngày càng có xu hướng quay sang gạo để thay thế các thực phẩm đắt đỏ hơn như rau quả và thịt.

Dự báo giá gạo và các lương thực, thực phẩm khác sẽ không thể trở lại mức thấp của mấy năm trước do chi phí sản xuất cao mà diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Giá dầu mỏ biến động mạnh cũng tác động tới thị trường gạo, bởi lương thực và dầu mỏ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

 

Nguồn: Vinanet